BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một thời rực lửa động Kim Quang 

Cập nhật ngày: 05/03/2018 - 05:34

BTN - Đã 57 năm trôi qua, kể từ khi động Kim Quang, một hang động tự nhiên trên sườn phía Nam núi Bà Đen, trở thành căn cứ kháng chiến của Huyện uỷ Toà Thánh (nay là huyện Hoà Thành). Và cũng đã 43 năm kể từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước sạch bóng quân thù xâm lược. Vậy mà cho đến nay, mỗi khi nhắc lại hoạt động cách mạng giải phóng quê hương ở động đá này, nhiều người vẫn còn bồi hồi xúc động về một thời rực lửa chiến công.

Một cụm tượng tái hiện hoạt động của những chiến sĩ cách mạng trong động Kim Quang.

NHỮNG KÝ ỨC KHÔNG BAO GIỜ PHAI

Động Kim Quang là một hang động khá rộng nằm về hướng Nam núi Bà Đen. Từ chân núi đi theo triền núi khoảng 500 mét là đến hang động này. Tuy ở cách chân núi không xa, và ở độ cao chưa tới vài trăm mét, nhưng địa hình nơi đây khá hiểm trở. Muốn vào đến hang động, từ chân núi phải vượt qua một vực sâu khoảng 4-5 mét, rộng hàng chục mét và trải dài như một con suối.

Vào mùa mưa, nước từ trên núi chảy xuống theo con suối này ầm ầm như một dòng thác hung dữ. Mùa khô, nước róc rách, nhẹ nhàng chảy lòn dưới những gộp đá lớn. Trên động Kim Quang có nhiều tảng đá khổng lồ chồng lên nhau, tạo thành một mái hầm trú ẩn thiên nhiên vô cùng kiên cố.

Bên trong lòng động đá là một không gian trống, địa thế cao ráo, rộng cả trăm mét vuông. Mùa mưa, nước không tràn được vào động. Mùa nắng, không khí trong hang vẫn mát rười rượi. Chính vì vừa có địa hình hiểm trở, vừa có khí hậu lý tưởng như thế, nên từ thuở xa xưa, hang động này đã được tiền nhân chọn làm nơi tu hành, thờ cúng.

Theo lịch sử Đảng bộ huyện Hoà Thành, sau chiến thắng Tua Hai ngày 26.1.1960 (diễn ra trên địa bàn xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành ngày nay), Ban Cán sự Đảng Toà Thánh (tiền thân của Huyện uỷ Toà Thánh) thành lập Đội vũ trang tuyên truyền, quân số chỉ khoảng một tiểu đội, do ông Nguyễn Văn Sáu (Sáu Dò- nguyên Bí thư Huyện uỷ Tân Biên, Đại biểu Quốc hội khoá VIII) làm Đội trưởng.

Quý III năm 1961, Huyện uỷ Toà Thánh chọn động Kim Quang làm căn cứ. Ông Trần Văn Liên (thường gọi là Mười Liên), 75 tuổi, hiện ngụ khu phố 3, phường IV, TP. Tây Ninh- một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên đến sử dụng động Kim Quang làm căn cứ cách mạng, kể lại: “Tôi tham gia cách mạng vào năm 1960, lúc đó đã được 17 tuổi, nên tôi nhớ rất rõ. Thời điểm đó, bà Chánh- vợ của viên Tỉnh trưởng tỉnh Tây Ninh- phụ trách trông coi các chùa trên núi Bà Đen. Bà Chánh cử một nhà sư, chúng tôi thường gọi là ông Tư đến ở trong động để tu, giữ động và đặt tên là động Kim Quang. Sau Đồng khởi, lực lượng cách mạng phát triển mạnh mẽ, cần có địa bàn thuận lợi hoạt động, nên vận động ông Tư về chùa khác ở vùng đông dân cư tu hành, để cách mạng sử dụng khu vực núi non hiểm trở này làm căn cứ hoạt động. Ông Tư đồng ý xuống núi và đi về chùa khác tu hành”.

Theo lời ông Mười Liên thuật lại, lúc đó, ở giữa động Kim Quang đã có xây một bệ thờ bằng xi măng khá lớn, trên đó có đặt một bàn thờ. Phía sau bệ thờ lớn này có một bàn thờ nhỏ khác. Lòng hang động Kim Quang rộng, có thể chứa cả đại đội, nhưng lúc đó chỉ trú đóng khoảng 1 tiểu đội; đồng thời Ban Cán sự Đảng, sau là Huyện uỷ thường sử dụng hang động này để tổ chức học nghị quyết.

“Chúng tôi thường chặt nhánh cây, hoặc chặt cây tre chống xiên trong hang động, rồi giăng võng bắt chéo giữa các cây chống. Khi có sức nặng người nằm, dây võng rút các cây chống này sát vào vách đá nên rất chắc chắn”, ông Mười Liên nhớ lại.

Ông Phan Thanh Hùng kể về trận đánh giằng co trên động Kim Quang.

Lịch sử Đảng bộ huyện Hoà Thành ghi rõ, quý III năm 1962, căn cứ động Kim Quang của Huyện uỷ Toà Thánh được dùng làm nơi để Tỉnh uỷ triển khai Nghị quyết của Trung ương Cục về công tác trước mắt của miền Nam là: kiên quyết đẩy lùi chiến tranh quân sự, chính trị và giành thế chủ động, đẩy địch vào tình thế bị động hơn nữa, mở rộng phong trào giải phóng dân tộc; tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ các lực lượng hoà bình dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên thế giới, chống lại sự can thiệp vũ trang quy mô của đế quốc Mỹ vào miền Nam, tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa.

Tại động Kim Quang, Huyện uỷ Toà Thánh cũng triển khai Nghị quyết 3/62 của Trung ương Cục về công tác quân sự và Nghị quyết 4/62 về đẩy mạnh đấu tranh chính trị, vũ trang lâu dài, đánh đổ từng phần, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, công tác trọng tâm là kiên quyết phá ấp chiến lược, chống gom dân, cào nhà của địch, ra sức mở rộng căn cứ địa vững mạnh toàn diện, khẩn trương xây dựng “lực lượng vũ trang ba thứ quân”.

Ông Phan Thanh Hùng (Năm Hùng, 72 tuổi, hiện ngụ ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, nguyên Uỷ viên Thường vụ - Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Hoà Thành)- một trong những người trực tiếp cầm súng chiến đấu ở động Kim Quang, núi Bà Đen thời chống Mỹ, kể: ông tham gia cách mạng từ tháng 10 năm 1963. Thời gian đầu, ông được đưa vào khu vực phía Bắc núi Bà (gần Khedol ngày nay) làm rẫy, trồng chuối để cải thiện đời sống.

Sau đó, ông được huấn luyện quân sự trong khoảng 1 tuần lễ, nội dung chủ yếu là dạy cách sử dụng vũ khí. Năm 1964, ông được đưa về hoạt động, chiến đấu ở động Kim Quang. “Thời điểm đó, quân địch gọi động Kim Quang là “bót Việt cộng”. Chúng thường xuyên tấn công lên động Kim Quang, nhưng hầu hết các đợt tấn công của địch đều thất bại”- ông Năm Hùng hồi tưởng lại. Trong giai đoạn này, trên núi Bà thường diễn ra nhiều trận đánh giằng co, ác liệt giữa quân cách mạng và quân địch.

Ông Hùng kể lại một trong những trận đánh mà đến giờ ông vẫn còn nhớ như in: “Cuối năm 1964- đầu năm 1965, địch đưa quân lên đánh chiếm chùa Bà, lúc đó, chùa cũng là căn cứ cách mạng, chúng bắn chết hai đồng chí của ta. Động Kim Quang được lệnh chi viện cho chùa Bà.

Hơn 20 chiến sĩ lên đường, chỉ còn 3 đồng chí đang bị bệnh sốt rét ở lại với 2 khẩu súng thượng liên, trung liên “mát” để trông coi căn cứ. Thừa cơ hội này, một đại đội biệt kích của địch cắt ngang sườn núi Bà, đánh vào động Kim Quang. Ba chiến sĩ còn lại lôi hai khẩu súng máy giấu trong hang đá, cách động Kim Quang khoảng 10 mét, rồi lui về động Cây Da trên sườn núi trú ẩn.

Quân địch lùng sục quanh động Kim Quang, phát hiện và thu giữ khẩu súng thượng liên của ta. Ông Lê Văn Dừa (Ba Dừa, Tỉnh uỷ viên- Bí thư Huyện uỷ Toà Thánh) bảo tôi và đồng chí Hiệp từ động Cây Da nửa đêm mò xuống cắt ống nước sinh hoạt bằng nhựa trên vách núi dẫn vào động Kim Quang, để gây khó khăn cho địch.

Cắt đường ống nước xong, tôi và Hiệp không trở lại động Cây Da liền mà ẩn mình bên sườn núi phía trên động Kim Quang, chờ sáng hôm sau quăng lựu đạn vào động tiêu diệt bọn địch rồi mới trở về. Đúng theo dự đoán, sáng hôm sau, quân địch ra phía sau lấy nước súc miệng, thấy ống nước bị cắt, chúng la lối om sòm. Tận dụng thời cơ này, chúng tôi ném lựu đạn vào bọn chúng, làm chết một tên và làm bị thương một số tên khác. Trước tình hình đó, quân địch rút lui, quân ta trở lại động Kim Quang”.

Ông Trần Văn Liên kể về hoạt động trong căn cứ động Kim Quang.

RẠNG RỠ KIM QUANG, VẺ VANG TRUYỀN THỐNG

Lịch sử Đảng bộ huyện Hoà Thành còn ghi: sau khi nhận lệnh tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, động Kim Quang vinh dự được cấp trên chọn là nơi lên sa bàn đánh địch vùng trung tâm Toà Thánh - Long Hoa. Vài năm sau đó, từ tháng 5 đến tháng 10.1970, Mỹ liên tục dùng máy bay oanh kích núi Bà rất ác liệt hòng tiêu diệt lực lượng ta.

Pháo các loại của địch từ Trảng Lớn, cầu Lâm Vồ, Bàu Cóp bắn phá khu vực này thật dữ dội. Đến cuối tháng 10, chúng bắt đầu tổ chức các cuộc hành quân quy mô lớn đánh chiếm núi. Lực lượng được huy động gồm hai tiểu đoàn của Sư đoàn 25, một tiểu đoàn bảo an tiểu khu, 3 đại đội bảo an đóng ở Suối Đá, Phan, Phú Khương, một trung đội biệt kích và một trung đội dân vệ Cầu Vườn Điều chiếm chân núi.

Chúng đưa cơ giới vào ủi đất, xây dựng công sự đóng ba đồn xung quanh núi, mỗi đồn một đại đội bảo an với mục đích cô lập hoạt động của ta, bao vây kinh tế lâu dài để tiêu diệt hoàn toàn lực lượng kháng chiến ở đây.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc hành quân, địch đã vấp phải bãi mìn của ta, 1 xe tăng M41 bị phá huỷ và nhiều tên lính vướng mìn chết. Đến ngày 6.11, hai tiểu đoàn của Sư đoàn 25 rút ra, ta bắt đầu tổ chức đánh những đồn địch quanh núi, tiêu diệt 180 tên.

Đến ngày 9.11, chúng phải bỏ đồn số 2 dồn về đóng ở đồn Động Bà Xẩm. Cũng trong tháng 11, tỉnh triệu tập lãnh đạo các huyện về họp ở chùa Hang (núi Bà) để triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Tình hình mới trên bán đảo Đông Dương và nhiệm vụ của chúng ta”.

Do có nội gián, địch biết được tin này và cấp tốc huy động một lực lượng lớn lên đây để bắt sống toàn bộ những cán bộ chủ chốt của huyện và tỉnh. Chúng huy động lực lượng gần 6 tiểu đoàn lính dù, nòng cốt là Tiểu đoàn dù 81, được mệnh danh là Tiểu đoàn Sơn Cước chuyên đánh ở những vùng rừng núi được điều động từ chiến trường Tây Nguyên về.

Chúng được trực thăng đổ bộ, từ trên đỉnh núi đánh xuống. Các đơn vị lính dù còn lại cùng lính bảo an mở cuộc tấn công từ dưới chân núi đánh lên, vây ép ta vào giữa để tiêu diệt và bắt sống. Trước tình hình gay go đó và để bảo vệ cán bộ tránh những cuộc chạm súng không cần thiết, nhưng vẫn tạo được điều kiện để giáng trả cho chúng những đòn trừng trị đích đáng, ngay từ khi chúng đổ quân tại chân núi, chưa kịp triển khai đội hình, ta đã đặt cối 82 ly tại tảng đá lớn ở động Kim Quang bắn vào ngay đội hình của chúng.

Ngay trong loạt đạn đầu, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên địch và phá hỏng một xe GMC, số lính còn lại bỏ chạy khắp nơi như bầy ong vỡ tổ.

Sau ngày miền Nam giải phóng, động Kim Quang được bảo tồn, gìn giữ như một di tích lịch sử cách mạng quan trọng của huyện Toà Thánh nói riêng, của tỉnh nói chung. Những năm sau đó, di tích lịch sử động Kim Quang được đầu tư xây dựng thành địa điểm tham quan du lịch về nguồn.

Ngay dưới chân núi, ta xây dựng Nhà truyền thống, trưng bày nhiều hình ảnh tư liệu về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; về những đơn vị từng tham gia chiến đấu ở núi Bà Đen (1962-975). Tại di tích lịch sử động Kim Quang ngày nay, con đường từ chân núi vào động đã được mở rộng, sắp xếp các thanh đá hoa cương thành bậc tam cấp cho khách dễ đi lên núi tham quan.

Trên con suối cắt ngang động Kim Quang được xây dựng một chiếc cầu treo nối hai bờ vực thẳm. Rải rác trên những tảng đá xung quanh khu vực động, xây dựng và trưng bày các pho tượng chiến sĩ cách mạng mặc áo bà ba, mang dép cao su, khăn rằn quấn cổ, tay cầm súng đứng gác như những chiến sĩ ngày xưa.

Trước cửa động điêu khắc đá cách điệu tạo hình một quyển sách lịch sử động Kim Quang. Trên đó ghi tóm tắt vai trò, vị trí động Kim Quang huyền thoại. Đặc biệt, trong lòng động Kim Quang xây dựng ba cụm tượng, tái hiện những hoạt động của những chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến, như gần cửa động, có một nữ chiến sĩ ngồi nấu nước. Giữa động, có bốn cán bộ tập trung bàn tính trên một sa đồ chiến lược.

Sâu bên trong, hai chiến sĩ đang làm nhiệm vụ truyền tin. Phía trong động còn có bàn thờ chiến sĩ trận vong. Trên một tảng đá sát vách núi có hình chú rùa đội bia đá khắc hàng chữ dọc “Tổ quốc ghi công”.

Cụm tượng tái hiện hoạt động của những chiến sĩ cách mạng trong động Kim Quang.

35 năm qua, từ năm 1983 đến nay, hằng năm cứ đến ngày 14 tháng Giêng, Huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Hoà Thành đều long trọng tổ chức họp mặt truyền thống cách mạng động Kim Quang dưới chân núi Bà Đen.

Những vị nguyên là lãnh đạo tỉnh, huyện Toà Thánh trước đây, các bậc lão thành đã từng sống, chiến đấu ở động Kim Quang, các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đều đến dự buổi họp mặt. Vào những ngày rằm, lễ trong năm cũng có đông đảo du khách gần xa đến động Kim Quang tham quan, cúng viếng.

Lễ hội này đã thành truyền thống tốt đẹp đúng như câu “Rạng rỡ Kim Quang - Vẻ vang truyền thống” in sâu trong lòng mọi người dân Hoà Thành, kể cả người dân ở các phường, xã của thành phố Tây Ninh, vốn được mở rộng địa giới hành chính từ huyện Toà Thánh- Hoà Thành trước đây.

Đại Dương