BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một vụ tranh chấp đất hơn 30 năm gây nhiều tranh cãi

Cập nhật ngày: 06/05/2016 - 11:15

Căn nhà của ông Nguyễn Văn Lòng, một hộ nghèo tại địa phương.

Liên quan đến các quyết định và bản án phúc thẩm trên đã dẫn đến các nhận định và phán quyết khác nhau, gây ra sự tranh cãi chưa có hồi kết.

Cấp sơ thẩm: Bồi thường 400.000đ/m2 

Như số báo thứ bảy tuần trước đã thông tin, sau khi anh em bà Võ Thu Trinh có đơn kháng cáo bản án hành chính của TAND tỉnh Tây Ninh yêu cầu huỷ Quyết định 2464, ngày 24.10.2008 của UBND tỉnh. Toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm và quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh em bà Trinh về yêu cầu huỷ quyết định hành chính của UBND tỉnh. Tại phiên xét xử này, toà nhận định “Nếu các bên không thống nhất về thành quả lao động trong việc sử dụng đất theo các quyết định nêu trên của UBND tỉnh thì giành quyền khởi kiện cho các đương sự bằng vụ án khác nếu có yêu cầu”.

Tháng 9.2014, anh em bà Trinh khởi kiện vụ án dân sự “Đòi thành quả lao động” tại TAND thành phố Tây Ninh đối với ông Nguyễn Văn Đức, ông Nguyễn Văn Lòng, bà Nguyễn Thị Nụ, bà Đàm Thị Điệu.

Bản án số 82/2014/DSST (Bản án 82) ngày 5.9.2014 của TAND thành phố Tây Ninh, nguyên đơn là bà Võ Thu Trinh kiện yêu cầu bị đơn là ông Nguyễn Văn Đức trả thành quả lao động trên diện tích 81,70m2 với giá bằng 1/2 giá trị QSDĐ theo giá thực tế là 3.500.000đ/m2.  Vụ án được đưa ra xét xử trên cơ sở toà án thụ lý vụ kiện từ… ngày 7.6.2010.

Khi trình bày tại toà, bà Trinh cho rằng ông Đức đang sử dụng phần đất mà trước đây cha bà là ông Võ Thành Minh cất nhà cho thuê. Phần đất này, UBND huyện Hoà Thành công nhận QSDĐ của anh em bà Trinh bằng Quyết định số 173/QĐ-UB (Quyết định 173) ngày 30.11.1988, các hộ ở trên đất phải thoả thuận bồi thường thành quả lao động cho anh em bà Trinh.

Trong khi đó, ông Đức cho rằng, phần đất này, ông chuyển nhượng của ông Lê Văn Dũng vào năm 2004 với giá 200 triệu đồng. Thời điểm sang nhượng, ông Dũng đã có giấy CNQSDĐ do UBND huyện Hoà Thành cấp ngày 7.3.2001. Do việc chuyển nhượng QSDĐ trên là hợp pháp nên ông Đức không đồng ý yêu cầu của bà Trinh.

HĐXX nhận định rằng, tại thời điểm ban hành Quyết định số 173, ông Lê Văn Dũng đang ở trên đất. Năm 2004, ông Dũng chuyển nhượng cho ông Đức và được cấp giấy CNQSDĐ năm 2005 là trong thời điểm bà Trinh đang khiếu nại. Quyết định 173 nêu các hộ có nhà trên đất phải thoả thuận bồi thường thành quả lao động cho gia đình bà Trinh. Còn Quyết định 2464 không yêu cầu các hộ thuê trước đây bồi thường mà yêu cầu các hộ đang ở trực tiếp trên đất, cụ thể là hộ ông Đức phải bồi thường. Việc áp giá bồi thường thành quả lao động là có xem xét đến điều kiện, quá trình sử dụng đất của các hộ dân ở trên đất và nguồn gốc đất của gia đình bà Trinh, bảo đảm hài hoà lợi ích của các bên. Vì vậy, việc yêu cầu bồi thường thành quả lao động theo giá đất thực tế của bà Trinh là không có căn cứ chấp nhận (giá đất thực tế lúc này là 700.000.000đ/m ngang.

Tuy nhiên, kể từ khi ban hành quyết định, ông Đức không thực hiện việc bồi thường nên phải chịu lãi suất trả chậm theo quy định pháp luật. Vì vậy, HĐXX chấp nhận một phần khởi kiện của bà Trinh, buộc ông Đức trả thành quả lao động cho anh em bà Trinh theo giá đất tại Quyết định 202/QĐ-UB ngày 21.11.1996 (Quyết định 202) là 400.000đ/m2. HĐXX cho rằng, kể từ khi Quyết định 2464 có hiệu lực đến ngày xét xử, ông Đức phải chịu lãi suất 1,125% của 32.288.000đ (= 80,70m2 x 400.000đ/m2). Tổng cộng ông Đức phải trả cho bà Trinh 57.861.000đ.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Lòng đang ở trên đất sang nhượng lại từ bà Nguyễn Thị Mai vào năm 1979 (có giấy tay). Năm 2001, UBND huyện Hoà Thành cấp giấy CNQSDĐ với diện tích 64,1m2, nên toà buộc ông Lòng phải trả cho bà Trinh số tiền 46.168.000đ.

Hộ bà Đàm Thị Điệu được UBND Thị xã cấp giấy CNQSDĐ năm 2003 với diện tích là 138,44m2. Nguồn gốc đất là do em rể của bà là ông Đặng Phước Sang sang nhượng từ bà Huỳnh Thị Mai và bà Nguyễn Kim Xuyến. Toà buộc bà Điệu phải trả cho anh em bà Trinh 99.233.800đ.

Hộ ông Phạm Thế Hùng được UBND Hoà Thành cấp giấy CNQSDĐ năm 2001, nguồn gốc đất là của bà ngoại ông Hùng sang nhượng của bà Nguyễn Thị Bòn và ông Nguyễn Văn Lòng vào năm 1980 với diện tích 62,6m2. Toà buộc ông Hùng phải trả cho bà Trinh 45.087.000đ.

Hộ bà Nguyễn Thị Nụ được UBND Hoà Thành cấp giấy CNQSDĐ năm 2001 với diện tích 80,7m2. Nguồn gốc đất là của ông Nguyễn Văn Chí (cha bà Nụ) thuê của bà Huỳnh Thị Mai vào năm 1936, có đặt cọc cho bà Mai 40.000đ. Tại toà, bà Nụ đồng ý bồi thường thành quả lao động cho anh em bà Trinh theo giá đất tại Quyết định 202. Toà buộc bà Nụ phải trả cho anh em bà Trinh số tiền 57.861.000đ.

Cấp phúc thẩm: Bồi thường 4.400.000đ/m2 

Năm 2015, TAND tỉnh xét xử phúc thẩm các bản án trên do anh em bà Trinh có đơn kháng cáo yêu cầu các hộ trên phải bồi thường thành quả lao động với giá đất là 9.200.000đ/m2. Toà phúc thẩm nhận định, toà sơ thẩm buộc ông Đức trả tiền bồi thường thành quả lao động theo Quyết định 202 (400.000đ/m2) là không phù hợp. “Bởi Quyết định 202 đến thời điểm xét xử vụ án đã không còn hiệu lực thi hành và được thay thế bằng Quyết định 60 của UBND tỉnh ban hành kèm theo bảng giá đất năm 2013. Toà không chấp nhận yêu cầu mà bà Trinh đề nghị buộc ông Đức trả anh em bà Trinh 359.480.000đ theo Quyết định 60 (giá đất tại vị trí tranh chấp là 4.400.000đ/m2).

Tương tự, toà buộc ông Nguyễn Văn Lòng phải trả cho anh em bà Trinh số tiền 282.040.000đ (sơ thẩm là 46.168.000đ); bà Đàm Thị Điệu trả 609.136.000đ (sơ thẩm là 99.233.800đ); bà Nguyễn Thị Nụ trả 355.080.000đ (sơ thẩm 57.861.000đ); ông Phạm Thế Hùng trả 275.440.000đ (sơ thẩm 45.087.000đ).

Định giá bồi thường cao, định giá bán thấp

Không đồng ý với phán quyết của TAND tỉnh, cả 5 hộ trên đều có đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm gửi đến TAND cấp cao, VKSND cấp cao tại TP.HCM. Khi Chi cục THADS Thành phố tiến hành kê biên, bán đấu giá tài sản để thi hành án, các hộ trên xin hoãn thi hành, đồng thời khiếu nại Chi cục THADS Thành phố chưa thực hiện đúng các quy định về thủ tục THA, ảnh hưởng quyền lợi của họ.

Trước đó, khi toà án xử sơ thẩm xong, ngày 18.9.2014, bà Nụ đã đến Chi cục THADS Thành phố nộp tiền thi hành án là 62.054.000đ (giá 400.000đ/m2). Nhưng sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, buộc bà phải trả 355.080.000đ, bà không chấp nhận. Ngày 14.3.2016, bà Nụ được Chi cục THADS Thành phố thông báo bán tài sản. Sợ không có nhà ở, ngày 17.3.2016, bà Nụ mượn tiền nộp thêm 339.338.280đ nên Chi cục THADS ra quyết định giải toả kê biên.

Đối với ông Đức, do tài sản ông sang nhượng từ ông Dũng hợp pháp (lúc này Quyết định 180 của UBND tỉnh ghi là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng) nên ông tiến hành xây nhà 3 tầng. Tuy nhiên, khi Quyết định 180 bị thu hồi, Chi cục THADS Thành phố cưỡng chế kê biên tài sản, ông không đành lòng bán căn nhà mới xây nên “tự nguyện” giao một phần đất ruộng 4.946,40m2 tại ấp Tân Hoà, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh để thi hành án. Khi biết đơn vị thẩm định giá thông báo phần đất này chỉ có 417.758.000đ, ông đã có đơn khiếu nại THA cho rằng định giá phần đất này quá thấp (gần 85.000đ/m2). Song song đó, ngày 4.11.2015, ông Đức gửi đơn đến TAND huyện Hoà Thành kiện ông Dũng việc sang nhượng phần đất “bất hợp pháp” trên để đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, do nhùng nhằng việc chưa bồi thường thành quả lao động cho bà Trinh, nên toà chưa đưa ra xét xử được. Sau đó, ông Đức rút đơn kiện, toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Đối với bà Đàm Thị Điệu, hiện nay Chi cục THADS Thành phố thông báo bà phải giao tài sản là QSDĐ (135,6m2), trên đất có căn nhà cấp 4 (119,765m2) với giá bán đấu giá 1.449.420.000đ. Hiện tại, bà Điệu cho rằng giá trên quá thấp. Theo bà, tại bản án sơ thẩm năm 2014, toà án xác định giá thị trường là 700.000.000đ/mét ngang, để tính bồi thường thành quả lao động cho bà Trinh, thì tại sao đến nay, giá trị đất và nhà của bà lại “rớt” thê thảm như vậy- chỉ còn khoảng 250.000.000đ/mét ngang, gồm cả nhà.

Tương tự, ông Lòng cũng nhận được thông báo bán đấu giá tài sản với diện tích 49m2, trên đất có căn nhà tạm với giá 490.000.000đ; ông Hùng với diện tích QSDĐ 75,3m2 (trên đất có 2 căn nhà) với giá 880.684m2.

Tổ chức thi hành án đúng quy định

Về nội dung khiếu nại của các hộ dân trên, ông Phạm Văn Phong – chấp hành viên Chi cục THADS Thành phố Tây Ninh cho biết, trước đây các đương sự có đơn xin gia hạn thi hành án, với lý do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh có văn bản kiến nghị Chánh án TAND cấp cao kháng nghị huỷ 5 bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, sau khi xem xét, ngày 16.2.2016, Chi cục THADS Thành phố có văn bản trả lời với nội dung: Căn cứ vào Điều 48 Luật THADS 2008, đơn xin gia hạn trên là không có cơ sở giải quyết. Đối với việc tổ chức thi hành án, ông Nguyễn Minh Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục THADS Thành phố cho biết các quyết định THA, quyết định cưỡng chế kê biên, biên bản thoả thuận giá, chọn đơn vị thẩm định giá... đều đúng quy định. Trường hợp 5 hộ trên, do các bên không thoả thuận được giá bán tài sản nên theo quy định, Chi cục THADS Thành phố chọn đơn vị thẩm định giá để tiến hành thẩm định giá. Theo ông Hoàng, hiện tại, Chi cục THADS Thành phố đang tiến hành các bước thủ tục để có văn bản trả lời khiếu nại cho các đương sự. Việc tổ chức THA cũng sẽ được Chi cục THADS Thành phố tiến hành thận trọng, đúng quy định, trên cơ sở ý kiến cuộc họp liên ngành sắp tới.

Về quy trình bán đấu giá, bà Tô Thị Thuý Triều– Giám đốc Công ty TNHH đấu giá Khải Hưng khẳng định, công ty tiến hành các thủ tục tổ chức bán đấu giá đều đúng quy định. Các thông báo bán đấu giá đều được đăng báo công khai, gửi cho đương sự và niêm yết tại UBND phường, Chi cục THADS Thành phố.

Được biết, ngày 24.4.2016, Cục THADS tỉnh có văn bản báo cáo Trưởng ban chỉ đạo THADS tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó cho biết: ông Đức khiếu nại việc thẩm định giá trị tài sản chưa đúng quy định gây thiệt hại cho ông, nội dung này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục THADS Thành phố. Chi cục THADS Thành phố đã chuyển đơn khiếu nại của ông Đức đến Công ty cổ phần thẩm định giá E Xim tại TP.Hồ Chí Minh giải quyết theo quy định.

TAND cấp cao, VKSND cấp cao đang xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm

Được biết, liên quan đến văn bản kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, ngày 28.12.2015, TAND cấp cao tại TP.HCM cũng có văn bản gửi TAND tối cao đề nghị xem xét, giải quyết. Tiếp đó, ngày 30.3.2016, VKSND tối cao tại TP.HCM có văn bản gửi Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh với nội dung: “VKSND cấp cao tại TP.HCM đã có Công văn số 311/CV3-V2 ngày 29.2.2016 về việc yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án dân sự nhưng đến nay chưa nhận được hồ sơ vụ án. Để có hồ sơ vụ án xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, yêu cầu TAND tỉnh Tây Ninh chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án dân sự nêu trên đến VKSND cấp cao tại TP.HCM”.

ĐỨC TIẾN