BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mùa khô, càng “nóng” chuyện rừng 

Cập nhật ngày: 19/03/2018 - 05:57

BTN - Mặc dù quy mô, tính chất xâm hại rừng không lớn, nhưng ở nhiều nơi, tình trạng cháy rừng, chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật hoang dã vẫn “âm thầm, lặng lẽ” diễn ra. Điều đó cho thấy, vấn đề bảo vệ rừng vẫn đang “nóng” từng ngày, từng giờ. Đặc biệt, đáng chú ý, hiện nay đang giữa mùa khô, nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng đang ở mức cực kỳ nguy hiểm- mức cao nhất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến dẫn đầu đoàn kiểm tra khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc.

Đốt rừng, chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật hoang dã là những việc đã và đang xảy ra ở một số khu rừng trong tỉnh. Mặc dù những năm qua, ngành chức năng và chính quyền địa phương luôn nỗ lực bảo vệ rừng, nhưng rừng vẫn còn bị tổn thương.

NHIỀU HÌNH THỨC XÂM HẠI RỪNG

Trước tình hình nắng nóng gay gắt, ngày 16.3, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên trong Ban Chỉ đạo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đi kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và chống phá rừng (CPR) trong tỉnh. Cùng đi trong đoàn còn có lãnh đạo hai huyện Tân Châu, Tân Biên- nơi có nhiều khu rừng quan trọng.

Tại tiểu khu 48, khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (ấp Bàu Lùn, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu), đoàn kiểm tra ghi nhận một số khu rừng trồng đang lên xanh tốt, công tác phòng cháy chữa cháy được chú trọng thực hiện khá chu đáo. Ngay từ đầu mùa khô, Đội bảo vệ rừng đã đốt chủ động, tạo đường băng cản lửa ven đường, ven trảng và chủ động cày ải giữa những hàng cây rừng, ở những nơi có thực bì, cỏ tạp nhiều để bảo đảm không cháy lan vào rừng.

Những nơi có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, hằng ngày đều có ít nhất một nhân viên bảo vệ rừng túc trực 24/24 giờ, đồng thời thuê thêm từ 1-6 nhân công lao động tham gia PCCCR. Tại các chốt, trạm bảo vệ rừng, chốt dân quân, xã đội, chốt, trạm biên phòng đều “thủ sẵn” bồn, can nhựa chứa đầy nước, dụng cụ PCCCR v.v...

Đặc biệt, năm 2017, rừng phòng hộ Dầu Tiếng được đầu tư xây dựng hai tháp canh lửa, mỗi tháp cao 32m. Hiện tại, các tháp canh này đang trong giai đoạn hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, ở tiểu khu 43 (ấp Con Trăn, xã Tân Hoà), đoàn kiểm tra ghi nhận một số trường hợp phá rừng bằng những thủ đoạn khá tinh vi. Xen kẽ với những cánh rừng tái sinh là nhiều rẫy mì xanh tốt và những phần đất trống loang lổ theo kiểu “da beo”. Cạnh một phần đất trống, rất nhiều cây rừng lớn nhỏ đã bị đốt cháy.

Vài cây khác ngã xuống, bị cưa lấy phần thân, chỉ còn cành nhánh nằm bên bìa rừng. Có cây ngã xuống đất đã lâu, đang bị mục nát. Vài cây rừng lớn bị chặt đứt vỏ hoặc dùng lửa đốt gốc cháy đen cho chết dần. Trong các rẫy mì vẫn còn sót lại một vài cây “mồ côi” hoặc những cụm rừng nhỏ cũng đang bị “ai đó” thiêu đốt để lấn đất trồng cây nông nghiệp.

Theo báo cáo nhanh của ông Nguyễn Hoàng Sơn- Giám đốc Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, trong gần 3 tháng đầu năm 2018, do thời tiết nắng nóng gay gắt nên đã xảy ra 10 trường hợp cháy rừng với diện tích hơn 4,5 ha. Trong đó, tại tiểu khu 43 có 1 ha rừng tự nhiên bị cháy, các trường hợp còn lại là cháy cây chồi, bụi le, trảng cỏ.

Nguyên nhân các vụ cháy rừng do người dân cố ý đốt để lấn đất làm rẫy trong mùa mưa sắp tới. Cũng trong 3 tháng đầu năm 2018, ở khu rừng phòng hộ này đã xảy ra 13 vụ phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép. Đơn vị quản lý đang phối hợp với cơ quan kiểm lâm và chính quyền địa phương hoàn chỉnh hồ sơ, xử lý theo quy định pháp luật.

Đoàn lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiểu khu 48, khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên), tại thời điểm đoàn công tác của tỉnh đến kiểm tra không phát hiện trường hợp cháy rừng, nhưng theo báo cáo của ông Châu Văn Văn- Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn vườn quốc gia đã phát hiện 7 trường hợp chặt phá cây rừng, săn bắn động vật hoang dã.

Trong đó có một trường hợp người dân địa phương dùng súng tự chế bắn một cá thể mèo gấm- loài động vật hoang dã nằm trong danh mục quý hiếm, cần được bảo vệ. “Đến nay, 6 trường hợp người dân chặt phá cây rừng đã bị xử lý. Riêng trường hợp săn bắn động vật hoang dã chờ hoàn tất hồ sơ thủ tục để đưa ra xét xử”, ông Văn cho hay.

Ở khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc, từ đầu năm đến nay chưa xảy ra cháy rừng, nhưng theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Công- Giám đốc khu rừng, có một số người dân địa phương vào rừng chặt cây le và người dân Campuchia vào rừng hái lượm, săn bắt động vật nhỏ như chuột, sóc… Ngoài ra, ở tiểu khu 8 có hiện tượng một số hộ dân do hết mùa làm thuê, ở nhà thất nghiệp nên muốn tác động vào rừng.

CẦN ĐẨY MẠNH CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ RỪNG

Ông Tạ Văn Đáo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo thêm về việc thực hiện PCCCR và CPR chung trong toàn tỉnh. Trong trong quý I.2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 34 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp cùng với đơn vị chủ rừng và các đơn vị có liên quan điều tra, xác minh, xử lý 32 vụ, tịch thu hơn 12m3 gỗ các loại, hơn 50 ster củi, 2 xe gắn máy, 4 cây rựa, xử phạt hành chính và nộp ngân sách hơn 55 triệu đồng.

Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) phối hợp với Thường trực Ban Chỉ huy PCCC và CPR các huyện, thành phố đã tiến hành 9 lượt kiểm tra.

Cụ thể, ngày 22.2.2018, Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Đức Trong cùng với Bí thư Huyện uỷ, lãnh đạo UBND huyện Tân Châu, UBND các xã Tân Hoà, Suối Ngô, Tân Thành, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu đã kiểm tra tình hình cháy rừng tại khoảnh 7, khoảnh 11, tiểu khu 43, khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Sau khi kiểm tra, Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì cuộc họp, đánh giá tình hình và chỉ đạo Ban Quản lý rừng chấn chỉnh ngay những tồn tại, hạn chế, đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về PCCCR và CPR tại khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Tiểu khu 43 khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng có một số cây rừng ngã xuống, bị cưa lấy phần thân.

Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các Ban Quản lý rừng thực hiện tốt những nội dung cấp bách như thường xuyên kiểm tra, sửa chữa các thiết bị, phương tiện, dụng cụ PCCCR, bảo đảm hoạt động tốt khi có cháy rừng xảy ra. Chủ động thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, bố trí lực lượng, phương tiện PCCCR tại những nơi có nguy cơ cháy cao, kịp thời ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.

Duy trì tổ chức trực cảnh giới trong suốt thời gian cao điểm mùa khô, để kịp thời phát hiện, huy động lực lượng chữa cháy. Liên tục tổ chức tuyên truyền về công tác PCCCR và CPR bằng loa phóng thanh lưu động tại các khu dân cư gần rừng.

Bổ sung sơ đồ các điểm lấy nước, đồng thời thông tin, hướng dẫn cho các lực lượng chức năng và người dân biết lấy nước khi có cháy rừng xảy ra. Khẩn trương triển khai thực tập các phương án PCCCR của đơn vị và mời các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cùng tham gia.    

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến bày tỏ sự quan ngại, chỉ trong 3 tháng đầu năm, ở khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã xảy ra 10 trường hợp cháy rừng là một vấn đề cần quan tâm. Ông Chiến chỉ đạo, các đơn vị cần tập trung tối đa công tác bảo vệ rừng.

Ban Quản lý các khu rừng phải bám sát kế hoạch, phương án PCCCR đã được phê duyệt; tổ chức việc thu dọn, khoanh vùng và tiến hành đốt chủ động những chỗ dễ cháy để ngăn việc có thể gây cháy; phải hết sức cảnh giác, coi trọng công tác phòng và chống cháy; phối hợp thật tốt với chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng đứng chân trên địa bàn để có đủ thông tin, lực lượng, tiềm lực ngăn chặn được các vụ cháy rừng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân để mọi người cùng có trách nhiệm trong công tác PCCCR và CPR. Phối hợp tốt với chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn Campuchia trong việc tuyên truyền người dân biên giới cùng chung tay bảo vệ, hạn chế việc phá rừng, cháy rừng xuống mức thấp nhất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở, các đơn vị không được cho nhân viên bảo vệ rừng nghỉ phép vào thời điểm này, đồng thời phân công cán bộ, nhân viên tăng cường túc trực 24/24 giờ ở các chốt cảnh báo cháy, thường xuyên tuần tra trên toàn bộ diện tích rừng.

Mặt khác, tổ chức gặp gỡ, giúp đỡ bà con địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và lồng ghép tuyên truyền về lợi ích của rừng, khuyến cáo không nên phá rừng. Nhanh chóng xử lý những vụ trồng cây trái phép trên đất lâm nghiệp, để chuẩn bị cho việc trồng rừng vào mùa mưa sắp tới.

Hiện nay, có nhiều nơi, ranh giới giữa đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp không rõ ràng, từ đó dễ dẫn đến tình trạng người dân dùng nhiều cách phức tạp để lấn đất rừng. Để giải quyết tình trạng này, Ban Quản lý các khu rừng có thể tạo ranh giới bằng cách cho trồng cây thành hàng, hoặc móc mương theo đường ranh để người dân khó có thể lấn chiếm đất rừng.

Trang thiết bị phục vụ PCCCR của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Thay lời kết

Từ nhiều năm qua và đến nay, “cuộc chiến” bảo vệ rừng vẫn còn không ít khó khăn. Mặc dù quy mô, tính chất xâm hại rừng không lớn, nhưng ở nhiều nơi, tình trạng cháy rừng, chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật hoang dã vẫn “âm thầm, lặng lẽ” diễn ra.

Điều đó cho thấy, vấn đề bảo vệ rừng vẫn đang “nóng” từng ngày, từng giờ. Đặc biệt, đáng chú ý, hiện nay đang giữa mùa khô, nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng đang ở mức cực kỳ nguy hiểm- mức cao nhất. Vì vậy, công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng cần phải được đặt lên hàng đầu.

ĐẠI DƯƠNG

Từ khóa
ĐẠI DƯƠNG