BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mưa nhiều, ẩm độ cao là điều kiện lý tưởng để virus dịch tả heo châu Phi bùng phát 

Cập nhật ngày: 10/08/2019 - 08:54

BTNO - Thêm 13 ổ dịch tả heo châu Phi phát sinh tại 32 xã, thị trấn.

Thông tin mới nhất từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến chiều 8.8.2019 đã phát sinh thêm 13 ổ dịch tả heo châu Phi.  

Như vậy, chỉ sau một ngày (7.8), số hộ có dịch tăng từ 131 lên 142 hộ tại 32 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: Châu Thành, Tân Biên, Gò Dầu, Tân Châu, Trảng Bàng, Bến Cầu.

Lực lượng chức năng phun thuốc tiêu độc khử trùng xe vận chuyển ra vào tỉnh tại Chốt Kiểm soát động vật Suối Sâu.

Huyện Dương Minh Châu, Hòa Thành và thành phố Tây Ninh chưa phát hiện dịch bệnh.

Thiệt hại nặng nhất là Châu Thành, với 71 hộ tại 12/15 xã. Số heo tiêu hủy 789 con, tổng trọng lượng 47,126 tấn. Kế đến là Trảng Bàng có 19 hộ tại 6 xã, với số heo bị tiêu hủy 531 con, tổng trọng lượng 40,124 tấn.

Tại Tân Biên, mặc dù dịch không lây lan ra địa bàn xã khác, nhưng số hộ có dịch tại 4 xã Hòa Hiệp, Mỏ Công, Tân Phong, Trà Vong tăng lũy kế 14 hộ với 502 con heo bị tiêu hủy, tổng trọng lượng 28,257 tấn heo.

Các huyện còn lại đều có phát sinh hộ mới có heo bị dịch tả châu Phi, như Gò Dầu 11 hộ, Tân Châu 5 hộ, Bến Cầu 22 hộ.

Tính đến thời điểm hiện tại, số heo bị tiêu hủy trên địa bàn tỉnh có 2.566 con, với tổng trọng lượng 160,179 tấn.

Trước tình hình bệnh dịch tả heo Châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh dự báo, dịch bệnh sẽ còn tiếp tục phát sinh trong thời gian tới, do ảnh hưởng của thời tiết như mưa nhiều, ẩm độ cao thích hợp cho vi rút phát triển.

Ông cho biết, bệnh dịch tả heo châu Phi hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vi rút tồn tại lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng cao, đường lây truyền đa dạng nên rất khó kiểm soát. Do đó, trong thời gian tới, nguy cơ bệnh dịch tiếp tục phát sinh và lây lan các địa bàn xã, huyện chưa có dịch. Khả năng tái phát các ổ dịch cũ đã qua 30 ngày tăng cao. Dịch bệnh có thể xâm nhiễm vào các trang trại chăn nuôi tập trung nếu không kiểm soát tốt. Điều này gây thiệt hại không nhỏ đến kinh tế, nguồn cung ứng thịt heo trong thời gian tới.

“Chủ trương của Bộ NN&PTNT hiện nay là tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia cầm để bổ sung, thay thế nguồn thực phẩm thiếu hụt do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các địa phương đang trong vùng dịch không nên tái đàn trong giai đoạn này, vì nguy cơ dịch tái phát rất cao. Chỉ tái đàn khi thật sự an toàn và công bố hết dịch, đồng thời tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn siinh học để tránh thiệt hại”- ông Mấy khuyến cáo.

Tâm Giang