BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mùa nước nổi xứ đồng bưng 

Cập nhật ngày: 17/11/2018 - 10:36

BTN - Tháng 11 đang mùa nước nổi. Từ thành phố Tây Ninh theo quốc lộ 22B hướng về thành phố Hồ Chí Minh, đến khoảng chùa Gò Kén - Thiền Lâm là đã thấy mênh mông nước ngập trắng đồng. Nhưng phải tới Trường Ðông hay Cẩm Giang mới thấy rõ dòng sông Vàm Cỏ Ðông nước đã tràn bờ. Phóng tầm mắt về xa, chỉ thấy mênh mông trắng xoá.

Cựu chiến binh trước đài ghi công.

Biết thế là bởi ngày 13.11, tôi chạy về đồng bưng Trao Trảo, xã Cẩm Giang để kịp dự lễ cúng chiến sĩ hy sinh trên gò bưng, cách nay đã vừa đúng 45 năm. Qua điện thoại, ông Tư Nghề, Trưởng Ban hội miếu gò Trao Trảo bảo:- Năm nay còn là dịp khánh thành đài Tổ quốc ghi công cho các anh linh liệt sĩ. Hội miếu có 2 dịp cúng hằng năm.

Ðó là ngày 4.4 cúng thần Tà và 7.10 âm lịch cúng các vong hồn chiến sĩ. Chuyện cúng liệt sĩ có từ lâu, sau khi huyện, xã đã quy tập mộ các anh về các nghĩa trang. Ðến nay cũng đã được 18 năm. Còn nhớ 2 năm trước, tôi cũng đã về xứ bưng gò dự lễ. Năm ấy nước lụt trắng đồng, tràn cả lên khoảng 500m đường từ Cẩm Giang tới Bến Ðình. Ðám giỗ đận ấy, Ban Hội miếu phải thuê phà (chở máy nông nghiệp) để đón người vào gò miếu. Ðây là đỉnh lũ lịch sử, cao nhất sau 16 năm.

Vậy mà năm nay đến muộn. Mới đến đầu cầu tre bắc vượt kênh 1 đã nghe thấy giọng đọc của Ban hội miếu kể lại chuyện này. Rằng: “Ngày 7 tháng 10 năm 1973 có đoàn quân giải phóng từ Campuchia về vượt sông Vàm Cỏ Ðông băng qua rừng tràm vượt lộ 22 vô rừng 16 mẫu hành quân về núi Bà tăng cường lực lượng để chuẩn bị cho giải phóng Tây Ninh.

Nhưng khi đến đây trời rạng sáng không vượt lộ được nên phải trú lại và đã bị phát hiện, xảy ra trận đánh rất lớn, bom, pháo và tàu chiến bao vây. Quân Giải phóng hy sinh rất nhiều. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Tỉnh đội, Huyện đội đã tổ chức cất bốc liệt sĩ 2 lần được hơn 60 bộ, nhưng không thể hết được, vẫn còn xương cốt trong lòng đất gò Trao Trảo này…”.

Đường và cầu Bến Đình đi giữa đồng bưng.

Vào tới nơi rồi mới biết, nghi lễ quan trọng này do Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Giang vừa thực hiện. Thảo nào chu đáo trang trọng hơn xưa. Các bác xếp hàng trước đài Tổ quốc ghi công, nghiêm trang chào cờ, chào các anh linh trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trầm buồn, thê thiết. Và những lời vừa ghi trích đoạn là bản viết tay còn đơn sơ của lãnh đạo Hội Cựu chiến binh xã, đồng đội của các anh linh.

Phải xin lỗi các bác, cả người sống lẫn người đã mất. Rồi trần tình. Việc đến muộn là do nước nổi giữa đồng bưng. Năm nay, nước tuy không lớn nhưng những cánh ruộng bao quanh gò vẫn ngập bao la. Con đường bờ ruộng xuyên ấp Cẩm Bình vẫn còn đi xe máy được. Hiềm một nỗi, đồng bưng đang nở đầy hoa súng trắng.

Mặt nước chỗ nào cũng như có một đàn bướm trắng đang sà xuống rập rờn trên những bụi cỏ, lúa vật vờ nửa nổi nửa chìm trong nước. Chính là đám đông hoa súng kia làm tôi phải dừng lại đôi lần để ngắm. Xin thưa là có cả những cụm súng hồng đang trôi nổi, dật dờ mặt nước đồng bưng. Nhưng chủ lực vẫn là hoa súng trắng. Hay là… hoa súng trời ban để dâng cúng các anh linh?

Gặp lại bác Tư Nghề và nhiều bác đã quen trong mùa cúng giữa mênh mông nước ngập hai năm trước. Năm ấy, nước tuy ngập gần hết mặt gò, nhưng vẫn chừa lại nguyên vẹn phần sân và các miếu thờ. Bác Tư Nghề bổ sung thêm đôi chút vào bản văn viết vội vừa đọc kia. Rằng, 5.10 âm lịch mới là ngày các liệt sĩ hy sinh.

Nhưng đến mùng 7, dân họ đạo Cao Ðài Cẩm Giang mới xin chính quyền được phép ra chôn cất. Vì thế mới lấy ngày chôn cất mùng 7.10 làm ngày cúng hằng năm. Bác bảo: - Dựng đài Tổ quốc ghi công mới thoả nguyện có một phần. Ban hội miếu còn mong có được danh sách liệt sĩ để khắc lên bia đá, nhà bia… Chuyện này có lẽ còn phải dày công, bởi ngay cả nghĩa trang liệt sĩ cũng còn nhiều những nấm mộ mà “Tên anh đã hoá thành chiến công bất tử” (chữ trên bia mộ).

Trong khi các cụ Ban hội miếu và cựu chiến binh thực hiện các lễ nghi cúng bái, tôi nhìn quanh và phát hiện cả một vườn hoa có sắc đào phai. Ðấy là ngay trên đất gò đã được trồng thành rừng cây keo lá tràm cao vợi, dưới gốc cây đã mọc đầy những bụi cây nho nhỏ. Thoạt nhìn lại tưởng một vườn cây ăn trái mới trồng. Nhưng không! Các bác nông dân có ruộng trên gò bảo đấy là loài cây kén dại. Lạ kỳ thay, hoa kén nở hồng tươi như những cánh đào phai. Mải ngắm hoa, tôi chợt thấy một bầy cò trắng bay lên từ mé sau gò.

Những cần cổ dài rướn lên, đôi cánh sải dài thong dong vẫy gió. Chợt nghĩ, phải chăng đấy là linh hồn của các anh? Thứ bảy tuần trước xem Giai điệu tự hào trên VTV1, chương trình kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga, có tiết mục hát múa tên là Ðàn sếu. Người Nga cũng ví đàn sếu với linh hồn chiến sĩ. Ðể mỗi năm khi đàn sếu bay qua lại nhớ về những người trai ra trận không về.

Xong việc cúng kiếng rồi, xin chia tay sớm với các cụ, các bác để ra đồng bưng thôi. Vì đồng bưng nay có một sắc diện lạ lùng chưa thấy ở nơi nào. Tôi cũng đã từng ngây ngất trước đồng bưng ở ấp Bình Nguyên, xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng. Trên con đường quanh co từ quốc lộ 22B ra xã An Hoà. Mùa nước nổi ở đấy cũng làm tôi sững lại nhiều lần trước những mênh mông nước nổi có màu hoa rong vàng mỡ gà loang loang trên mặt nước. Hoặc có khi lại sững sờ trước những ao rực rỡ súng hồng như ở Bàu Năng…

Nhưng chẳng có nơi nào cùng lúc lại hiện diện cả ba màu hoa mùa nước nổi như ở nơi đây- đồng bưng Trao Trảo. Ở Thanh Ðiền, đoạn dọc quốc lộ 22B từ Mít Một tới đường 786 cũng có mùa nước nổi. Nhưng ở đây, người dân đã quá đỗi cần cù, tận dụng trồng sen, thả rau nhút… khá nhiều nên vẻ đẹp ấy là do con người lai tạo. Còn vẻ đẹp của bưng Trao Trảo lại hoàn toàn là của trời ban. Xin cam kết là chẳng nơi nào sánh được.

Từ gò bưng, có một con đường bờ kênh 1, đi ra đường bê tông nhựa nối Cẩm Giang qua Tiên Thuận bằng cây cầu Bến Ðình mới hai năm tuổi. Bờ kênh khấp khểnh, lại bị đứt quãng vài chỗ do đào lấy nước mùa khô. Nhưng vẫn cứ phải đi thôi vì những sắc hoa hoang hoải rưng rưng mời gọi. Cũng có nơi, dường như là cả một ruộng súng hồng. Nhưng sắc trắng tràn lan, làm chủ đạo trên mênh mang mặt nước đồng bưng. Và hoa rong như từng đám mây vàng lẩn khuất. Lên tới đường nhựa, mới biết bên kia đường cũng nước nổi và hoa cỏ y chang như ở bên này. Và như thế đã làm cho con đường dài 3km ấy trở nên đẹp đến lạ kỳ, đẹp như hoang tưởng.

Đồng bưng hoa súng.

À quên. Cái đẹp mộc mạc nhưng lộng lẫy của đồng bưng nơi này chưa thể “mài ra mà ăn được”. Vậy nên rất ít bóng người trên mặt đồng bưng. Trên đường bờ kênh tôi chỉ gặp đúng một người tay xách nách mang lưới chài đi đánh cá. Hỏi thăm, ông bảo từ sáng đến giờ mới chỉ kiếm được vài ba con, loại cá rô phi. Còn bông súng nấu canh chua ư? Xin đừng mơ. Vì súng trắng nhỏ và gầy guộc lắm, nên nếu có ăn được thì cũng là chẳng bõ.

Ở đây có đến vài loại bông súng trắng. Phổ biến là hoa nhỏ như bông cúc đồng tiền. To nhất thì bông hoa cũng chỉ lớn bằng chén đựng nước mắm. Và dễ thương nhất là loại súng nhỏ xíu như một đồng tiền xu, xoè ra 5 cánh như thể 5 chiếc lông chim dính khéo với nhuỵ vàng. Con đường đẹp kéo tôi đi về phía Bến Ðình. Ðể tình cờ gặp lại ông Hai Nhang, chủ một khoảng ruộng bên trái đầu cầu phía Cẩm Giang.

Quen nhau cũng dịp này đây, hai năm trước. Khi ấy con đường này ngập sâu cảm, vậy là những người nông dân như ông Hai lại huy động hết xe máy cày ra chở cả người lẫn xe, cứu nguy cho khách đi xe máy. Bữa nay mới biết ông Hai Nhang có ruộng ở bên này; mà lại là khoảng ruộng đẹp nhất mà tôi từng thấy. Ra Giêng chạy tới mà coi! Cả cánh đồng Cẩm Giang xanh mơ màu lúa thì con gái. Ðến khoảng 30 tháng 4 thì lại rực vàng. Ông Hai bảo, năm cấy hai vụ thôi! Vụ Hè Thu bỏ, coi như cho đất nghỉ.

Ồ, vậy ra các bác nông dân xứ này đã dành hẳn một vụ lúa để cho đất trầm mình tắm mát phù sa. Và, những gốc rễ các loài hoa nước nổi có dịp để ngoi lên, khiêm nhường lặng lẽ. Có thể bình thường ở từng cá thể, nhưng cả một tập thể các loài hoa lại trở nên một cảnh sắc huy hoàng. Như thể có cả ngàn triệu con bướm trắng, bướm hồng từ các miệt rừng về hội bướm. Hoặc cả một dải ngân hà, hằng hà sa số các vì sao ban ngày sa xuống xứ đồng bưng. Và tôi tin, sẽ có lúc người nông dân sẽ giàu ngay trong mùa nước nổi.

T.V