BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xoá bỏ biên chế trong Ngành Giáo dục:

Muốn làm ngay cũng khó 

Cập nhật ngày: 24/05/2017 - 05:59

BTNO - Xoá bỏ biên chế là một ý tưởng hay, song trong điều kiện Việt Nam, tính khả thi của chủ trương này có vẻ hãy còn là vấn đề cần xem xét kỹ. Trước mắt cũng như lâu dài, hai hệ thống giáo dục (trong và ngoài công lập) vẫn song song tồn tại. Bởi vì giáo dục mang trong mình nó hai yếu tố, vừa có tính thị trường lại vừa có tính công ích, phúc lợi xã hội.

Giáo viên giỏi huyện Tân Biên nhận khen thưởng cuối năm học.

Mấy ngày qua, báo chí dồn dập đưa tin, bình luận sau khi có tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về việc thí điểm bỏ biên chế trong ngành Giáo dục. Phát biểu của người đứng đầu ngành Giáo dục nước nhà được báo chí thuật lại gồm mấy ý chính sau.

Trước tiên, đối với các trường phổ thông, tự chủ về nhân sự là một vấn đề cốt lõi trong đổi mới giáo dục. Việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện bởi UBND các cấp, điều này dẫn đến thừa, thiếu giáo viên có tính cục bộ, gây khó khăn cho nhà trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm: sắp tới phải thực hiện nghiêm quy định trong hợp đồng làm việc của viên chức, nếu hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ việc, đồng thời đẩy mạnh lộ trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển giáo viên. Ông cho rằng, việc chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục.

Xoá biên chế cũng là xoá “cào bằng”

Tuyên bố của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục, có cả sự đồng tình lẫn phản đối, ủng hộ lẫn hoài nghi.

Một trong những đặc điểm nổi bật có tính tự nhiên của ngành Giáo dục lâu nay là lao động theo kiểu… cào bằng, bình quân chủ nghĩa. Trong hệ thống giáo dục công lập (không riêng gì bậc học phổ thông), người dạy hay, dạy giỏi, có nhiệt tình, giàu tinh thần trách nhiệm cũng lãnh lương ngang những người lười biếng, năng lực chuyên môn yếu kém.

Điều bất hợp lý này hầu như ai trong ngành cũng thấy. Cùng với đó là nhiều lý do “tế nhị” khác trong ngành đã khiến cho không ít giáo viên nảy sinh tâm lý: dạy giỏi hay dở thì lương cũng từng đó, vậy tội gì phải “rát hơi bỏng cổ” đến 45 phút? Vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý chỉ ra từ rất lâu.

Tháng 4.2014, Sở Giáo dục- Đào tạo Tây Ninh có tổ chức một cuộc hội thảo khá quy mô với tên gọi “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo”.

Tại cuộc hội thảo, tiến sĩ Vũ Lan Hương (Trưởng khoa Quản lý giáo dục của Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh) nói rằng, hiện nay, có thể phân chia đội ngũ giáo viên trong trường phổ thông thành 4 loại.

Loại 1, là những nhà giáo giỏi chuyên môn, có năng lực sư phạm và lòng nhiệt huyết với nghề. Trong mọi điều kiện, họ là người đi đầu, kiên trì đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy, biết khích lệ học sinh học tập.

Loại 2, gồm những nhà giáo có năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm nhưng không nhiệt tình, không tự giác, không say mê với nghề. Những người này có thể làm tốt công việc được giao hay không còn tuỳ vào từng hoàn cảnh.

Loại 3, là những nhà giáo còn nhiều hạn chế cả về trình độ chuyên môn cũng như năng lực sư phạm nhưng về mặt ý thức luôn nghiêm túc, cố gắng hết sức mình. Tuy nhiên kết quả giảng dạy, giáo dục đều không đạt đến điều mong muốn, không thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện mà ngành Giáo dục đang ra sức thực hiện.

Cuối cùng, loại thứ 4, là những giáo viên hạn chế cả về năng lực lẫn phẩm chất hoặc có năng lực nhưng phẩm chất kém. Số giáo viên này tạo ra tiêu cực cho ngành nhiều hơn là đóng góp.

Sự hình thành và tồn tại “4 loại” giáo viên như tiến sĩ Vũ Lan Hương đã nêu có nhiều nguyên do. Trong đó, có yếu tố chính sách của Nhà nước cũng như đặc điểm của nghề dạy học.

Từ thực tế ấy, việc chuyển viên chức giáo dục từ biên chế qua hình thức hợp đồng là một ý tưởng không tệ, ít nhất cũng “khuyến cáo” giáo viên phải lao động cho nghiêm túc, không phải chỉ lên lớp cho qua chuyện và… muốn dạy sao thì dạy.

Chưa có luật

Về lý thuyết, việc từ bỏ hình thức biên chế chuyển qua hợp đồng công việc đối với giáo viên là hoàn toàn khả thi. Vì mọi chính sách, cơ chế, quy định… đều là sản phẩm của con người. Nếu làm được, đây mới thật sự là một cuộc cách mạng trong giáo dục.

Tuy vậy, trong tình hình thực tế ở nước ta, việc chuyển giáo viên từ “trong ra ngoài” biên chế là một điều cực kỳ khó khăn. Trước hết, muốn làm điều đó phải có luật. Hiện tại, trong hệ thống luật pháp nước ta chưa có luật nhà giáo, chỉ mới có Luật Viên chức (dành cho mọi đối tượng làm việc khu vực Nhà nước).

Luật Viên chức, Luật Giáo dục (sửa đổi) đều không quy định hình thức hợp đồng đối với giáo viên dạy học trong hệ thống trường công. Trên thực tế, trường công lập vẫn có thể tuyển dụng giáo viên hợp đồng nhưng chỉ có tính tạm thời, ngắn hạn. 

Hành lang pháp lý cho việc đưa giáo viên ra khỏi biên chế chưa có, muốn có cũng phải mất nhiều năm. Đó còn chưa kể, sau khi có luật còn phải chờ có nghị định, thông tư hướng dẫn…

Một vấn đề khác có tính “sống còn” nữa, đó là…. tiền. Khi việc ký hợp đồng tuyển dụng được giao cho hiệu trưởng thì ai sẽ là người trả lương cho người lao động- tức giáo viên? Nếu tiền lương của giáo viên vẫn do ngân sách chi trả thì việc giao quyền tuyển dụng cho hiệu trưởng xem ra không khả thi.

Ở trường công lập, hiệu trưởng cũng chỉ là một người “làm thuê” cho Nhà nước, không phải là chủ nhân của ngôi trường mình được giao quản lý. Chưa nói, việc trao quyền tuyển dụng, ký hợp đồng cho hiệu trưởng còn tiềm ẩn những nguy cơ tiêu cực.

Cách nay chừng hơn 4 năm, đã từng có quy định trưởng phòng giáo dục được quyền bổ nhiệm, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, luân chuyển… đối với hiệu trưởng. Tuy nhiên, trong cả nước, hầu như không một địa phương nào áp dụng quy định này của Bộ Nội vụ.

Một thời gian sau, một văn bản khác ra đời đã rút lại hoàn toàn những quy định trước đó. Nói như vậy để thấy, việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm nghe qua thì dễ nhưng thực hiện không đơn giản chút nào, đặc biệt là tự chủ về tuyển chọn nhân sự trong cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước.

Với một đất nước còn nghèo, tỷ lệ dân cư ở nông thôn, miền núi cao, ý định chuyển giáo viên ra khỏi hệ thống biên chế hành chính sẽ còn gặp một thách thức khác. Nếu như cơ chế tuyển dụng giáo viên thay đổi, hầu hết giáo viên, nhất là giáo viên có chuyên môn giỏi ắt sẽ có khuynh hướng tập trung về vùng trung tâm vì cơ hội thu nhập cao. Điều này dẫn đến giáo dục ở nông thôn, miền núi tiếp tục chịu thiệt thòi.

Xoá bỏ biên chế là một ý tưởng hay, song trong điều kiện Việt Nam, tính khả thi của chủ trương này có vẻ hãy còn là vấn đề cần xem xét kỹ. Trước mắt cũng như lâu dài, hai hệ thống giáo dục (trong và ngoài công lập) vẫn song song tồn tại. Bởi vì giáo dục mang trong mình nó hai yếu tố, vừa có tính thị trường lại vừa có tính công ích, phúc lợi xã hội.

VIỆT ĐÔNG