Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mướt xanh rừng cọ Nghĩa Đô 

Cập nhật ngày: 26/07/2018 - 20:53

Không chỉ hấp dẫn bởi bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày và những nếp nhà sàn truyền thống, mảnh đất Nghĩa Đô còn khiến những ai đã từng đặt chân đến đây một lần chẳng muốn rời bước khi lạc chân vào rừng cọ mướt xanh thanh bình.

Những nếp nhà sàn truyền thống lợp mái cọ tạo vẻ đẹp cho vùng quê Nghĩa Đô.

Với người dân Nghĩa Đô (Bảo Yên), rừng cọ đã trở thành hình ảnh gần gũi và thân quen. Những đứa trẻ lớn lên đã thấy cọ quanh nếp nhà sàn; thân cọ cao vút, hiên ngang như bản tính chân chất, ngay thẳng, không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn, thử thách của những người con ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này.

Không ai biết cây cọ đã có ở vùng đất này từ bao giờ, chỉ biết nó gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây bao đời nay. Lá cọ lợp trên những mái nhà sàn, vừa gần gũi với thiên nhiên vừa trở thành bản sắc của đồng bào Tày Nghĩa Đô.

Cuống lá thì được bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ dệt thành những tấm mành cho trẻ nhỏ ngon giấc. Cây cọ còn hiện hữu trong những vật dụng đơn sơ như chiếc quạt để phe phẩy khi trời lặng gió, hay cây chổi sột soạt ngoài sân…

Nghệ nhân Ma Thanh Sợi ở xã Nghĩa Đô tâm sự: Cây cọ ngày xưa giá trị lắm, thời bao cấp, mỗi lá cọ đến thời kỳ khai thác đều là tài sản của hợp tác xã. Ngày trước, bố ông đã phải đổi vài tạ lợn mới đủ mua cọ lợp căn nhà sàn ba gian.

Để không phải bán đi những tài sản quý của gia đình khi mua lá cọ lợp nhà, trước ngày đi bộ đội, ông Sợi đã trồng hàng trăm cây cọ quanh nhà. Thời làm cán bộ xã, ông vận động người dân các thôn tích cực trồng cọ vào diện tích đất bỏ hoang, trước mắt để phục vụ nhu cầu của gia đình, sau có thể nâng cao thu nhập nếu thị trường cần.

Những cây cọ trước đây ông Sợi trồng đã được vài chục tuổi, như hợp với khí hậu ở mảnh đất này,  cọ quanh năm xanh mát.

Cây cọ hàng chục năm tuổi.

Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, những ngôi nhà xây mọc lên ngày càng nhiều, cùng với đó, nhu cầu lấy đất để phát triển kinh tế khiến cho nhiều diện tích cọ bị chặt hạ.

Tuy nhiên, ở Nghĩa Đô, cây cọ vẫn được người dân giữ gìn như một tài sản quý. Tới đây, huyện Bảo Yên xây dựng chương trình vận động các hộ dân bảo tồn nếp nhà sàn truyền thống và giữ gìn những đồi cọ lâu năm để đảm bảo cảnh quan phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

Hy vọng, với hướng phát triển bền vững đó, hình ảnh rừng cọ sẽ còn được lưu giữ đến các thế hệ mai sau.

Nguồn baolaocai