BAOTAYNINH.VN trên Google News

Năm 2016, Tây Ninh không xảy ra ngộ độc thực phẩm 

Cập nhật ngày: 14/04/2017 - 08:33

BTNO - Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức tổng kết công tác đảm bảo VSATTP năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017.

Đến dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc - Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc - Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, bác sĩ Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo tỉnh cho biết, trong năm 2016, các đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh do Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Công thương cùng các ngành chức năng đã tiến hành thanh kiểm tra gần 6.000 cơ sở thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, kinh doanh thức ăn chăn nuôi… trên địa bàn tỉnh; đã lập biên bản xử phạt hành chính với số tiền trên 1 tỷ đồng; đồng thời tịch thu, tiêu huỷ và chờ xử lý nhiều loại hàng hoá vi phạm.

Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm vi phạm nhãn hiệu hàng hoá; sản phẩm không rõ nguồn gốc; điều kiện vệ sinh cơ sở không đạt; không thực hiện giấy chứng nhận đủ điêu kiện VSATTP tại cơ sở; không khám sức khoẻ định kỳ;...

Về ngộ độc thực phẩm, năm 2016 toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc nào. So với năm 2015 xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 172 người mắc, không có trường hợp tử vong.

Năm qua, các huyện/thành phố cùng các ngành liên quan như Công an, Hải quan, Giáo dục… đã tăng cường thực hiện kế hoạch về VSATTP; vận động, tuyên truyền, giáo dục kiến thức VSATTP, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng của thực phẩm đối với sức khoẻ con người; nâng cao quản lý nhà nước về VSATTP nhằm hạn chế việc sử dụng thực phẩm không an toàn trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng…

Bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Trong phương hướng hoạt động năm 2017, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh đề nghị các thành viên tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm; tăng cường giám sát lấy mẫu kiểm nghiệm đối với thực phẩm được lưu thông, phân phối trên thị trường; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; triển khai công tác giám sát chủ động, phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm; tập trung đẩy mạnh tiến độ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP tại tuyến huyện/thành phố và tuyến xã/phường/thị trấn; kiểm soát chặt chẽ thực phẩm nhập khẩu qua các cửa khẩu...

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận và đóng góp những ý kiến để xây dựng, củng cố công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra VSATTP. Đồng thời cũng đề cập đến những khó khăn trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực VSATTP, về công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, trách nhiệm của đơn vị theo lĩnh vực được phân cấp, kinh phí hoạt động…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội nghị và đề nghị Ban chỉ đạo có những chỉnh lý cũng như hướng giải quyết để làm tốt công tác VSATTP thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo VSATTP năm 2016.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện/thành phố và các ngành liên quan quan tâm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực VSATTP; tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương; xử lý nghiêm đối với các sơ sở vi phạm quy định VSATTP, nhất là những cơ sở có thái độ chống đối, nhiều lần vi phạm; tăng cường tuyên truyền nhận thức của cơ sở chế biến, kinh doanh lẫn người tiêu dùng về việc sản xuất thực phẩm an toàn và lựa chọn sản phẩm an toàn...

Dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 10 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc; Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh khen thưởng 15 tập thể và 30 cá nhân có thành tích trong công tác đảm bảo VSATTP năm 2016.

Yên Khuê