BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nan giải việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt 

Cập nhật ngày: 26/09/2018 - 05:58

BTN - Đến nay, chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng và việc xử lý vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân người dân chưa có ý thức phân loại rác thải để xử lý phù hợp.

Phần lớn rác thải sinh hoạt người dân chưa được phân loại tại nguồn.

Nghị quyết số 04 ngày 16.10.2015 của Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 và Quyết định số 01 ngày 5.1.2016 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh 5 năm giai đoạn 2016-2020, quy định chỉ tiêu về chất thải rắn đến năm 2020: “Tỷ lệ các cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu chế xuất xử lý chất thải rắn đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đến năm 2020 đạt 100%; Tỷ lệ chất thải rắn đô thị xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 100%”.

Tuy nhiên, đến nay, chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng và việc xử lý vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân người dân chưa có ý thức phân loại rác thải để xử lý phù hợp.

CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT MỖI NĂM MỖI TĂNG

Qua thống kê từ ngành chức năng, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Năm 2013, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát thải là hơn 45,6 ngàn tấn, được thu gom, xử lý hơn 35 ngàn tấn, đạt 76,68%. Ðến năm 2017, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát thải hơn 93,6 ngàn tấn và được thu gom, xử lý hơn 75,5 ngàn tấn, đạt tỷ lệ 80,6%.

Ông Dương Thái Bình- Giám đốc Công ty cổ phần công trình đô thị Tây Ninh cho biết, doanh nghiệp thu gom rác thải sinh hoạt từ các hộ dân, các cơ sở kinh doanh, chợ ở một số huyện và thành phố Tây Ninh để đưa đi xử lý tại Công ty CP công nghệ môi trường Tây Ninh. Nhìn chung, số lượng rác thải sinh hoạt doanh nghiệp thu gom hằng năm tăng khoảng 20%. Trong rác thải sinh hoạt, có chất thải rắn như bao nylon, vỏ chai nhựa, chai thuỷ tinh...

Theo Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn tỉnh, việc thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và một số xã lân cận chủ yếu do Công ty CP Công trình đô thị tỉnh Tây Ninh. Các địa phương khác có Hợp tác xã thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Tân Châu, Hợp tác xã vệ sinh môi trường thu gom rác Gò Dầu và các đơn vị tư nhân khác. Chất thải rắn sau khi thu gom xử lý bằng công nghệ chế biến phân vi sinh kết hợp đốt tại nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP công nghệ môi trường Tây Ninh (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) và nhà máy xử lý rác tập trung của Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam ở xã Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu.

Ðiều 15, Nghị định 38 về quản lý chất thải và phế liệu, quy định việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt như sau:

1. Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm như sau:

a) Nhóm hữu cơ dễ phân huỷ (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật);

b) Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni-lông, thuỷ tinh);

c) Nhóm còn lại.

2. Chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại được lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp.

3. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý, giám sát, tuyên truyền và vận động tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành theo quy định, bảo đảm yêu cầu thuận lợi cho thu gom, vận chuyển và xử lý.

4. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn và tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội cụ thể của mỗi địa phương.

Ðiều 16. Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt

1. Thực hiện việc phân loại, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Ðiều 15 Nghị định này.

2. Hộ gia đình, cá nhân phải nộp phí vệ sinh cho thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

3. Chủ nguồn thải chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý; thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ.

Các khu vực nông thôn còn lại, nhiều hộ gia đình tự thu gom và đem đốt, chôn lấp hay đổ ra vườn nhà, đổ ra đường hoặc các bãi đất trống...

KHÔNG PHÂN LOẠI RÁC- THÓI QUEN KHÓ BỎ

Vấn đề nan giải hiện nay là việc phân loại rác thải sinh hoạt tại các hộ dân, tổ chức. Người dân không có thói quen phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ, đâu là chất thải rắn sinh hoạt, đâu là chất thải rắn nguy hại. Nhiều hộ cứ bỏ chung vào một chỗ chứa rác và chờ công nhân đến thu gom.

Chị Huỳnh Thị Thuỷ, ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh cho biết, rác thải sinh hoạt mà gia đình chị thải ra hằng ngày, có cả những bịch nylon đựng thức ăn, các chai nhựa, chai thuỷ tinh. Thông thường, chị Thuỷ đều bỏ chung một cái bọc, để vào sọt rác trước nhà chờ công nhân đến lấy.

Ông Dương Thái Bình- Giám đốc Công ty CP công trình đô thị Tây Ninh cho biết, việc phân loại rác thải tại nguồn hiện nay hết sức nan giải. Rác được tập hợp cũng khó sử dụng máy móc để phân loại, do vậy, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông thường do công nhân làm “thủ công” tại các thùng rác.

Theo đó, các chai nhựa, bọc nylon... những chất thải rắn có thể tái sử dụng công nhân tự phân loại để tận thu. Còn lại phần lớn rác thải thu gom đều đưa đi xử lý. Theo Công ty cổ phần công nghệ môi trường Tây Ninh, rác thải đưa xử lý tại công ty được đưa vào hệ thống phân loại ra chất thải hữu cơ, chất thải rắn sinh hoạt, sau đó xử lý từng loại theo quy định. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn nếu doanh nghiệp thu gom rác thải sinh hoạt có phân loại.

ÐẨY MẠNH VIỆC XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

Theo dự báo, lượng chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, là 1.194,97 tấn/ngày, cụ thể: Chất thải rắn sinh hoạt phát thải đạt 574,83 tấn/ngày; chất thải rắn công nghiệp phát thải đạt 617,93 tấn/ngày; chất thải y tế nguy hại đạt khoảng 0,883 tấn/ngày; chất thải rắn phát sinh từ hoạt động du lịch, nông nghiệp khoảng 1,32 tấn/ngày; tổng chất thải nguy hại phát thải đạt khoảng 92,01 tấn/ngày.

Còn đến năm 2030, tổng lượng chất thải phát sinh là 2.163,88 tấn/ngày, cụ thể chất thải rắn sinh hoạt phát thải đạt 1.023,88 tấn/ngày; chất thải rắn công nghiệp phát thải đạt 1.136,44 tấn/ngày; chất thải y tế nguy hại đạt khoảng 1,283 tấn/ngày; chất thải rắn phát sinh từ hoạt động du lịch, nông nghiệp khoảng 2,29 tấn/ngày; tổng chất thải nguy hại  phát thải đạt khoảng 168,79 tấn/ngày”.

Giám đốc Công ty cổ phần công trình đô thị Tây Ninh cho rằng, nếu phân loại rác sinh hoạt tại nguồn trong người dân đạt hiệu quả thì sẽ giảm được chi phí thu gom, xử lý; và Nhà nước tiết kiệm được ngân sách cho công tác này. Do vậy, vấn đề nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc phân loại rác thải tại nguồn là vấn đề cần được quan tâm, đẩy mạnh trong thời gian tới.

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã cho ý kiến dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2406/QÐ-UBND, ngày 21.11.2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, việc quy hoạch các khu xử lý chất thải được xem xét điều chỉnh bổ sung các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại để xử lý chất thải rắn phát sinh.

Dự thảo quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp xử lý chất thải rắn trong quá trình thực hiện việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để thay đổi ý thức người dân trong việc xử lý rác.

Hy vọng sau khi dự thảo về Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2406/QÐ-UBND ngày 21.11.2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh được chính thức thông qua, việc xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh sẽ khả quan hơn.

THIÊN TÂM

Chất thải rắn vô cơ là những chất thải không có khả năng phân huỷ trong điều kiện tự nhiên hoặc có thể phân huỷ nhưng với thời gian rất dài, như: thuỷ tinh, sành sứ, kim loại, giấy, cao su, nhựa, vải, đồ điện, đồ chơi, cát sỏi, vật liệu xây dựng… Ðặc biệt, trong chất thải rắn vô cơ có một số thành phần được gọi là chất thải nguy hại.

Chất thải được gọi là nguy hại khi có ít nhất một trong các tính chất: dễ nổ (bình gas, bật lửa…), ăn mòn (các chất có tính axit hoặc kiềm mạnh), gây nhiễm trùng (chất thải người bệnh, chất thải y tế, bơm kim tiêm…), chất chứa độc hại (vỏ thuốc bảo vệ thực vật, pin…). Ðối với chất thải nguy hại cần được thu gom vào một túi riêng, sẫm màu và cần được giao cho bộ phận quản lý môi trường xử lý theo quy trình riêng.