BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của người dân 

Cập nhật ngày: 25/09/2017 - 06:16

BTN - Sắp tới đây, Sở Y tế sẽ ký chương trình hợp tác với Sở Y tế Hà Nội, dự kiến chuyển giao 21 kỹ thuật cao. Trong giai đoạn 2017 - 2018, dự kiến chuyển giao 3 kỹ thuật là mổ nội soi u đại tràng; mổ nội soi thoát vị đĩa đệm, cột sống cổ và cột sống thắt lưng; can thiệp nội soi để điều trị bệnh lý tai biến mạch máu não.

Khám bệnh từ thiện cho người dân (ảnh minh hoạ).

Tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9.2017, theo báo cáo tình hình KT - XH trong 9 tháng đầu năm, đối với lĩnh vực y tế, một số dịch bệnh tăng cao so cùng kỳ như bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Cụ thể, số ca mắc Dengue và sốt xuất huyết 1.276 ca, tăng 48% (860 ca) so cùng kỳ; số ca mắc tay chân miệng 1.171 ca, tăng gấp 2,4 lần (492 ca). Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là ở các tuyến xã, huyện còn nhiều hạn chế.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoa Công Hậu- Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc gia tăng bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết không phải chỉ diễn ra riêng ở Tây Ninh. So với các tỉnh trong toàn quốc,

Tây Ninh chiếm tỷ lệ trung bình thấp. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, chủ yếu do thời tiết diễn biến bất thường và do chu kỳ phát triển của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng nhận định, tình trạng gia tăng này còn xuất phát từ việc phối - kết hợp chưa chặt chẽ giữa cán bộ, ngành Y tế với thầy, cô giáo các trường mầm non trong tỉnh.

Chính vì vậy, để giảm tình trạng dịch bệnh, trong những tháng cuối năm 2017, ngành Y tế đề ra 4 giải pháp. Đó là tăng cường công tác truyền thông về giáo dục sức khoẻ, phòng, chống dịch bệnh; xử lý kịp thời những ổ dịch.

Bên cạnh đó, kết hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo giám sát phòng, chống dịch bệnh tại các trường mầm non, đặc biệt ở Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Hoà Thành và TP. Tây Ninh.

Ngoài ra, Sở Y tế phối hợp với Sở GD-ĐT mời 136 hiệu trưởng trường mầm non cùng với cán bộ y tế triển khai Công văn số 581 của Bộ Y tế, cũng như Công văn số 2317 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh tay chân miệng.

Về vấn đề chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, ông Hậu cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh trong kỳ họp HĐND cũng như trong các cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngành Y tế đã xây dựng 10 giải pháp và đang thực hiện đồng bộ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, như giải pháp xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Sở Y tế đã trình các sở, ban, ngành và UBND tỉnh cho ý kiến để chỉnh sửa và đang hoàn chỉnh.

Sắp tới đây, Sở Y tế sẽ ký chương trình hợp tác với Sở Y tế Hà Nội, dự kiến chuyển giao 21 kỹ thuật cao. Trong giai đoạn 2017 - 2018, dự kiến chuyển giao 3 kỹ thuật là mổ nội soi u đại tràng; mổ nội soi thoát vị đĩa đệm, cột sống cổ và cột sống thắt lưng; can thiệp nội soi để điều trị bệnh lý tai biến mạch máu não.

Mặt khác, ngành cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện tốt đề án làm bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy - TP. Hồ Chí Minh, trong đó có phát triển nội tim mạch, dự kiến đến cuối năm 2018 có thể can thiệp tim mạch đặt stent tại tỉnh.

Ngành cũng sẽ tổ chức các hội nghị khoa học mang tầm cỡ quốc gia tại địa phương; mời gọi các chuyên gia đầu ngành để triển khai các kỹ thuật mới, tiên tiến; đề xuất mô hình xã hội hoá để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đưa cơ sở xây dựng mới, cũng như trang thiết bị của Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào hoạt động, trong đó có máy chụp cộng hưởng từ MRI...

TRÚC LY