BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh 

Cập nhật ngày: 11/08/2022 - 22:22

BTNO - Ngày 11.8, Ban Nội chính Tỉnh uỷ phối hợp Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Ông Nguyễn Hồng Thanh- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có ông Trịnh Thăng Quyết- Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương III Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Văn Tùng- Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; ông Quảng Đức Tuyên- Phó Chánh án Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh; ông Nguyễn Hồng Thanh- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ; ông Ngô Văn Hối- Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Hồng Thanh- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ cho biết, thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khẳng định quyết tâm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào.

Đặc biệt, ngày 17.6.2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Tây Ninh, đây không chỉ là căn cứ, cơ sở khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, mà còn được xem như cánh tay nối dài của Trung ương, thể hiện sự quyết tâm của toàn Đảng bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại hội nghị chuyên đề, các đại biểu đã tham gia thảo luận xoay quanh một số nội dung về thực trạng, bài học kinh nghiệm, những tồn tại, khó khăn, hạn chế và các giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.

Các đại biểu tham gia hội nghị chuyên đề.

Theo Toà án nhân dân tỉnh, quá trình phát hiện, xử lý đối với các vụ án tham nhũng trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhất là cấp uỷ địa phương. Xác định được các vụ án tham nhũng đều có liên quan đến người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức, nhất là các vụ án có bị cáo là đảng viên, có chức vụ đòi hỏi các quy trình tố tụng phải chặt chẽ, thận trọng, báo cáo kịp thời từng giai đoạn tố tụng. Từ đó giúp cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt người phạm tội, hành vi phạm tội.

Đối với các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết vụ việc, vụ án tham nhũng, Toà án nhân dân tỉnh cho rằng cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối đối với các vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là cấp uỷ địa phương trực tiếp; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong suốt quá trình xử lý các vụ án tham nhũng, qua các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, nhất là sửa chữa, bổ sung các quy chế phối hợp trong hoạt động tố tụng hình sự cho phù hợp với thực tiễn và tình hình phòng, chống tham nhũng nói chung và tội phạm về chức vụ, kinh tế nói riêng…

Đại diện Huyện uỷ Bến Cầu cho biết, Thường trực Huyện uỷ thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Toà án trong giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Đơn vị chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các quan điểm, nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng theo tinh thần Chỉ thị 26-CT/TW của Bộ Chính trị đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc bảo đảm chặt chẽ, toàn diện theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật và tội phạm bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật và quy định của Đảng, không để lọt tội phạm và người phạm tội.

Đại diện Công an tỉnh báo cáo tham luận tại hội nghị.

Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc, Huyện uỷ Bến Cầu đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó thường xuyên nắm tình hình, theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng quan tâm xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra trên địa bàn. Định kỳ hằng tháng, các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân huyện báo cáo tiến độ điều tra, xử lý vụ việc và đề xuất khó khăn, vướng mắc để thường trực chỉ đạo phối hợp thực hiện đạt hiệu quả.

Về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, thời gian qua, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh quan tâm triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức thuộc thẩm quyền quản lý. Nhất là từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2.6.2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đặc biệt quán triệt về tầm quan trọng của công tác thu hồi tài sản đối với các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho rằng, cần phát huy vai trò người đứng đầu về quản lý nghiệp vụ, tăng cường quán triệt tầm quan trọng của công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TW; đồng thời, đề nghị Toà án nhân dân các cấp phối hợp thực hiện tốt quy định pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong toả; kịp thời đính chính, giải thích bản án và kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền…

 

Ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh phát biểu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh đề nghị, Ban Nội chính Tỉnh uỷ và Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu, rà soát các nội dung trong báo cáo tham luận, nhất là các ý kiến, kiến nghị, đề xuất về giải pháp để xây dựng báo cáo tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh có đánh giá chính xác, khách quan, đúng thực trạng, làm rõ nguyên nhân, chọn lọc các giải pháp mang tính xác thực, khả thi.

Trên cơ sở đó giao cho cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tham mưu Ban Chỉ đạo trên cơ sở kết quả báo cáo tổng kết của hội nghị, tham mưu văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh để thống nhất thực hiện.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đề nghị các cơ quan tư pháp, cấp uỷ, địa phương cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị theo chức năng, pháp luật quy định góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan tư pháp phải gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về phòng, chống tham nhũng với việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ cơ quan có chức năng được giao nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phương Thảo