 |
Các đại biểu
thảo luận tại Hội trường về Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc
hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ XII (2007-2011) |
Ngày 28.3, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về Báo cáo tổng
kết hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ XII
(2007-2011). Đa số các đại biểu đều cho
rằng, hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ XII đã có nhiều tiến bộ.
Công tác xây dựng pháp luật cơ bản đáp ứng
được thực tiễn và hội nhập quốc tế. Trong 4 năm qua Quốc hội đã xây dựng 68
luật, 12 Nghị quyết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 13 Pháp lệnh và
7 Nghị quyết .
Các phiên họp Quốc hội, các phiên thảo luận
kinh tế- xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn hấp dẫn, sôi nổi đáp ứng được
sự mong đợi của cử tri.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho
rằng Báo cáo đã đánh giá tương đối toàn diện các mặt công tác và thẳng thắn
chỉ ra tồn tại.
Quốc hội khoá XII hoạt động 4 năm trong tình
hình đất nước nhiều biến động, nhưng nhờ đổi mới hoạt động, cách thảo luận
nên nhiều dự án luật, nhiều vấn đề quan trọng của đất nước đã được làm rõ và
có quyết định phù hợp, để lại ấn tượng ngày càng cao trong cử tri, đại biểu
cho biết.
Đây là khoá Quốc hội đầu tiên tranh luận theo
nhóm vấn đề và chất vấn tại hội trường theo nhóm vấn đề. Ý kiến các đại biểu
cho rằng đây là cách làm hiệu quả và được cử tri cả nước hoan nghênh.
Tuy nhiên nhiều đại biểu cũng nhìn nhận, họat
động giám sát của Quốc hội chưa thật sự đạt hiệu quả. Các nghị quyết của
Quốc hội được áp dụng như thế nào, tiến độ ra sao vẫn chưa sát sao. Công tác
xây dựng pháp luật còn bị động.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội,
một số ý kiến đề nghị, cần nâng cao tính chuyên nghiệp của đại biểu.
Có ý kiến đại biểu đề nghị tăng cường đại biểu
chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội. Cũng chính vì đại biểu
chuyên trách ít, hay thay đổi nên “sáng kiến pháp luật” của đại biểu còn hạn
chế.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Đăng Vang
(Bình Định), nâng cao tính chuyên nghiệp không có nghĩa là phải tăng đội
ngũ chuyên trách như hiện nay mà vấn đề là “đào tạo” đại biểu Quốc hội cả
chuyên trách và kiêm nhiệm có tính liên tục, kế thừa.
Theo đại biểu Pham Thị Loan (Hà Nội), cơ cấu
chất lượng đại biểu cần chú ý tới các đối tượng không thuộc thành phần hành
pháp, bởi thực tế thời gian qua cho thấy những đại biểu ngoài Đảng và những
đại biểu không thuộc cơ quan hành pháp cũng có nhiều ý kiến đóng góp xác
đáng.
Ngoài ra, một số đại biểu nêu ý kiến, đề nghị
xem xét điều chỉnh các cơ quan Quốc hội theo hướng tăng cường các cơ quan
trực thuộc (như Uỷ ban Dân nguyện) để tập hợp, nghiên cứu sâu các kiến nghị,
bức xúc của cử tri cần được tập trung giải quyết, qua đó tăng cường lòng tin
của người dân.
Ngoài ra các vấn đề về tăng cường giám sát,
công tác xây dựng luật pháp, kinh phí cũng được các đại biểu thảo luận.
(Theo chinhphu.vn)