Pháp luật   Tin tức

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nâng cao năng lực cán bộ thẩm định văn bản quy phạm pháp luật 

Cập nhật ngày: 25/02/2018 - 11:19

Thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và dự án, dự thảo VBQPPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp, luôn được Bộ quan tâm để thực hiện một cách kịp thời, chất lượng. Sau hơn 1,5 năm triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, công tác này ngày càng đi vào nền nếp, đảm bảo tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục và các yêu cầu mới của Luật này.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Ngay sau khi Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 có hiệu lực, nhằm triển khai, thực hiện hiệu quả hoạt động thẩm định, Bộ Tư pháp đã phổ biến, tập huấn chuyên sâu các quy định về thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL cho cán bộ, công chức là đối tượng trực tiếp tiến hành thẩm định và tham gia thẩm định của các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là các đơn vị xây dựng pháp luật.

Các đơn vị đã tuân thủ và thực hiện tương đối nghiêm túc các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định. Các công chức tham gia thẩm định đã bám sát các nội dung cần thẩm định và có nhiều ý kiến thẩm định xác đáng, các báo cáo thẩm định đã khẳng định rõ giá trị pháp lý của ý kiến thẩm định.

Cùng với đó, sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ trong công tác thẩm định cũng được thể hiện rõ nét ngay từ giai đoạn tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ; phối hợp xây dựng báo cáo thẩm định hay trong việc tổ chức thẩm định. Theo đó, Bộ Tư pháp đã biên soạn Sổ tay soạn thảo VBQPPL, Sổ tay xây dựng chính sách trong đề nghị xây dựng pháp luật, Sổ tay đánh giá tác động của chính sách, Sách hỏi đáp Luật Ban hành VBQPPL năm 2015.

Đồng thời xây dựng Trang thông tin điện tử về xây dựng pháp luật nhằm đăng tải các thông tin, tài liệu liên quan đến công tác lập đề nghị xây dựng VBQPPL; lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; soạn thảo VBQPPL và tình hình công tác xây dựng pháp luật của địa phương. Ngoài ra, cơ chế phối hợp trong việc huy động chuyên gia cũng được thể hiện bài bản hơn. 

Tuy nhiên, công tác thẩm định đề nghị, dự án, dự thảo VBQPPL vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Năng lực cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật nói chung và cán bộ làm công tác thẩm định nói riêng còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ tham gia thẩm định còn thiếu, một số trường hợp cử cán bộ tham gia thẩm định không đúng thành phần, chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn, thiếu kiến thức tổng hợp về các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác cũng như kinh nghiệm xây dựng VBQPPL nên chất lượng ý kiến đóng góp không cao.

Đối với những dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, các chính sách pháp luật mới, đôi khi cán bộ còn lúng túng, khó khăn, làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định. Quá trình triển khai lấy ý kiến, thực hiện thủ tục thẩm định phải qua nhiều khâu; quy trình xin ý kiến lãnh đạo Bộ về những chủ trương lớn  trước khi thẩm định chưa được thực hiện một cách thường xuyên, đồng bộ và có hiệu quả.

Vì vậy, để không ngừng nâng cao chất lượng thẩm định các dự án, dự thảo VBQPPL của Bộ, cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật ngay từ đầu trong quá trình nghiên cứu, lập đề nghị, soạn thảo văn bản.

Bộ cần tiếp tục chú trọng tới công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng thẩm định cho các công chức làm công tác thẩm định, đặc biệt là công chức trẻ. Ngoài những kiến thức chung về quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực thì cần bổ sung, cập nhật vào chương trình bồi dưỡng các kiến thức về kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế để nâng cao chất lượng thẩm định.

Có như vậy, báo cáo thẩm định mới không dừng lại ở khía cạnh pháp lý thuần túy mà còn nhận định sâu sắc, thuyết phục về tính hợp lý, tính khả thi của các chính sách, quy định của dự án, dự thảo VBQPPL được thẩm định.

Song song với đó, cần tổ chức quán triệt nghiêm túc đến cán bộ, công  chức về tinh thần và nội dung của Quyết định số 2410/QĐ-BTP về thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL.

Đồng thời thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thống kê quy định tại Quyết định này cũng như quy định về đăng tải Báo cáo thẩm định và ý kiến giải trình, tiếp thu lên Trang xây dựng pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để đảm bảo tính khách quan, toàn diện.

Nguồn baophapluat