Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngắm vườn dâu tây ở Ma Thiên Lãnh 

Cập nhật ngày: 07/11/2017 - 20:22

BTNO - Nhận thấy khí hậu ở Ma Thiên Lãnh khá giống với Đà Lạt, một lão nông đã đầu tư trồng thử nghiệm vườn dâu tây ở khu vực này, tạo điểm tham quan khá thú vị cho những người đến đây vui chơi.

Vườn dâu tây của ông Cầm đã bắt đầu cho trái.

Chắc hẳn người dân trong tỉnh Tây Ninh không còn xa lạ gì với địa điểm Ma Thiên Lãnh ở núi Bà Đen. Nơi đây được nhiều người ví như một “Đà Lạt của Đông Nam Bộ” bởi khí hậu trong lành, mát mẻ… Tận dụng địa hình, khí hậu ở Ma Thiên Lãnh khá giống với Đà Lạt, ông Võ Văn Cầm (52 tuổi, ngụ TP.Tây Ninh) đã mạnh dạn đầu tư và mua gần 2.000 cây giống dâu tây đem về trồng trên diện tích 1.000m2.

Trong một dịp đi du lịch Đà Lạt và tham quan các vườn dâu tây, yêu thích giống cây này, ông Cầm mua 10 cây giống dâu tây tại Đà Lạt với giá 10.000 đồng/cây, đem về trồng thử tại khu vực Ma Thiên Lãnh. Sau khoảng thời gian 3 tháng trồng và chăm sóc, những cây dâu tây phát triển rất tốt và bắt đầu cho trái chín. Từ đó, ông nảy ra ý định trồng một vườn dâu tây mang hơi hướng Đà Lạt tại nơi có khí hậu nóng như Tây Ninh, đồng thời tạo một điểm nhấn mới cho du lịch của tỉnh nhà.

Nghĩ là làm, một lần nữa ông Cầm lại đến Đà Lạt, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dâu tây tại các nhà vườn ở đó rồi xem xét, lựa chọn kỹ từng cây giống đem về Tây Ninh trồng. Hiện tại, vườn dâu tây của ông đã bắt đầu cho trái. Theo ông Cầm, dâu tây được trồng ngoài trời, thời gian bắt ánh nắng trong ngày cao nên trái khá thơm ngon.

Chia sẻ về cách trồng dâu tây, ông Cầm cho biết, dâu tây không khó trồng, khi cây còn nhỏ cần tăng bón phân để cho cây phát triển mạnh khỏe. Khi cây ra hoa, kết trái thì tăng lượng phân bón lên để dâu tây ra nhiều hoa, và khả năng đậu trái cao. Để trái dâu tây đạt chuẩn về hình thức, tránh sâu bệnh, cần xịt thuốc đúng liều lượng để cây được bảo vệ tốt.

Ông Cầm chăm sóc vườn dâu tây tại Ma Thiên Lãnh.

Về việc tưới nước, dâu tây cần phải được tưới thường xuyên vào các buổi trong ngày, đảm bảo cho đất luôn có độ ẩm, nhưng không bị úng.

Nói về khó khăn của việc trồng dâu tây tại Tây Ninh, ông Cầm cho hay, do cấu tạo của địa hình, việc vận chuyển phân bón, thiết bị, dụng cụ trồng và chăm sóc gặp khá nhiều trở ngại, vì con đường đi lên chỗ trồng dâu tây của ông còn khá xấu.

Sắp tới, ông sẽ tiến hành trồng dâu tây theo phương pháp treo trên dàn máng, tương tự các vườn dâu tại Đà Lạt. Với cách làm này, ông Cầm cho biết sẽ tiết kiệm được diện tích đất trồng rất lớn, thuận tiện cho việc chăm sóc cây, cũng như tăng tính thẩm mỹ khi mọi người ghé tham quan vườn. Ngoài ra, ông Cầm sẽ cố gắng đầu tư hệ thống tưới nước phun sương tự động, tạo môi trường cho trái dâu có thể phát triển thuận lợi.

Hiện vườn dâu của gia đình ông Cầm đang thu hút được sự chú ý rất nhiều người trong tỉnh. Ông Cầm rất vui mừng, hoan nghênh khi mọi người đến tham quan, chiêm ngưỡng vườn dâu tây của ông trồng tại Ma Thiên Lãnh.

Phương Thảo- Đào Như