Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngắm vườn dưa lưới dưới chân Núi Bà 

Cập nhật ngày: 24/05/2020 - 20:54

BTNO - Từng gắn bó với ngành phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hơn 30 năm, luôn bận rộn với công việc, nhưng chị Lê Thị Mai Huyền-Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV SX XNK Đức Thành (Công ty Đức Thành) vẫn dành thời gian để tiếp tục “sống” với vườn dưa lưới hữu cơ của mình.

Thật ấn tượng khi có dịp trải nghiệm vườn dưa lưới công nghệ cao tại Đức Thành Farm bên chân Núi Bà Đen (thuộc xã Phan, huyện Dương Minh Châu). Dưới ánh nắng ấm buổi sáng của tiết trời Tây Ninh, từng trái dưa lưới lúc lỉu nép mình dưới những chiếc lá xanh thẫm, chị Huyền dùng kéo nhỏ cắt gọn một trái dưa tròn đều, lưới gân trắng nổi rõ lên từng mảng bao khắp trái, “Trái này vừa chín tới đó. Cắt dưa vừa đủ lứa như vầy mới thơm và ngọt”.

Khách tham quan, trải nghiệm vườn dưa lưới tại Đức Thành Farm.

Chị Huyền giải thích thêm, để chọn một trái dưa lưới thơm ngọt, trước hết là quan sát những trái có đường gân nổi lên rõ ràng, phần gần cuống có lưới nứt, hình răng cưa, mùi thơm nhẹ dịu, gần giống với mùi dưa hấu. Những trái có đường gân dần chuyển sang màu nâu, đen, móp thì đó là những trái dưa hư, vị nhạt, không thơm ngon.

Dành toàn bộ 1.000m2 đất làm nhà màng trồng dưa lưới, chị Huyền cho biết, cũng vì đam mê, cũng vì muốn người nông dân có đầu ra ổn định, cũng vì muốn đem lại thực phẩm tốt cho gia đình. Bên cạnh đó, chị cảm thấy vui vẻ hơn, bình yên hơn khi tận tay chăm sóc sản phẩm do mình làm ra. “Mặc dù dưa lưới đã có mặt trên thị trường từ lâu, nhưng để được ăn một trái dưa sạch, chất lượng lại là chuyện không dễ”- chị Huyền tâm sự.

Vườn dưa lưới ruột cam được chị Huyền đầu tư theo mô hình nhà màng công nghệ cao, rộng 1.000m2 canh tác theo hướng hữu cơ. Mỗi cây được trồng trong một bầu giá thể, lót bạt cao su cách ly với nền đất, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Tây Ninh và thụ phấn bằng “ong mật”.

Chị Huyền giải thích: “Vào thời điểm 32 ngày sau gieo hạt, cũng là lúc hoa dưa nở rộ. Đội ngũ kỹ sư Đức Thành tiến hành thả ong bay khắp nhà màng để thụ phấn. Quy trình này rất quan trọng, vừa tạo môi trường nuôi trồng đa dạng sinh học, vừa kích thích cây trồng kết trái, cây khỏe, tăng năng suất”.

Dưa lưới là loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao và lâu dài cho người nông dân, thời gian gieo trồng và thu hoạch cũng ngắn hơn so với những loại cây khác như lúa, củ mì,... Sau 84 - 89 ngày (kể từ ngày gieo hạt), cây đã có thể cho trái thu hoạch. Trung bình nhà màng 1.000m2 thu hoạch đạt từ 3- 3,5 tấn trái, mỗi trái từ 1,5 kg trở lên.

Chị Huyền cho biết, nếu trồng theo cách truyền thống trên ruộng, quả dưa không đẹp, năng suất không cao, cây dễ bị sâu bệnh, côn trùng tấn công. Chưa kể đến việc dưa thường bị nám một bên do nằm dưới đất (trồng theo luống), trái rụng hàng loạt do sương muối...

Do đó, khi trồng trong nhà màng sẽ hạn chế các tác nhân do thời tiết gây ra, không tốn nhiều nhân công, quy trình trồng bài bản. Nhờ hệ thống lưới bao quanh, các loại côn trùng khó xâm nhập, đồng thời hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình nuôi trồng.

Chị Lê Thị Mai Huyền hướng dẫn khách tham quan tự trải nghiệm cắt dưa lưới trong vườn.

Tuy nhiên, do dưa lưới thường có bệnh chạy dây, thân cây bị nứt khô, héo từ lá đến thân như bị thiếu nước lâu ngày rồi chết. Ở vụ đầu tiên, vườn dưa lưới thu hoạch không cao, tỷ lệ hao hụt khá nhiều dù sản lượng vẫn đạt khoảng 1,5 - 2,5kg/trái. Là người có nhiều kinh nghiệm trong ngành phân bón và thuốc BVTV, chị Huyền đã nhanh chóng “loại bỏ” những cây bệnh nặng ra khỏi vườn. Số còn lại, chị quét thuốc đặc trị vào vết bệnh trên dây, phun thuốc phòng bệnh nấm định kỳ, đồng thời luôn giữ vườn thông thoáng.

Trong vụ thứ hai, vườn dưa lưới Đức Thành Farm đã thu hoạch trên 3,5 tấn/1.000m2. Khi những trái dưa tròn đầy, vân đều đặn còn trĩu nặng trên cây, chị Huyền đã liên tục nhận các đơn đặt hàng sản phẩm loại 1 ở TP. Hồ Chí Minh và khách hàng trong tỉnh. Mới đây, một công ty thiết bị y tế ở TP.HCM đã đặt mua hơn 1 tấn dưa lưới (tương đương 500 trái, loại 1) để làm quà tặng cho khách hàng.

Được tự tay cắt từng trái dưa lưới vừa chín trong vườn, chị Biện Thị Ngọc Giàu (ngụ Phường 2, TP.Tây Ninh) khoe: “Thật là thích! Cảm giác được trải nghiệm thực tế như thế này mới thật tuyệt vời. Khi ăn, dưa có màu vàng cam, thơm nhẹ, giòn, ngọt thanh lắm!”. Chị Giàu cho hay, đây là lần đầu tiên chị đến trải nghiệm thực tế vườn dưa lưới và sẽ mua về làm quà tặng gia đình, bạn bè.

Những trái dưa lưới chín mọng lúc lỉu trong vườn.

Chị Huyền cho biết thêm, dù vườn dưa hình thành không lâu, nhưng đã có nhiều người biết đến, ghé tham quan, trải nghiệm sản phẩm và mua về làm quà tặng. Trung bình, mỗi kg (trái loại 1) được bán ra thị trường có giá từ 40.000 đồng - 50.000 đồng/kg (giá sỉ), giá bán lẻ từ 60.000 đồng - 70.000 đồng/kg.

Hiện tại, vườn có 3 công nhân làm việc với trang thiết bị phần lớn là tự động hóa theo công nghệ tưới Israel. Với năng suất như hiện nay, chị Huyền đang mở rộng thêm 4.000m2 nhà màng trồng dưa lưới, cùng kỳ vọng đưa sản phẩm dưa lưới sạch, hữu cơ ra thị trường ngoài nước.

“Dưa lưới là loại trái cây được nhiều người tin dùng không chỉ vì ngon mà còn bổ dưỡng. Nhưng điều chúng tôi hướng đến là vừa tạo ra một loại trái cây sạch, an toàn, vừa phát triển hướng tiêu thụ nông sản, tiến tới liên kết và hỗ trợ nông dân địa phương chuyển đổi canh tác theo mô hình này để phát triển kinh tế cho người nông dân, và lớn hơn đó là xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tôi sẽ làm được!”- chị Huyền nói.

Tâm Giang