BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngăn chặn sự biến tướng phong tục

Cập nhật ngày: 12/02/2017 - 09:08

Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao trước một số clíp được lan truyền rộng rãi. Ðó là cảnh một cô gái dân tộc Thái ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An khi đang đi trên đường bị một nhóm thanh niên xúm vào “bắt vợ”.

Cô gào khóc thảm thiết, liên tục cầu xin sự cứu giúp của những người chung quanh nhưng không ai giúp đỡ. Còn ở xã Sa Pả, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, một bé gái người Mông học lớp 9 bị một gia đình xúm vào “kéo” về làm vợ cho con trai. Sự việc xảy ra ngay gần trụ sở công an thị trấn mà không hề được cơ quan pháp luật can thiệp, và mặc dù thầy hiệu phó nhà trường đến “xin” hãy đợi học trò của mình đủ 18 tuổi nhưng họ vẫn nhất quyết lôi đi. Và nữa, không để chàng trai bắt lên xe về làm vợ, một cô gái 16 tuổi, người Mông ở tỉnh Hà Giang đã nhặt đá chống trả quyết liệt...

Ðó mới chỉ là một vài vụ việc được phát hiện, còn thực tế có bao nhiêu trường hợp “bắt vợ” mà không có sự đồng ý của các cô gái, không được chụp ảnh, quay vi-đê-ô clíp và đưa lên mạng?

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định, truyền thống của người Mông dùng từ "kéo vợ" chứ không phải "bắt vợ"; nhằm tránh tình trạng thách cưới và cưỡng ép hôn nhân. Trước đây, người Mông thách cưới cao khiến nhiều thanh niên nghèo không thể lấy được vợ. Việc “kéo vợ” thường có sự thỏa thuận trước, diễn ra giữa hai người yêu nhau. Khi đã được kéo về nhà, họ sẽ sắp xếp cho chị hoặc em gái chú rể làm bạn với cô dâu để quen dần cuộc sống nhà chồng rồi sau đó mới tổ chức cưới xin, chứ không phải bắt ép về rồi muốn làm gì thì làm. Như vậy, về bản chất, “kéo vợ” là tục lệ truyền thống mang giá trị nhân văn. Tuy nhiên, trong các clíp “bắt vợ” cho thấy tục lệ này đang bị biến tướng khi nhiều em gái còn rất trẻ, đang ở tuổi đi học đã bị kéo đi. Việc lợi dụng, làm biến tướng phong tục trong xã hội hiện đại đã làm tổn thương nghiêm trọng đến nhân phẩm, quyền và khát vọng của các cô gái trong vấn đề bình đẳng nam nữ, trong đó có bình đẳng hôn nhân; góp phần gia tăng nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nhiều trẻ em đang độ tuổi đến trường phải từ bỏ tương lai. Hiện nay, dù ở một số vùng đã đỡ hơn, song tục lệ này vẫn còn tồn tại. Khả năng phản kháng của các em gái, thiếu nữ hầu hết yếu ớt; còn chính quyền rất khó xử lý bởi đây được coi là nét văn hóa của dân tộc.

Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Ðoàn luật sư Hà Nội, "bắt vợ, cướp vợ" nếu diễn ra mà không có sự đồng ý của các bên thì người thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo quy định Ðiều 123 Bộ luật Hình sự hiện hành. Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng và các tình tiết liên quan, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án theo đúng quy định pháp luật. Hơn thế nữa, Luật Hôn nhân Gia đình cũng đã quy định cụ thể, chi tiết về chế độ hôn nhân tại Việt Nam và công dân Việt Nam bất kể tôn giáo, dân tộc. Do vậy, người thực hiện hành vi “bắt vợ, cướp vợ" có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ tại Ðiều 146 Bộ luật Hình sự hiện hành. Với xã hội văn minh hiện nay, phong tục này chỉ nên được giữ lại theo “hình thức”. Tức là nó chỉ diễn ra khi hai bên đã có sự đồng thuận và hành vi thực hiện như một cách bảo tồn văn hóa và truyền thống của dân tộc. Có thể thấy, tôn trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa là điều cần thiết nhưng không vì thế mà chấp nhận sự biến tướng, xâm phạm và ảnh hưởng tới quyền con người. Tuy nhiên, bên cạnh tiếng nói của dư luận, để điều chỉnh, thậm chí xóa bỏ tục lệ đang biến tướng gây hậu quả nghiêm trọng, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực trạng nêu trên cũng cấp thiết đặt ra trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó loại bỏ và cải tiến một số hủ tục, để những nét đẹp văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ trong khuôn khổ của pháp luật và phù hợp cuộc sống hiện đại.

Nguồn Báo Nhân dân