BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng

Cập nhật ngày: 19/04/2017 - 20:39

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từ đầu năm đến nay, cả nước trồng được gần 11 triệu cây lâm nghiệp phân tán, tăng 10% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, chiếm đất, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, một số tỉnh miền trung và khu vực Tây Bắc, với hàng chục héc-ta rừng bị phá.

Riêng khu vực Tây Nguyên, thời gian qua đã mất hơn 40% diện tích rừng tự nhiên. Nguyên nhân mất rừng chủ yếu do một số địa phương còn bị động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thể hiện qua việc chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chưa quyết liệt.

Một số vụ khai thác, phá rừng diễn ra công khai với vỏ bọc triển khai các dự án thủy điện, chăn nuôi, trồng trọt… nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời, hoặc để dây dưa kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Để ngăn chặn tận gốc nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, đồng thời khắc phục những thiếu sót, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, các cấp, các ngành, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư T.Ư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27-9-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ. Đồng thời tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở về quản lý, bảo vệ rừng theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

Cùng với biện pháp kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và không cho chuyển đổi đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần xóa các “điểm nóng” về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật.

Theo đó, các địa phương cần tập trung chỉ đạo kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại địa phương trong thời gian qua; làm rõ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng vi phạm, nhất là những cán bộ thiếu trách nhiệm, tiêu cực, bao che, tiếp tay các vi phạm.

Từ đó, tùy theo mức độ vi phạm có các hình thức kỷ luật, xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm, kể cả truy tố trước pháp luật.

Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn để kịp thời phát hiện, thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở không bảo đảm nguồn nguyên liệu hợp pháp; kiên quyết xóa bỏ các cơ sở chế biến gỗ không phù hợp quy hoạch, tiêu thụ gỗ bất hợp pháp.

Phối hợp các cơ quan chức năng trong kiểm tra, kiểm soát các hoạt động xuất, nhập khẩu gỗ qua các cửa khẩu tại khu vực biên giới, để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ và động vật hoang dã trái pháp luật.

Các địa phương thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước cho chính quyền cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng; phòng chống cháy rừng; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Nguồn Báo Nhân dân