BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đến với thơ hay

Ngàn năm gió vẫn cứ bay… 

Cập nhật ngày: 19/09/2017 - 08:24

BTN - “Gió” là một bài lục bát ngắn với 5 cặp câu, in trong tạp chí Văn Nghệ Quân Đội được nhiều người ưa thích vì tính chất tự do phóng khoáng, vừa dân dã vừa có chút dư vị của thiền.

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi tên thật là Đỗ Xuân Khơi, sinh năm 1960 ở Thái Bình. Do bệnh tật, ông nằm liệt một chỗ từ khi còn nhỏ. Ông nổi tiếng là nhà thơ “viết nằm”, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

“Gió” là một bài lục bát ngắn với 5 cặp câu, in trong tạp chí Văn Nghệ Quân Đội được nhiều người ưa thích vì tính chất tự do phóng khoáng, vừa dân dã vừa có chút dư vị của thiền. Mở đầu là cặp lục bát: “Gió vườn gió ruộng gió sông/ vui theo chim sáo sổ lồng ly quê”.

Đó cũng là ngọn gió bình thường như bao ngọn gió khác của đồng quê Việt Nam, nhưng tác giả đã gắn cho nó những cái tên mộc mạc thân quen: gió vườn, gió ruộng, gió sông... bởi đó là những ngọn gió có ở vườn, ở ruộng và ở sông, gần gũi, quen thuộc. Hình ảnh gió được gắn với chim sáo, loài chim có ở mọi vùng đồng quê đất nước.

Song lại là chim “sổ lồng ly quê”, có chút ngậm ngùi bởi hai từ “ly quê”, tức rời bỏ quê hương, ruộng đồng, chút cay cay nơi khoé mắt khi nghĩ đến những người dân quê bỏ đồng ruộng để lên thành phố tìm kế mưu sinh...

Hai câu thơ tiếp theo lại hướng đến bầu trời: “Trời thì thắm thiết thế kia/ tự do - gió chả nề chi khuôn hình”. Trời thắm thiết, gió thì tự do, thoải mái chẳng nề hà khuôn hình dẹp, tròn, dài ngắn, bởi gió luôn thể hiện bản chất: “Rộng thênh thênh, nhẹ tênh tênh/ Biển sâu, vực thẳm, thác ghềnh là đâu”.

Các từ láy “Thênh thênh, tênh tênh” kết hợp với “rộng, nhẹ” vốn là tính chất của gió, dẫu chỉ là cơn gió thoảng, song ở đâu- “biển sâu, vực thẳm, thác ghềnh” gió đều có mặt để vuốt ve và làm mát từng lá cây, cọng cỏ, từng viên cát nhỏ, tính tích cực của gió được nhà thơ hướng tới: “Không hình khối, chẳng sắc màu/ không cao thấp, chẳng trước sau nghi hồ”.

Gió gần như bình đẳng, hoà vào tất cả mọi thứ, để: “Muôn sau nối với cổ sơ/ Một làn gió đến bây giờ còn bay”. Gió đã nối và đi qua bao nhiêu năm của các thế hệ con người, bây giờ vẫn còn, mãi mãi vẫn còn, gió vẫn bay trong cuộc sống thiên nhiên và con người.

Gió, một ghi nhận về cuộc sống vốn bình đẳng, không sắc, không hình mà thiền môn gọi là “sắc sắc, không không”, luôn đem lại cho con người sự tự do, tự tại và thoải mái trong cuộc sống vốn còn nhiều gian khó, làm vơi đi bao giọt mồ hôi và nỗi phiền muộn của con người.

CHÍNH VŨ

Từ khóa
CHÍNH VŨ