BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngăn ngừa ô nhiễm, chuyện gần, chuyện xa…

Cập nhật ngày: 23/10/2019 - 22:32

BTN - Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có hai sông lớn chảy qua, tuy nhiên, sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn đều đã có dấu hiệu của sự ô nhiễm. Ở sông Vàm Cỏ Đông, chất lượng nước trong những năm gần đây có dấu hiệu bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, có xu hướng tăng dần về phía hạ nguồn, đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ.

Mấy ngày xem truyền hình thấy người dân thành phố Hà Nội vất vả vì chuyện nước sinh hoạt do nguồn nước cung cấp từ sông Đà bị ô nhiễm dầu thải, tôi cảm thấy xót xa quá đỗi. Sao mà người ta lại vô ý thức tới mức có thể lén lút đổ dầu cặn, nhớt thải xuống sông, làm ô nhiễm nguồn nước của người dân Thủ đô sử dụng như vậy ông hả!

-Vậy mới khổ chứ! Mà đâu chỉ ở Hà Nội, ở ngay các địa phương khu vực miền Đông Nam bộ mình đây, mới cách nay vài tuần tôi cũng thấy ti-vi phát hình ảnh cả mấy cây số bãi biển đẹp nhất của thành phố Vũng Tàu tràn ngập rác thải, chính quyền phải huy động dân dọn dẹp mấy ngày liền.

-Đúng là vấn đề chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường bây giờ gần như báo động cấp bách quá rồi. Cũng may là ở tỉnh mình không thấy xuất hiện hiện tượng ô nhiễm trầm trọng như vậy ông hả!

-Ông phải nói là “ít thấy”, chứ nói “không thấy” là không đúng đâu nghen. Mặc dù ở tỉnh ta “chưa thấy” xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng như mấy trường hợp vừa kể ở tỉnh, thành khác, nhưng thực tế cũng đã có nhiều lần xảy ra cá chết nhiều ở sông Vàm Cỏ Đông, ở rạch Tây Ninh đó chứ. Rồi thỉnh thoảng lại thấy báo chí phản ánh công ty này, doanh nghiệp nọ xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Chẳng hạn như là chuyện vài tháng trước một doanh nghiệp chế biến hoá chất công nghiệp gì đó dùng để làm dung môi pha sơn PU, để trét máng cạo mủ cao su đổ chất thải độc hại ra môi trường ở bãi đất rộng cả ngàn mét vuông dưới ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, Trảng Bàng đó…

-Sao tôi nghe nói ngành chức năng quản lý Nhà nước về môi trường có những biện pháp bảo vệ môi trường quyết liệt lắm mà?     

-Đúng vậy, những năm qua, ngành chức năng đã và đang có nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường, nhưng vẫn khó tránh khỏi chuyện có lúc có nơi còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, cũng như việc xử lý rác thải- nhất là rác thải sinh hoạt vẫn còn bất cập, chưa giải quyết triệt để được đâu ông ơi.

-Ông theo dõi thời sự, quan tâm vấn đề môi trường, chắc ông biết rõ chuyện đó, làm ơn nói tôi nghe với?

-Thì Bàn Dân cũng có biết, nhưng không dám nói là biết rõ lắm đâu. Đại khái là, theo đánh giá của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh, chất lượng môi trường ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã bị suy giảm đáng lo ngại. Trong đó, phải kể đến là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm do chất thải…

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có hai sông lớn chảy qua, tuy nhiên, sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn đều đã có dấu hiệu của sự ô nhiễm. Ở sông Vàm Cỏ Đông, chất lượng nước trong những năm gần đây có dấu hiệu bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, có xu hướng tăng dần về phía hạ nguồn, đặc biệt là ô nhiễm chất hữu cơ.

Tại sông Sài Gòn, chất lượng nước được đánh giá là ít bị ô nhiễm hơn sông Vàm Cỏ Đông do thường xuyên được hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn. Nhưng trong những năm gần đây, chất lượng nước sông Sài Gòn cũng đã có dấu hiệu bị ô nhiễm với mức độ ngày càng tăng. Nguyên nhân chính là chất lượng nước tại đập chính hồ Dầu Tiếng, cửa xả kênh Đông và kênh Tây không còn tốt như trước mà đã có dấu hiệu bị ô nhiễm. Riêng chất lượng nước ngầm trên địa bàn tỉnh cũng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng, chủ yếu là bị ô nhiễm vi sinh và có chỉ số pH thấp.

Bên cạnh đó, rác thải cũng là một trong những nguy cơ không nhỏ đối với môi trường của tỉnh hiện nay- nhất là môi trường ở nông thôn. Trong khi đó công tác thu gom, xử lý rác vẫn chưa đáp ứng kịp mức độ phát sinh rác thải, khi mà kinh tế xã hội của tỉnh ngày càng phát triển mạnh hơn… Còn chuyện chất thải công nghiệp thì tuy rằng ngành chức năng luôn tích cực tăng cường quản lý, nhưng vẫn khó tránh những trường hợp lén lút vi phạm như chuyện cái doanh nghiệp sản xuất hoá chất đã nói hồi nãy đó.

-Ờ, tình trạng môi trường vừa qua và hiện nay là vậy, còn sắp tới, có những dự án phát triển quy mô lớn mới triển khai ở tỉnh ta, như các nhà máy điện mặt trời công suất lớn đã bắt đầu hoạt động trong lòng hồ Dầu Tiếng, liệu có tác động gì đến môi trường không vậy ông?

-Theo Bàn Dân biết thì điện mặt trời là nguồn năng lượng “sạch” nhất so với các nguồn năng lượng khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều tài liệu, công trình nghiên cứu cho biết, mặc dù trong giai đoạn vận hành khai thác năng lượng ánh sáng chuyển thành điện năng phục vụ sản xuất, đời sống thì gần như không xảy ra ô nhiễm, nhưng trong một tương lai không xa, chỉ khoảng vài ba chục năm thôi, “tuổi thọ” của các tấm pin mặt trời đã hết, thì chính những tấm pin ấy sẽ trở thành một loại rác thải công nghiệp cực kỳ nguy hại nếu không được xử lý đúng mức.

-Vậy à, vậy là chắc các nhà máy hiện đại mới làm thế nào cũng có giải pháp xử lý chống ô nhiễm để giải quyết “cái hậu” ấy ông nhỉ.

-Vâng, hy vọng là vậy. Dù sao lo xa vẫn hơn, để đến “sát bên nách” mới giải quyết thì nguy lắm đa.

BÀN DÂN