BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngành chăn nuôi chuyển sang xu hướng “sạch” 

Cập nhật ngày: 23/01/2019 - 16:05

BTN - Trong xu hướng hội nhập sâu rộng, ngành chăn nuôi cả nước nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn. Mặc dù vậy, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn có triển vọng phát triển theo hướng hiện đại, an toàn và bền vững.

Mô hình chăn nuôi kết hợp kiểu vườn - ao - chuồng của gia đình ông Hải tại ấp Ninh Hưng 1, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu.

Nhiều mô hình mới

Trong những năm gần đây, người chăn nuôi luôn phải đối mặt với tình trạng giá vật tư, thức ăn gia súc, gia cầm tăng cao. Ðặc biệt, dịch bệnh luôn là mối đe doạ thường xuyên. Làm sao để nông dân vừa chủ động chăn nuôi có hiệu quả, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xuất hiện gây hại và có sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng. Với mục tiêu đó, người chăn nuôi dần thay đổi tư duy và thực hiện thành công nhiều mô hình mang tính bền vững. Có giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao hiệu quả và dần khẳng định vị thế của ngành trên thị trường.

Mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi gia súc của Công ty TNHH SX TM DV Phúc Thịnh Vượng (ấp Gia Tân, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng) áp dụng đã có hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Thịnh, Giám đốc Công ty Phúc Thịnh Vượng cho biết, đây là mô hình tiên phong và đã thành công quá trình chủ động chăn nuôi, đưa vào giết mổ, tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch, an toàn, bảo đảm sức khoẻ cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ði vào hoạt động từ năm 2016, trong diện tích rộng gần 6.000m2, bằng mô hình chăn nuôi giống bò ngoại, Công ty triển khai các hạng mục giết mổ và cung ứng sản phẩm thịt bò và bò viên đạt tiêu chuẩn VietGAP cho thị trường. Ðến nay, công ty dần mở rộng được khách hàng, cung ứng, sản xuất thực phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Ðể bảo đảm có được nguồn nguyên liệu ổn định, công ty nuôi gần 50 bò đực, 70 con bò sinh sản, 400 bò thịt giống Thái và Úc. Quy trình chăn nuôi được công ty áp dụng theo hướng hiện đại, đạt chuẩn VietGAHP. Ngoài ra, con giống được công ty kiểm soát nghiêm ngặt và được nhập từ những trang trại có uy tín. Ðể sản phẩm thịt bò đạt chất lượng, thức ăn được chọn mua kỹ lưỡng, nước uống được thực hiện quan trắc định kỳ...

Ðến thời điểm này, sản phẩm của công ty được cung ứng thường xuyên tại hệ thống LOTTE Mart, hệ thống BigC, siêu thị Emart Gò Vấp, siêu thị Bách Hoá Xanh... Dự kiến sản lượng cung ứng cho thị trường đạt khoảng 1.958 tấn/năm.

Bên cạnh đó, nhiều gia trại, trang trại nuôi heo dần sử dụng công nghệ trại lạnh, kín, tự động hoá các khâu cho ăn, uống; có quy mô lớn, tập trung; giảm chi phí quản lý, nâng cao năng suất lao động. Trên địa bàn tỉnh đã có 15 trang trại heo được cấp giấy chứng nhận VietGAHP.

Ông Trương Ngọc Hải, chủ trang trại, đang thực hiện mô hình chăn nuôi heo kết hợp theo hướng bền vững tại ấp Ninh Hưng 1 (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu) cho biết, gia đình theo nghề nuôi heo hơn 20 năm qua. Vài năm trở lại đây, gia đình ông liên kết với Công ty CP Việt Nam, đầu tư trại lạnh nuôi 2.500 con heo theo quy trình kỹ thuật tiên tiến. Ba năm trước, trại heo này được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, sản phẩm xuất ra thị trường luôn đạt tiêu chuẩn quy định.

Thấy xung quanh trại heo còn đất trống, ông Hải đào ao nuôi cá trê, cá tra, cá hường, tận dụng phế phẩm làm thức ăn. Ông còn lập vườn cây ăn trái gần trại heo, sử dụng phân chuồng bón cây. Vườn có 200 cây măng cụt, bưởi da xanh, chôm chôm thái. Mỗi vụ, ông Hải thu lợi nhuận từ vườn cây ăn trái khoảng 500 triệu đồng. Ông Hải chia sẻ, cây ăn trái ở đây được canh tác theo hướng sạch nhờ dùng phân hữu cơ, hạn chế tối đa phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật.

Giết mổ bò tại lò mổ của Công ty Phúc Thạnh Vượng. Ảnh do công ty cung cấp.

Ở ấp Trường Xuân (xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành) có mô hình chăn nuôi áp dụng quy trình và phương pháp theo hướng hiện đại giúp nâng cao chất lượng sản phẩm rất đáng được nhân rộng. Ðó là mô hình nuôi vịt thương phẩm, với hơn 9.000 con trên sàn, kết hợp thả cá, cho hiệu quả cao.

Anh Trương Tấn Lợi, chủ trang trại cho biết, so với cách nuôi truyền thống trong ao, hồ thì phương thức nuôi vịt trên sàn ít thiệt hại do dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống đến lúc bán đạt trên 95%, đàn vịt lớn đều, dễ bán, đáp ứng nhu cầu của thị trường, hiệu quả kinh tế rất khả quan. Từ lúc thả giống đến khi xuất chuồng (khoảng 2 tháng), trừ hết chi phí, mỗi vụ anh Lợi thu lãi trên 100 triệu đồng.

Ngoài ra, để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, anh Lợi kết hợp đào ao nuôi cá trê và cá rô đầu nhím tiêu hao hết nguồn phân từ vịt thải ra, tăng thêm thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhờ mô hình này, anh Lợi tiết kiệm được 50% chi phí. Cứ thu hoạch 2 lứa vịt là anh thu được một lứa cá với sản lượng lớn khoảng 15 tấn cá trê, 30 tấn cá rô, được thương lái thu mua với giá cao.

Nhờ áp dụng mô hình nuôi vịt trên sàn kết hợp với thả cá theo hướng an toàn sinh học nên được thương lái đánh giá cao so với vịt nuôi theo cách truyền thống.

Phát triển theo hướng bền vững

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2018, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, theo hướng bền vững nâng cao chất lượng sản phẩm và hướng đến bảo vệ môi trường, đồng thời, với sự gia tăng về chăn nuôi gia trại công nghiệp quy mô lớn,  số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần.

Cùng với việc mở rộng quy mô chăn nuôi, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chọn tạo giống, thức ăn chăn nuôi được các doanh nghiệp chăn nuôi chú trọng đầu tư. Hiện nay, năng suất của một số loại vật nuôi đã được cải thiện đáng kể. Người chăn nuôi bắt đầu chú trọng đến an toàn thực phẩm, nói không với chất cấm, kháng sinh. Ðồng thời, đã bắt đầu xuất hiện liên doanh liên kết mới theo hướng liên kết dọc - tức là liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và thị trường.

Cũng theo Sở NN&PTNT, hiện ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, chăn nuôi khép kín. Ðến nay, tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp chiếm trên 70% so với tổng đàn, nhất là gia cầm (68,9%) và heo (75,6%) với 1.498 trang trại, gia trại. Ngành chăn nuôi chuyển biến mạnh từ nội tiêu sang khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Ðể bảo đảm tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt chỉ tiêu đề ra, ngành chăn nuôi không chỉ tăng quy mô đàn vật nuôi mà cần phải tăng quy mô nuôi trang trại, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, tổ chức chăn nuôi theo chuỗi liên kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Trong đó, heo là vật nuôi còn tiềm năng phát triển ở tỉnh Tây Ninh nên một số doanh nghiệp của Thái Lan, Indonesia... cũng đang có hướng đầu tư xây dựng những trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, cần phát triển mạnh chăn nuôi bò vì nguồn cung thịt bò đang thấp hơn cầu, nhất là cung cấp cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh.

Ðồng thời, chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, gia trại phù hợp với từng loại vật nuôi, từng huyện; phát triển chăn nuôi theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp (đặc biệt đối với heo và gà), có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

THANH NHI