BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngành chức năng Tây Ninh trả lời cử tri

Cập nhật ngày: 26/08/2018 - 15:48

BTNO - Ngành chức năng vừa có văn bản trả lời những ý kiến, thắc mắc của cử tri về một số vấn đề về BHYT và đào tạo sau đại học.

Về việc trích phần trăm BHYT ở trường học

Mới đây, cử tri có ý kiến phản ánh cho rằng hiện naỵ, một số trường học không có nhân viên y tế chuyên trách thì không được trích phần trăm tiền BHYT để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Điều này là không công bằng giữa các trường. Cử tri đề nghị ngành chức năng giải thích vì sao có sự phân biệt như trên? Số tiền trích phần trăm BHYT không chi cho trường thì ai quản lý? Quyền lợi của học sinh ở các trường không được trích phần trăm BHYT có được bảo đảm so với trường được trích phần trăm BHYT hay không?

Những thắc mắc của cử tri được UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan hữu quan trả lời.

Cụ thể, Điểm 1 Điều 18, Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, ngày 24.11.2014 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế quy định:

“1. Cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (trừ cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tổ chức y tế cơ quan có họp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT) được cấp kinh phí từ quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các đối tượng do cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có ít nhất một người chuyên trách hoặc kiêm nhiệm hoặc hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, trình độ tối thiểu là trung cấp y;

b) Có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho các đối tượng do cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập, làm việc tại cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”.

Việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh đòi hỏi phải có người am hiểu chuyên môn về ngành y nhằm tránh những sự cố ngoài ý muốn. Nếu các cơ sở giáo dục không đủ các điều kiện theo quy định tại Điểm 1 Điều 18 nêu trên thì không được trích phần trăm tiền BHYT để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Phần kinh phí này sẽ được chuyển vào Quỹ BHYT để chi khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh, trong đó có học sinh.

Về đào tạo sau đại học đối với giáo viên

Cử tri thắc mắc: căn cứ Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND ngày 26.5.2015 của UBND tỉnh Tây Ninh ban hành quy định về chính sách đào tạo sau đại học và thu hút nhân tài, có trường hợp cán bộ viên chức ở trường tiểu học đăng ký kế hoạch theo quy trình, sau đó tham dự thi tuyển và đã trúng tuyển tại các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, khi liên hệ Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Nội vụ thì được cho biết là những đối tượng này không được hỗ trợ kinh phí, vì tỉnh chỉ hỗ trợ cho những người giảng dạy cấp trung học phổ thông trở lên và phải nằm trong diện cán bộ quy hoạch; còn những người giảng dạy từ cấp trung học cơ sở trở xuống thì không được hỗ trợ. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng trả lời cụ thể vấn đề này.

Thắc mắc trên được cơ quan hữu quan trả lời cho biết, thực hiện các quy định hiện hành về việc cử đi học và hỗ trợ kinh phí đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức, từ năm 2016 đến nay, đối với giáo viên đang giảng dạy ở bậc mầm non và bậc tiểu học, UBND tỉnh không thực hiện hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao trình độ sau đại học cho trường hợp nào với các lý do sau:

Thứ nhất là yêu cầu về tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của chức danh nghề nghiệp: Đối với vị trí giáo viên đang giảng dạy ở bậc mầm non chỉ cần tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non; đối với giáo viên đang giảng dạy ở bậc tiểu học chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

Thứ hai, số lượng giáo viên ở các bậc học này rất nhiều, trong khi nguồn kinh phí ngân sách tỉnh được phân bổ hàng năm để thực hiện hỗ trợ đào tạo sau đại học cho cán bộ, công chức, viên chức là có hạn; đồng thời tính chất đặc điểm của giáo viên đang dạy ở bậc mầm non hoặc bậc tiểu học là dạy tổng hợp, khó bố trí được giáo viên khác dạy thay khi đa số giáo viên mầm non, tiểu học đều đăng ký đi học dài hạn cùng lúc.

Thứ ba, trước khi ban hành danh mục các lĩnh vực đào tạo sau đại học của tỉnh hàng năm, UBND tỉnh đều lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị và các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh. Tất cả các cơ quan, đơn vị đều thống nhất đối với nội dung này nhằm bảo đảm nguồn chi trong điều kiện kinh phí đào tạo có hạn, cần được sử dụng có trọng tâm và hiệu quả cao nhất.

Đình Chung