Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vụ “Bất lực nhìn vườn cao su chết dần”:

Ngành chức năng vào cuộc 

Cập nhật ngày: 24/02/2017 - 14:56

BTNO - Mới đây, đoàn kiểm tra với các thành phần đại diện các ngành chức năng của tỉnh và huyện Tân Biên đã đến vườn cây cao su của ông Nguyễn Văn Tấn và hầm mỏ của Doanh nghiệp Kim Nhung kiểm tra thực tế, theo phản ánh của ông Tấn về tình trạng cây cao su bị chết, và kiểm tra sự chấp hành theo quy định về khai thác khoáng sản của Doanh nghiệp Kim Nhung.

Đất của anh Tấn bị sạt lở giáp khu khai thác.

Sau khi đến quan sát vườn cây cao su của ông Tấn và hiện trường khai thác khoáng sản của Doanh nghiệp Kim Nhung, đoàn tiến hành lập biên bản với nội dung sau: Về hiện trạng, đoàn ghi nhận xung quanh khu mỏ của Doanh nghiệp Kim Nhung, giáp với đất của ông Tấn, doanh nghiệp lập hàng rào kẽm gai, trụ xi măng chôn trên mặt đất tự nhiên của ông Tấn khoảng 1m. Từ hàng rào kẽm gai ra hầm đất khoảng 3m.

Quan sát bằng mắt thường, cao su của ông Tấn có cây chết, cách hàng rào khoảng 4m đến 5m. Tại vị trí này, đoàn quan sát thấy cả cây cao su sống cách hàng rào khoảng 2m phát triển bình thường. Riêng một số cây cao su chết trước đây có hiện tượng tái sinh.

Theo ý kiến của cán bộ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cây cao su của ông Tấn có dấu hiệu của bệnh nấm hồng. Tại khu vực cây cao su chết, mặt đất có kết cấu địa chất sỏi phún lộ thiên, vườn cây chăm sóc kém. Biên bản cũng ghi nhận ý kiến ông Tấn, cây cao su của ông chết khoảng tháng 3, tháng 4.2016.

Ông Tấn đề nghị cơ quan chức năng đo độ sâu hầm mỏ mà Doanh nghiệp Kim Nhung khai thác, đồng thời tìm ra nguyên nhân cây cao su chết. 

Trường hợp độ sâu hầm mỏ khai thác sai với hồ sơ thiết kế cho phép thì chi phí Doanh nghiệp Kim Nhung chịu và bị xử lý theo quy định. Việc đo đạc phải được sự giám sát của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và ông Tấn. Nếu cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân cây cao su chết do Doanh nghiệp Kim Nhung thì Doanh nghiệp Kim Nhung phải chịu chi phí.

Về độ sâu khai thác, đoàn kiểm tra thống nhất thuê đơn vị có chức năng đo đạc xác định độ sâu hiện trạng khu vực được cấp phép. Sau khi có kết quả, UBND huyện tiến hành công bố cho ông Tấn biết và báo cáo UBND tỉnh. Về cây cao su chết, đoàn kiểm tra giao Sở NN&PTNT tìm ra nguyên nhân, thông báo kết quả về Sở TN&MT, sau đó báo cáo UBND tỉnh và thông báo cho người dân biết.

Về việc xác định mạch nước ngầm, đoàn kiểm tra thống nhất giao Sở TN&MT xác định cụ thể mạch nước ngầm, báo cáo về UBND tỉnh. Về việc ông Tấn yêu cầu Doanh nghiệp Kim Nhung đắp đê bao, đoàn kiểm tra thống nhất giao UBND huyện mời Doanh nghiệp Kim Nhung và ông Tấn làm việc, tìm ra giải pháp tốt nhất giải quyết.

Được biết, trước đó ông Tấn có đơn phản ánh đến Báo Tây Ninh nghi ngờ Doanh nghiệp Kim Nhung khai thác hầm mỏ làm ảnh hưởng đến vườn cây cao su của ông. Nội dung sự việc đã được đăng trong bài viết “Bất lực nhìn vườn cao su chết dần” số báo ngày 8.2.2017.

Đức Tiến – Quốc Sơn

Tin liên quan
  • “Bất lực” nhìn vườn cao su bị chết dần 

    “Bất lực” nhìn vườn cao su bị chết dần

    Vừa qua, Báo Tây Ninh có nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Tấn, ngụ tổ 1, ấp Hoà Lợi, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Trong đơn, ông Tấn cho rằng, vườn cao su nhà mình có hơn 70 cây bị chết và ranh đất bị sạt lở, nghi do bị ảnh hưởng bởi việc khai thác khoáng sản của một doanh nghiệp kế bên.