Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thực hiện Nghị quyết 29:

Ngành Giáo dục đã hoàn thành 3 chỉ tiêu quan trọng 

Cập nhật ngày: 24/10/2018 - 06:18

BTN - Vừa qua, Báo Tây Ninh đã đăng tải một số thông tin xung quanh việc thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện ngành Giáo dục. Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29, ngành Giáo dục tỉnh đã làm được nhiều việc nhưng cũng còn không ít vấn đề đặt ra. Nhìn rộng ra, có những hạn chế, bất cập diễn ra trong cả nước, không chỉ trong phạm vi một địa phương.

Tuyên dương giáo viên giỏi, học sinh giỏi huyện Tân Biên năm học 2016 – 2017.

ÐẦU TƯ CHO TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT

Theo đánh giá của UBND tỉnh, 5 năm qua, toàn ngành Giáo dục nghiêm túc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục và Ðào tạo.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành có liên quan, việc đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đã được chú trọng đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Trường học, lớp học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, lớp học 2 buổi/ngày phát triển và mở rộng ở mọi địa bàn dân cư.

Các chính sách đối với người dạy, người học được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập được bảo đảm. Ngành Giáo dục đã tổ chức thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non, đưa trẻ mầm non ra lớp đạt được chỉ tiêu đã đề ra. Các cấp, bậc học thực hiện tốt việc nuôi dạy phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý, yêu cầu phát triển thể lực và hình thành nhân cách cho trẻ, duy trì vững chắc tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Chương trình giáo dục phổ thông tiếp tục được thực hiện có hiệu quả theo hướng chuẩn hoá, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên. Ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, nâng cao hiệu quả dạy học, chú ý hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học của Trường phổ thông Dân tộc nội trú và Trường Khuyết tật tỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha.

Trong giáo dục nghề nghiệp, chất lượng công tác dạy nghề ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm văn hoá thể thao và học tập cộng đồng ngày càng được nâng cao về chất lượng. Hoạt động giáo dục nghề nghiệp được tổ chức với các nội dung phong phú, thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao năng lực thực hành cho người học. Nội dung giáo dục trong các trường cao đẳng, trung cấp ngày càng được triển khai theo hướng hiện đại, phù hợp với từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội.

Ðến nay, ngành đã phấn đấu đạt được 3/4 chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội X Ðảng bộ tỉnh. Chỉ tiêu đạt được bao gồm: tỷ lệ trẻ em 6 tuổi ra lớp hằng năm; phổ cập mẫu giáo 5 tuổi và công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

PHÂN LUỒNG SAU THCS KHÔNG ÐẠT

Ngoài các chỉ tiêu đạt, còn một chỉ tiêu chưa đạt là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp trung học cơ sở học tiếp lên trung học phổ thông và trung cấp nghề đến năm 2020 (chỉ tiêu 100%) nhưng năm 2017 mới đạt 96,6%.

Lãnh đạo UBND tỉnh nhìn nhận, việc thực hiện Nghị quyết 29 còn có những khó khăn, hạn chế, đó là việc tổ chức loại hình lớp học 2 buổi/ngày tuy có tăng nhưng tỷ lệ ở cấp THCS vẫn chưa cao, và công tác phân luồng học sinh sau THCS dù có chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế nêu trên là khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên một số trường không thể thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Công tác phân luồng, hướng nghiệp sau trung học cơ sở còn gặp nhiều khó khăn do phụ huynh học sinh chưa coi trọng việc học nghề của học sinh. Ngoài ra, chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu thực tế nên không thu hút được người học.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là môn ngoại ngữ, ngành Giáo dục cần tiếp tục triển khai giảng dạy tiếng Anh theo Ðề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” và Quyết định số 2080/QÐ-TTg ngày 22.12.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Tây Ninh tiếp tục sắp xếp và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ngành Giáo dục đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục nhằm huy động, phân bố và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục.

Tỉnh cũng xác định, tiếp tục chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá và tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục. Thực hiện triệt để việc phân cấp, tăng quyền tự chủ cho các trường, quyền tự chủ cho giáo viên trong thực hiện chương trình, điều chỉnh nội dung, yêu cầu các môn học và các hoạt động giáo dục một cách linh hoạt, bảo đảm tính vừa sức, phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện thực tế của từng đơn vị.

Ðối với giáo dục mầm non, tiếp tục triển khai thực hiện 2 đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2017-2020” và “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2017-2020”. Trong những năm tới, các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh, nâng tỷ lệ người biết chữ và hoàn thành chương trình sau xoá mù chữ cho đối tượng 15-60 tuổi.

Ðể thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu trên, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về yêu cầu, nhiệm vụ và tầm quan trọng của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới. Cán bộ, giáo viên phải tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Chú trọng xây dựng trường học thân thiện, môi trường giáo dục an toàn, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp, đổi mới kiểm tra đánh giá phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học; xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục, tiếp tục mở rộng loại hình trường, lớp 2 buổi/ngày.

Ngành Giáo dục tăng cường công tác giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khoẻ cho học sinh. Bằng nhiều hình thức khác nhau, tập trung  đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đi đôi với công tác hướng nghiệp nhằm tăng tỷ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ðể khắc phục tình hình thiếu giáo viên mầm non, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nội vụ bổ sung biên chế giáo viên mầm non cho Tây Ninh, vì sau khi sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục vẫn không bảo đảm số biên chế giáo viên mầm non.

Trong ảnh, giờ thực hành của học viên Trường trung cấp Nghề Nam Tây Ninh.

Liên quan đến chủ trương và hiệu quả của công tác phân luồng học sinh sau THCS, có một điều cần nhắc lại, đó là ngày 5.12.2011, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 10 về “Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng sau trung học cơ sở và xoá mù chữ cho người lớn”. Trong mục tiêu cụ thể, Chỉ thị số 10 có nêu: “...

Năm 2020, huy động được 99,7% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, tỷ lệ lưu ban và bỏ học ở tiểu học dưới 0,5%. 100% đơn vị cấp tỉnh, 100% đơn vị cấp huyện và 99,5% đơn vị cấp xã phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi theo quy định của Chính phủ. Tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,8%; tỷ lệ lưu ban và bỏ học ở bậc trung học cơ sở dưới 1%; phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề, xoá mù chữ cho 1 triệu người từ 36 tuổi đến hết tuổi lao động”.

Ðối chiếu với các mục tiêu cụ thể trong Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị, có một mục tiêu rất quan trọng nhưng Tây Ninh (thực ra không riêng gì Tây Ninh) chưa đạt được, đó là phân luồng học sinh sau THCS. Dù đã tìm nhiều giải pháp, kể cả vận động, tuyên truyền lẫn ban hành chính sách khuyến khích nhưng tỷ lệ học sinh sau THCS đi học nghề chiếm một con số rất thấp, khoảng từ 3% - 5%.

Tháng 3.2018, Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện đợt giám sát chuyên đề về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 đối với một số sở, ban, ngành có liên quan. Tại thời điểm đó, giải trình với đoàn giám sát, lãnh đạo Sở GD-ÐT cũng thừa nhận việc đạt chỉ tiêu 30% học sinh sau THCS vào học nghề là rất khó. Chỉ còn chưa đầy hai năm nữa là đến năm 2020, đến thời điểm này, có thể chắc chắn rằng, việc huy động 30% học sinh sau THCS vào trường nghề vẫn khó có thể đạt được.

VIỆT ÐÔNG

Tin liên quan