BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết hoạt động năm 2018 

Cập nhật ngày: 03/01/2019 - 20:05

BTNO - Sáng 3.1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh và các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, ngành Nông nghiệp đã đạt được kết quả cao, toàn diện, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn về 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.

Các chỉ tiêu chủ yếu đều vượt kế hoạch năm và cao hơn năm trước. GDP nông- lâm- thủy sản tăng 3,76%, đạt mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Giá trị sản xuất tăng 3,86%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 42,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD.

Về lĩnh vực trồng trọt, các địa phương đã chuyển 105.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,52%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,5%).

Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số sản phẩm bước đầu đã được xuất khẩu, như thịt heo đông lạnh (xuất sang Myanmar), thịt gà (xuất sang Nhật Bản). Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,1%). Giá trị sản xuất thủy sản tăng 6,5%, vượt mục tiêu đề ra (5,29%).

Với ngành Lâm nghiệp, Việt Nam và EU đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6,10%.

Trong năm, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thị trường, nhất là những thị trường lớn và các mặt hàng thịt bò, sữa bán sang Malaysia; thịt heo, gà, trứng bán sang Singapore; thịt heo, sữa, thủy sản, gạo bán sang Trung Quốc... Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017, thặng dư thương mại đạt 8,72 tỷ USD.

Đến cuối năm 2018, cả nước đã giải quyết dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, cả nước có 3.787 xã (42,4%) và 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Trồng chuối xuất khẩu ở Trảng Bàng- Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là tình trạng cơ cấu lại nông nghiệp được triển khai thực hiện chưa đồng đều ở các địa phương; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa phổ biến; công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nhiều nguy cơ rủi ro, trong khi năng lực quản trị, công tác dự báo cung - cầu còn bất cập; chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, việc quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp; khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn.

Trong năm 2019, toàn ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu trên 43 tỷ USD; có 50% xã và ít nhất 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong năm 2018. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phối hợp với BộNN&PRNT gỡ "nút thắt" cho nông nghiệp Việt Nam phát triển, không chỉ để người dân có thực phẩm an toàn, chất lượng cuộc sống được nâng lên mà quan trọng là hướng đến xuất khẩu, nâng kim ngạch cao hơn so với năm 2018.

Năm 2019, ngành Nông nghiệp cần khắc phục những tồn tại trong năm 2018 như: Cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phổ cập giống mới; tổ chức sản xuất liên kết; dự báo và xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời nông sản cho người dân…

Phải tiếp tục tìm tòi, sáng tạo để đạt cao hơn mục tiêu đã đề ra; xóa bỏ những thể chế pháp luật lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam phát triển; việc thực hiện tái cơ cấu cần mạnh mẽ; cần chú trọng xây dựng chương trình mỗi xã một sản phẩm, làm tốt công tác thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam; tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0; chú trọng tiêu chí thu nhập và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong xây dựng nông thôn mới...

Vũ Nguyệt