BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 15 tháng 10:

Cập nhật ngày: 15/10/2017 - 12:07

Ngô Thì Sĩ, tự là Thế Lợi, hiệu Ngọ Phong, sinh ngày 15-10-1726, quê ở Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội. Ông là bố Ngô Thì Nhậm và là bố vợ Phan Huy Ích.

Thuở trẻ, ông nổi tiếng thông minh hiếu học, nhà nghèo. Ông có bài văn trách con quỷ nghèo được khen ngợi và được truyền tụng nhiều đời. Năm 40 tuổi ông đỗ tiến sĩ.

Văn thơ của ông và các con ông thành một phái học gọi là Ngô Gia Văn phái rất nổi tiếng đương thời. Các tác phẩm chính của ông là: "Anh ngôn thi tập"; "Ngọ phong văn tập", "Nhị thanh động tập"; "Việc sử tiêu án"; "Hải Dương chí lược"; "Bảo chương hoành mộ"; "Quan lan thập vịnh".

Ông mất ngày 22-10-1780 tại Lạng Sơn.

* Bà Châu Thị Vĩnh Tế sinh năm 1766 và mất ngày 15-10-1826.

Bà là vợ ông Nguyễn Văn Thoại, một võ quan, một nhà doanh điền lớn. Ông đã thiết kế và tổ chức hàng vạn người đào con kênh lớn ở Nam Kỳ thế kỷ XIX. Riêng kênh Châu Đốc - Hà Tiên dài gần 100km. Nó vừa là sông, tiện cho giao thông vận tải, vừa làm sạch phèn, đưa nước ngọt vào tưới cho một diện tích lớn trồng cấy ở Hà Tiên - Rạch Giá.

Vì bà có công tận tuỵ giúp đỡ ông trong việc xây dựng công trình thuỷ lợi này nên vua Minh Mạng cho lấy tên bà đặt cho kênh Châu Đốc - Hà Tiên là kênh Vĩnh Tế. Năm 1836, nhà vua cho đúc 9 cái đinh lớn đặt ở Huế làm quốc bảo, hình con kênh Vĩnh Tế được chạm vào Cao đỉnh.

Sau khi bà Châu Thị Vĩnh Tế và chồng qua đời, nhân dân đã lập miếu thờ ở chân núi Sam, cạnh đường Châu Đốc - Tịnh Biên (nay thuộc tỉnh An Giang) để ghi nhớ công lao của ông bà.

* "Báo ảnh Việt Nam" của Thông tấn xã Việt Nam có nhiệm vụ giới thiệu với bạn đọc trong nước và ngoài nước về đất nước, con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Số 1 ra ngày 15-10-1954 với tên gọi "Hình ảnh Việt Nam".

Năm 1958 báo đổi thành "Báo ảnh Việt Nam".Từ năm 1959, báo ra hằng tháng bằng các thứ tiếng: Việt, Lào, Khơ Me, Nga, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và ba tháng một kỳ bằng các thứ tiếng Trung Quốc, Đức, Quốc tế ngữ.

"Báo ảnh Việt Nam" ngày càng phong phú về nội dung và đẹp về hình thức thể hiện, thu hút được nhiều bạn đọc là người nước ngoài.

* Ngày 15-10-1964, anh thanh niên công nhân Nguyễn Văn Trỗi bị địch đưa ra pháp trường xử bắn. Anh là một chiến sĩ biệt động Sài Gòn, nhận nhiệm vụ cài mìn tại cầu Công Lý - Sài Gòn, nơi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mắcnamara sẽ đi qua. Kế hoạch bị lộ Nguyễn Văn Trỗi bị bắt.

Trước khi chết anh hiên ngang vạch mặt bọn cướp nước và bán nước, biến pháp trường thành toà án Cách mạng để kết tội bọn Mỹ - Khánh. Vứt bỏ mảnh vải bịt mắt, anh hô lớn: "Đả đảo đế quốc Mỹ!", "đả đảo Nguyễn Khánh!", "Việt Nam muôn năm!" và hô to ba lần "Hồ Chí Minh muôn năm!".

"Sống như anh" đã trở thành gương phấn đấu của thanh niên Việt Nam. Ngay sau khi anh Trỗi mất, ngày 17-10-1964. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã truy tặng anh danh hiệu Anh hùng và Huân chương Thành Đồng hạng nhất.

Thế giới

* Nhà thơ Nga Lécmôntốp sinh ngày 15-10-1814 trong một gia đình quý tộc, bị sát hại trong cuộc đấu súng năm 1814.

Ông có nhiều năng khiếu: Thơ ca, hội hoạ, âm nhạc và sáng tác văn học rất sớm.

Thơ, văn, kịch của Lécmôntốp chứa đầy tinh thần bất bình, phản kháng, chống lại chế độ phong kiến chuyên quyền, độc đoán. Lécmôntốp thiết tha với vận mệnh đất nước hướng về nhân dân với niềm tin vào tương lai.

Trong 13 năm hoạt động văn học, ông để lại tác phẩm có nhiều giá trị, đưa văn học Nga tiến lên một bước mới, xứng đáng là người kế tục xuất sắc thiên tài Puskin.

Bạn đọc Việt Nam đã quen biết Lécmôntốp qua bài thơ "Cái chết của nhà thơ" và tiểu thuyết "Nhân vật của thời đại chúng ta".