BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 15 tháng 2:

Cập nhật ngày: 16/02/2017 - 08:06

Ngày 15-2-1961, tại chiến khu Đ ở Nam Bộ, một hội nghị quân sự quan trọng được tổ chức để thống nhất các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng ở miền Nam (lúc này có đủ ba thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích).

Hội nghị quyết định: Thống nhất tất cả các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam thành "Quân giải phóng miền Nam" và đặt dưới sự chỉ huy chung là Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đại biểu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã trao cho quân đội và các binh chủng thuộc quân giải phóng các lá quân kỳ có dòng chữ: "Giải phóng quân anh dũng chiến thắng".

* Ngày 15-2-1947, khai mạc Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ nhất do Tổng quân ủy triệu tập. Hội nghị đã xác định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong quân đội, đặt hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội từ Tổng quân ủy đến mỗi chi bộ.

Xác định nhiệm vụ lãnh đạo quân sự và nắm vững quân đội của mỗi đảng viên, đặt mối quan hệ giữa hệ thống Đảng trong quân đội và các địa phương; củng cố quân đội chủ lực và chấn chỉnh tổ chức dân quân; tổ chức chính trị viên từ trên xuống dưới, đào tạo cán bộ quân sự và ra tờ báo "Vệ Quốc quân" (là báo Quân đội nhân dân hiện nay) làm cơ quan giáo dục toàn quân. Hội nghị cũng quyết định 12 điều kỷ luật dân vận và 10 nhiệm vụ công tác chính trị trong quân đội Cách mạng.

* Ngày 8-2-1967, Tổng thống Mỹ Giônxơn đã gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 15-2-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư trả lời tổng thống Mỹ.

Bằng những lời đanh thép, Hồ Chủ tịch đã vạch trần âm mưu xảo quyệt, ngoan cố của đế quốc Mỹ và khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Người chỉ rõ: "Chính phủ Mỹ đã gây ra chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đưa đến hoà bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược. Nếu chính phủ Mỹ muốn nói chuyện thì trước hết Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà".

Cuối thư, Người viết: "Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe doạ của bom đạn".

 * Nhà báo, nhà vǎn, nhà hoạt động chính trị Nguyễn Vǎn Nguyễn sinh ngày 15-2-1910 tại tỉnh Mỹ Tho cũ (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), mất nǎm 1953 ở tỉnh Bình Định.

Nǎm 1930 ông là một trong số những Đảng viên đầu tiên của Đảng cộng sản Đông Dương. Trước nǎm 1945, ông viết bài cho nhiều báo ở Nam Kỳ, lên án chế độ thuộc địa của thực dân Pháp nên nhiều lần bị địch bắt, xử án tù. Khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương (tháng 3-1945), ông vượt ngục về sinh sống và hoạt động tại Sài Gòn. Tại đây ông được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ, rồi tham gia lãnh đạo cướp chính quyền và tổ chức kháng chiến ở Nam Bộ. Ông đã giữ các chức vụ: Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ và Đài Phát thanh tiếng nói Nam Bộ, chủ bút báo Cứu Quốc Nam Bộ.

Ông Nguyễn Vǎn Nguyễn còn để lại các tác phẩm: Án mạng đường Bácbiê, Lá rụng về cội, Cán bộ Cách mạng, Tháng Tám trời mạnh thu.

* Liệt sĩ Kim Đồng, tên thật là Nông Vǎn Dền, sinh nǎm 1929, người dân tộc Nùng, quê ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Tham gia Cách mạng từ nǎm 11 tuổi, làm giao thông liên lạc cho các cán bộ hoạt động bí mật.

Tuy còn nhỏ tuổi, Kim Đồng đã cǎm thù giặc và tỏ ra dũng cảm, thông minh - không sợ nguy hiểm, gian khổ, là đội trưởng Đội nhi đồng cứu vong.

Kim Đồng bị địch sát hại ngày 15-2-1943 khi mới 14 tuổi. Tháng 7-1997, Kim Đồng được Nhà nước truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".