BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 15 tháng 9: 

Cập nhật ngày: 15/09/2017 - 08:58

Ngày 15-9-1941, tại rừng Khuôn Mánh, thôn Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), đồng chí Hoàng Quốc Việt, thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II với 36 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 22 chiến sĩ là con em xã Tràng Xá.

Sau một thời gian, Cứu Quốc quân II phát triển lực lượng lên 46 chiến sĩ, được biên chế thành 5 tiểu đội, với trang bị vũ khí còn rất thô sơ, điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn.

Nhưng với tinh thần yêu nước, dũng cảm quên mình, ngay từ ngày đầu thành lập, các chiến sĩ của Trung đội Cứu Quốc quân II đã dũng cảm xả thân quên mình bước vào cuộc chiến đấu với quân thù, lập nhiều chiến công hiển hách: đó là trận đánh ở Đèo Bắp - tiêu diệt tên Đức Phú phản động gian ác; trận đánh ở Mỏ Nùng Lâu Hạ; trận đánh ở Suối Bùn xã Tràng Xá, trận ở Lân Han, trận ở Cây Đa La Hóa…

Ngày 21-3-1945, Cứu Quốc quân II cùng với đông đảo quần chúng nhân dân trong huyện đánh chiếm châu lỵ La Hiên, thành lập chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên ở Thái Nguyên.

* Ngày 15-9-1792, Quang Trung - Nguyễn Huệ từ trần. Ông làm Hoàng đế được bốn năm, hưởng thọ 39 tuổi, miếu hiệu là Thái Võ Hoàng Đế.

Nguyễn Huệ là một trong những nhân vật đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Ông đã chiến đấu liên tục, chiến đấu với nhiều kẻ thù trong và ngoài, xử lý nhiều tình huống hiểm nghèo của đất nước, đưa đất nước thoát khỏi mọi hiểm họa.

Trong suốt hơn 20 năm chiến đấu, ông tin tưởng vào dân chúng, trọng dụng nhân tài, có lòng gan dạ. Ông là vị tướng chỉ đánh thắng, không có bại, là một nhà chiến lược lỗi lạc, là một vị Hoàng đế giỏi trị vì đất nước. Ông đề ra những quyết sách quan trọng nhằm đưa đất nước tiến lên. Nguyễn Huệ còn là một vị anh hùng dân tộc trên nhiều lĩnh vực khác như xây dựng đất nước, đấu tranh cho thống nhất Tổ quốc với cương vị Hoàng đế anh minh.

* Nguyễn Chí Diểu sinh năm 1908, quê ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua đời ngày 15-9-1939 do bị bệnh lao.

Năm 1927, ông tham gia bãi khoá tại trường Quốc học Huế, năm sau ông đắc cử xứ ủy viên Trung Kỳ của Đảng Tân Việt. Năm 1929, một bộ phận của Đảng Tân Việt trở thành Đông Dương Cộng sản liên đoàn, Ông là đảng viên Đảng Cộng sản.

Sau khi ba nhóm cộng sản ở ba kỳ thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông được điều vào hoạt động ở Nam Kỳ, được cử làm Bí thư tỉnh uỷ Gia Định. Ở đây, ông bị Pháp bắt vào tháng 10-1930. Đến tháng 5-1933, toà án thực dân kết án ông tù khổ sai trung thân rồi đày ra Côn Đảo.

Tháng 6-1936, ông được trả tự do nhưng bị quản thúc ở Huế. Tại quê nhà, ông tiếp tục hoạt động, bí mật lãnh đạo các cuộc đấu tranh ở Huế và các tỉnh Trung Kỳ.

* Ngày 15-9-1945, tại Hà Nội,  cơ quan Thông tấn xã Việt Nam được thành lập.

Hiện nay, Thông tấn xã Việt Nam có 61 phân xã ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, hai cơ quan đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hơn 20 phân xã ở nước ngoài, có quan hệ với 35 tổ chức báo chí và hãng thông tấn quốc tế.

Thông tấn xã Việt Nam là thành viên của tổ chức thông tấn xã các nước không liên kết và tổ chức thông tấn xã châu Á - Thái Bình Dương.

Thông tấn xã Việt Nam có 30 ấn phẩm, có kho tư liệu phim gần 600 kiểu phim và nhiều tư liệu quý khác. Mỗi năm in hơn 300 triệu trang tin, 7 vạn bức ảnh cho các báo và gần 20 hãng thông tấn và tổ chức quốc tế.

Trong hai cuộc kháng chiến, Thông tấn xã Việt Nam có nhiều cán bộ phóng viên hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Thông tấn xã Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng.

* Ngày 15-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Phòng quân giới trong Cục quân nhu với hai nhiệm vụ: Thu nhập mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí. Và từ đó ngày 15-9 trở thành ngày truyền thống của bộ đội quân giới Việt Nam.

Từ những xưởng bé nhỏ, phân tán đã quy tụ hình thành các cụm sản xuất vũ khí, hoá chất. Từ sản xuất vũ khí thô sơ đã từng bước chế tạo các loại vũ có uy lực cao như súng đạn chống tăng, súng không giật, súng B40, B41...

Ngày nay, hệ thống các nhà máy thuộc ngành quân giới đã được củng cố và mở rộng với đội ngũ dày dạn kinh nghiệm có trình độ nghề nghiệp cao đang góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.

Ngành quân giới đã được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.

* Ngày 15-9-1973, đồng chí Phiđen Caxtơrô, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng cộng sản Cuba đi thăm vùng giải phóng miền Nam.

Thủ tướng đã đến thăm thị xã Đông Hà, một số nơi đã diễn ra những chiến công oanh liệt của nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam trong năm 1972, nhiều đơn vị anh hùng của các lực lượng vũ trang giải phóng và dự cuộc mít tinh nồng nhiệt của nhân dân Quảng Trị chào mừng Thủ tướng.

Thủ tướng Phiđen Caxtơrô là vị nguyên thủ đầu tiên của một nước bạn tới thăm vùng giải phóng miền Nam.

* Việt Nam trở thành hội viên chính của tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế (viết tắt là IMF) ngày 15-9-1976.

Quỹ này là cơ quan chuyên môn của Liên hiệp quốc, bắt đầu hoạt động từ tháng 3-1947.

Mục đích của Quỹ là giúp đỡ sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, phát triển thương mại quốc tế, điều chỉnh tỷ giá ngoại hối của các nước cho vay theo thời gian ngắn và trung bình.

Vốn của Quỹ tiền tệ quốc tế được xây dựng chủ yếu dựa vào sự đóng góp của các nước thành viên.