BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 16 tháng 6:

Cập nhật ngày: 16/06/2017 - 10:59

Ngày 16-6-1919, Nguyễn Tất Thành chính thức lấy tên Nguyễn Ái Quốc, gửi đến hội nghị Vécxây bản yêu sách của nhân dân Việt Nam đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam, Bản yêu sách gồm 8 điểm:

1. Ân xá toàn thể chính trị phạm Việt Nam

2. Cải cách nền pháp lý Đông Dương.

3. Tự do báo chí và tự do tư tưởng.

4. Tự do lập hội và tự do hội họp.

5. Tự do cư trú ở nước ngoài.

6. Tự do học tập và mở các trường kỹ thuật.

7. Thay chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật pháp.

8. Phải có đại diện người Việt Nam để trình bày nguyện vọng của người bản xứ.

Việc đưa bản yêu sách là đòn tiến công đầu tiên của đồng chí Nguyễn Ái Quốc vào đế quốc Pháp và được đánh giá là "tiếng bom Vécxây". Đó là sự kiện chính trị quan trọng gây xáo động trong thế giới thuộc địa, đồng thời là tiếng sấm mùa xuân, thức tỉnh nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh cách mạng, báo hiệu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta.

* Để tǎng cường khai thác than phục vụ cho chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp bắt công nhân làm thêm giờ, tǎng thêm chuyến xe mà không tǎng lương. Tiếp tục cuộc đấu tranh đã phát động từ đầu nǎm, ngày 16-6-1951 toàn thể công nhân mỏ Hà Tu, Hòn Gai tổ chức bãi công.

Cuộc đấu tranh kiên quyết của công nhân mỏ Hà Tu đã thu được thắng lợi. Chủ mỏ phải tǎng lương cho công nhân 50 xu một ngày, và rút 2 chuyến xe ở những nơi khó làm.

* Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá đã bắn rơi 1 máy bay phản lực A4 của Mỹ ngày 16-6-1967. Đây là đơn vị dân quân gái đầu tiên ở miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ. Hồ Chủ tịch đã gửi thư khen. Sau đó hơn 4 tháng, ngày 2-11-1967, đơn vị này lại bắn rơi 1 chiếc F4 của Mỹ. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, các đơn vị dân quân gái ở Thanh Hoá đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ các loại.

* Ngày 16-6-1994, tại Mátxcơva, hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản giữa liên bang Nga và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được 2 bên ký kết. Hiệp ước này tạo cơ sở pháp lý để phát triển tình hữu nghị truyền thống và sự hợp tác anh em giữa hai nước, thay cho Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô cũ và Việt Nam ký nǎm 1978.

* Lãnh tụ nông dân Nguyễn Trung Trực đã cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống Pháp xâm lược vào ngày 16-6-1868 tại tỉnh Kiên Giang.

Ông chỉ huy nghĩa quân đánh úp đồn Rạch Giá, diệt chủ tỉnh, 4 sĩ quan và 67 lính địch, thu gần 100 súng các loại. Trận đánh tiêu diệt tàu Hy Vọng của Pháp do ông cùng nghĩa quân cải trang trên sông Vàm Cỏ đã chứng tỏ một cách đánh thông minh, sáng tạo và hiệu quả.

Cuộc khởi nghĩa được đông đảo nông dân Nam Bộ hưởng ứng. Song do thế của nghĩa quân và bọn Pháp quá chênh lệch Nguyễn Trung Trực bị sa vào tay giặc. Chúng đưa ông lên Sài Gòn tra tấn và dụ dỗ không được, đã đem ông về Rạch Giá. Ngày 27-10-1868, trước khi bị hành quyết, ông nói một câu nổi tiếng: "Bao giờ nước Nam này hết cỏ, thì mới hết người Nam đánh Tây".

* Hồi 12 giờ 30 phút (giờ Mátxcơva) ngày 16-6-1963, Liên Xô đã phóng lên quỹ đạo vệ tinh trái đất tàu vũ trụ "Phương Đông 6" do Têrêscôva Valentina Vladimirôpna, công dân Liên Xô điều khiển. Tàu vũ trụ đã bay 48 vòng quanh trái đất, ở trong vũ trụ 71 giờ và trở về mặt đất an toàn ngày 19-6-1963.

Valentina Têrêscôva sinh trưởng trong một gia đình nông trang viên ở làng Maxlenicôvô. Khi nghe tin "Con người bay vào vũ trụ" với người anh hùng Gagarin, tiếp theo là Titôp, đang sinh hoạt ở câu lạc bộ hàng không, Valentina quyết định xin ra nhập đội ngũ các nhà du hành vũ trụ, và chị đã được toại nguyện. Chuyến bay "Phương Đông 6" thành công là kết quả của sự rèn luyện kiên trì, gian khổ với tinh thần dũng cảm và sáng tạo.

Valentina Têrêscôva được bầu làm phó chủ tịch Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, Ủy viên Hội đồng hoà bình thế giới, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, Ủy viên Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao. Têrêscô Valentina còn được mệnh danh là "Người phụ nữ của thế kỷ", "Nữ chủ nhân của vũ trụ".