BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 17 tháng 12:

Cập nhật ngày: 17/12/2017 - 08:24

Thiền sư Mãn Giác, tên thật là Lý Trường, sinh năm 1052, viên tịch ngày 17-12-1096.

Thông hiểu cả Nho giáo và Phật giáo nên lúc 20 tuổi ông đã được chọn vào cung dạy Hoàng tử. Ít lâu sau, ông đi tu và được sư Quảng Trí truyền tâm ấn, nối truyền thế hệ thứ 8 dòng thiền Quan Bích, có nhiều học trò theo học.

Vua Lý Nhân Tông và Hoàng hậu rất trọng đãi ông, cho xây cất một ngôi chùa để ông trụ trì, thường gọi ông là Trưởng lão, hay mời đến hỏi han giáo lý và bàn việc nước.

Thiền sư Mãn Giác còn để lại một bài kệ nổi tiếng có tên là "Cáo tật thị chúng" được dịch ra quốc âm như sau:

"Xuân ruổi trăm hoa rụng

Xuân tới trăm hoa cười

Trước mặt, việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi!

Đừng tưởng xuân tàn, hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai".

* Nhà yêu nước Trần Xuân Soạn, sinh năm 1849, quê ở Thanh Hoá.

Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, ông cùng Đại thần Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Hà Tĩnh, rồi về Thanh Hoá chỉ đạo kháng chiến.

Khi nghĩa quân suy yếu, ông sang Trung Quốc, tìm gặp Tôn Thất Thuyết ở Long Châu nhằm tổ chức các toán quân về hoạt động ở biên giới.

Ông mất ở Long Châu ngày 17-12-1923.

* Từ 7h đến 12h ngày 17-12-1946, máy bay thám thính Pháp bay dò xét bầu trời thành phố Hà Nội.

Vào lúc 10h, chúng đem xe ủi đất và cần trục tới phá các ụ chiến đấu của anh em tự vệ phố Lò Đúc. Cùng lúc đó, lính Pháp đến phố Hàng Bún phá các ụ chiến đấu của anh em tự vệ và bắn xả vào đồng bào ta.

Đến 15h, lính pháp ở trong thành nã đại bác vào phố Hàng Bún, Yên Ninh làm sập những dẫy nhà, hàng trăm người bị giết hại.

Đây là hành động khiêu khích man rợ nhất của quân Pháp ở Hà Nội trong đợt khiêu khích của chúng.

* Thiếu tướng, giáo sư, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp sinh năm 1906 tại Hà Nội và qua đời ngày 17-12-1985.

Năm 26 tuổi ông đã là trợ lý giảng dạy bộ môn giải phẫu trường Đại học Y khoa Hà Nội.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã có nhiều đóng góp cho ngành quân y, từ cấp cứu chiến thương, điều trị thương binh, phụ trách bệnh viện đến tổ chức đào tạo cán bộ.

Ông đã viết nhiều sách và có nhiều công trình nghiên cứu về y học. Nổi bật nhất là bộ sách giáo khoa về giải phẫu học (gồm 4 tập) có giá trị lớn cả về thực tiễn mà ông đã biên soạn trong gần 20 năm.

Giáo sư Đỗ Xuân Hợp được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, và được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Thế giới

* Hămphri Đâyvi (Humphry Davy) sinh ngày 17-12-1778 tại nước Anh. Ông bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học từ năm 20 tuổi.

Từ năm 1800 đến 1806 ông nêu lên được nguyên lý cơ bản của một ngành khoa học mới là điện khí hoá học mà ông là người sáng lập. Năm 1808 ông tìm ra phương pháp điện phân muối của các kim loại. Sau đó nhờ phương pháp điện phân, ông chứng minh được bản chất nguyên tố Clo.

Ý kiến của ông về vai trò quan trọng của muối khoáng trong dinh dưỡng của thực vật trở thành những ý kiến cơ bản trong nông hoá học. Ông còn là tác giả của chiếc đèn khí an toàn dùng cho thợ mỏ mang tên ông.

Ông mất ngày 29-5-1829.

* Ngày 17-12-1965, Hội nghị đoàn kết đầu tiên giữa châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh được tổ chức tại La Habana.

* 17-12-1989, lần đầu tiên sau 29 năm, người dân Brazil lại được đi bầu cử và Fernando Collor de Mello đã trúng cử Tổng thống nước này.

* Ngày này năm 1991, Boris Yeltsin và Mikhail Gorbachov đồng ý giải tán Liên bang Xô Viết và tuyên bố thành lập Khối Thịnh vượng chung vào ngày đầu năm mới.