BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 19 tháng 7:

Cập nhật ngày: 19/07/2017 - 07:51

Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội gồm phần lớn đất đai 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận, ngày 19-7-1888. Về tổ chức hành chính, đứng đầu là một viên Đốc lý do thống sứ Bắc Kỳ đề cử và toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm.

* Sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khǎn, thiếu thốn.

Trong tình hình ấy, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh, gia đình liệt sĩ. Ngày 19-7-1947, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập cơ quan Nhà nước của ta phụ trách công tác thương binh - đó là Bộ Thương binh và cựu binh.

Bộ Thương binh và cựu binh có nhiệm vụ: Phát triển phong trào ủng hộ thương binh, xây dựng chính sách thương tật, hưu bổng, trợ cấp cho gia đình liệt sĩ, tìm việc làm cho thương binh; tổ chức các trại thương binh, an dưỡng cho thương binh; lập xưởng chế tạo dụng cụ chuyên môn cho thương binh...

Những nǎm về sau Bộ Thương binh và cựu binh đổi tên là Bộ Thương binh. Và sau này Bộ Thương binh sáp nhập với Bộ Lao động để thành Bộ Lao động - thương binh và xã hội.

* Ngày 19-7-1993, Chủ tịch nước đã công bố Luật Xuất bản. Luật quy định chế độ hoạt động xuất bản có 6 chương, 45 điều. Mục đích của luật là "bảo đảm quyền sáng tạo và phổ biến tác phẩm của công dân, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế lực lượng vũ trang dưới hình thức xuất bản phẩm, góp phần bảo đảm quyền tự do ngôn luận".

Cùng ngày này, Luật Dầu khí cũng được công bố. Luật quy định về hoạt động tìm kiếm, thǎm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Mục đích của luật là bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí nhằm phát triển kinh tế quốc dân, mở rộng hợp tác với nước ngoài.

* Maiacôpxki nhà thơ, nhà viết kịch Nga. Ông sinh ngày 19-7-1893. Ông học hoạ và có thơ xuất bản từ 1912. Những sáng tác đầu tiên mang tính chất dân chủ.

Các tác phẩm của ông gắn liền với con đường Cách mạng vô sản. Với nước Nga Xô Viết. Đó là "Hành khúc", "Những cửa sổ RôxTa", thơ "Tôi yêu", "Về điều này", trường ca "Lê nin", trường ca "Tốt lắm"; tập vǎn xuôi "Tôi khám phá ra nước Mỹ", kịch "Con rệp", và tập luận vǎn "Làm thơ như thế nào" v.v...

Thơ của Maia nổi tiếng thế giới và tác phẩm của ông đã được dịch ra 58 thứ tiếng của các dân tộc ở Liên Xô cũ và 39 tiếng nước ngoài. Maia mất vào ngày 14-4-1930.