BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 22 tháng 9:

Cập nhật ngày: 22/09/2017 - 08:38

Từ ngày 22 đến 29-9-1985 đã diễn ra Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Có 1.250 cán bộ, vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài đã tham dự Đại hội. 42 đoàn vận động viên tham gia diễu hành và một chương trình đồng diễn thể dục với quy mô lớn, với hàng ngàn người tham gia được tổ chức trong lễ khai mạc.

Kết quả đại hội: 27 đoàn được nhận 125 bộ Huy chương các loại, lập 19 kỷ lục quốc gia mới về môn điền kinh, bơi và bắn súng.

* Nhà thơ Hàn Mặc Tử còn có tên là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 tại Lệ Mỹ, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Từ những năm 1930-1931 ông làm thơ và bắt đầu có tiếng tăm. Năm 1932 ông vừa làm việc ở sở Đạc điền Quy Nhơn vừa làm thơ đăng ở tuần báo "Phụ nữ Tân Văn". Năm sau, ông xin thôi việc, rồi vào Sài Gòn, giữ trang văn chương ở các báo "Sài Gòn", "Công luận", "Tân Thời". Được một năm, ông trở về Quy Nhơn, rồi bị mắc bệnh phong, điều trị tại nhà khá lâu không khỏi, ông bị cưỡng bức vào nhà thương Quy Hoà. Các tập thơ xuất sắc của ông là "Gái quê", "Thơ Hàn Mặc Tử".

Ông mất ngày 11-11-1940 khi mới 28 tuổi.

* Nguyễn Đỗ Cung là hoạ sĩ xuất sắc trong thế hệ hoạ sĩ tạo hình nước ta.  Ông học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, và sớm có danh trong những năm 1935, 1936. Ông nhiệt thành yêu nước, tham gia cách mạng, tích cực hoạt động và trải qua các nhiệm vụ: Uỷ viên Ban thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam, Uỷ viên ban chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Viện trưởng Viện Mỹ thuật, đại biểu Quốc hội.

Ông mất ngày 22-9-1977 tại Hà Nội, thọ 65 tuổi, nhận xét đánh giá con người và sự nghiệp ông, hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ viết: "Trong bão táp của sáng tạo nghệ thuật, trong cái phức tạp và gian khổ của công tác cách mạng. Nguyễn Đỗ Cung là một mũi thép sắc nhọn, một cây thông vút ngọn lên cao. Vô tư, liêm khiết, vì mọi người. Nguyễn Đỗ Cung vẫn giữ được trên tranh và trong tâm hồn tính dân tộc đó".