BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 26 tháng 2:

Cập nhật ngày: 26/02/2017 - 09:23

Ngày 26/2/1969, Quân giải phóng tiến công căn cứ địch ở Đồng Dù.

Đồng Dù như tấm cửa sắt giữ phía bắc Sài Gòn. Để bảo vệ căn cứ này, Mỹ đã thiêu huỷ cả một vùng rộng lớn gồm 7 xã, lập hàng rào dây thép gai, hoả lực mạnh và bố trí máy móc điện tử tinh vi nhằm phát hiện bóng người.

Sau 40 phút chiến đấu, Quân giải phóng Gia Định đã biến căn cứ này thành mồ chôn bọn lính "Tia chớp nhiệt đới" Mỹ, diệt 1.270 tên, đốt cháy 4 kho đạn, một kho xăng, phá huỷ 125 máy bay các loại, 179 xe quân sự.

* Từ ngày 26/2 đến ngày 2/3/1973, tại Paris. đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Việt Nam. Hội nghị có đại biểu 4 bên tham gia, 5 nước lớn (Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ), 4 nước trong Uỷ ban Giám sát và Kiểm soát quốc tế (Ba Lan, Hunggari, Canađa, Indônêxia) và Tổng Thư kí Liên hiệp quốc với tư cách là quan sát viên.

Hội nghị đã kí Định ước xác nhận và cam kết tôn trọng các văn bản của Hiệp định Paris. Giá trị của Hiệp định Paris được tăng lên, vị trí của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam được đề cao.
 
* Danh tướng Trần Bình Trọng sinh năm 1259, quê ở làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ông được phong tước Bảo Nghĩa Vương. Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta, kinh đô Thăng Long thất thủ, ông lĩnh nhiệm vụ ở lại Thiên Trường để ngăn chặn đạo quân của Thoát Hoan, trong khi Hưng Đạo Vương đưa vua Trần về Hải Dương chuẩn bị lực lượng chống ngoại xâm.

Ngày 26/2/1285, tướng Trần Bình Trọng chỉ huy một cánh quân chống quân Nguyên ở bãi Tức Mặc, và bị giặc bắt. Quân Nguyên dụ ông đầu hàng sẽ được phong vương, ông khảng khái trả lời: "Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc". Giặc đã sát hại ông khi ông mới 26 tuổi.
 
* Phạm Thái hiệu là Chiêu Lì, người xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Sinh ngày 26/2/1777, qua đời năm 1813. Ông là con một võ tướng thời Lê Cảnh Hưng.

Khi quân Tây Sơn ra Bắc, Phạm Thái tham gia phù Lê, chống Tây Sơn. Bị thất bại và bị truy nã. Ông đã viết: "Sơ kính tân trang" là một tập truyện thơ bằng chữ nôm. Tác phẩm này độc đáo về nhiều phương diện.

Cốt truyện dựa trên cơ sở cuộc đời thực của tác giả. Cảnh vật thiên nhiên và cuộc sống xã hội trong "Sơ kính tân trang" đều có giá trị chân thực lịch sử.

Phạm Thái cũng đã đưa vào tác phẩm một phong cách bút pháp và ngôn ngữ tự do, phóng khoáng, mang màu sắc hiện đại.

* Ngày 26/2/1973, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Australia
 
Thế giới
 
Vichto Huygô (Victor Marie Hugo) sinh ngày 26/2/1802, qua đời năm 1885.

Ông là nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch lớn của nước Pháp và thế giới ở thế kỉ XIX.

Các cuốn tiểu thuyết Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức Bà Paris của ông được bạn đọc nhiều nước ưa thích và đã được dựng thành phim.

Tập thơ Trừng phạt của Vichto Huygô cũng rất nổi tiếng. Ông là người sáng lập ra trường phái văn học lãng mạn, là người theo chế độ cộng hoà dân chủ, đấu tranh mạnh mẽ chống chế độ quân chủ, phải sống lưu vong 19 năm. Vichto Huygô được bầu vào Viện Hàn lâm và Quốc hội nước Pháp. Hài cốt của ông được đưa vào lăng mộ danh nhân Păngtêông.