BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 28 tháng 12:

Cập nhật ngày: 28/12/2017 - 08:07

Phan Đình Phùng sinh năm 1844, quê ở tỉnh Hà Tĩnh, mất ngày 28-12-1895.

Ông đỗ tiến sĩ và làm quan dưới thời vua Tự Đức.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông đã tập hợp nghĩa quân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, căn cứ ở vùng rừng núi Hương Sơn, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo kéo dài gần 10 năm, tiêu biểu cho phong trào Văn Thân chống Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

* Nguyễn Thượng Hiền, tự là Mai Sơn, người làng Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây, sinh năm 1868, mất năm 1925.

Ông thông minh, 16 tuổi đã đỗ cử nhân, năm sau thi Hội, rồi thi Đình và ông đỗ Đình Nguyên. Năm 25 tuổi, ông lại thi đỗ Hoàng Giáp. Vì không muốn ra làm quan, nên sau khi đỗ, ông xin triều đình Huế cho về nghỉ ít năm. Nhưng sau đó, ông bị điều ra và phải nhận làm một chức học quan ở Ninh Bình, sau đó là ở Nam Định.

Vốn sẵn tấm lòng yêu nước, căm thù bọn thực dân nên thời kỳ này ông liên hệ với nhiều sĩ phu yêu nước như các ông Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ...và vận động phong trào kháng thuế ở miền Trung năm 1908, ông đã bị kết án tử hình cùng với Nguyễn Dữ Hàm, nhưng lúc đó Nguyễn Thượng Hiền đã xuất dương sang Trung Quốc.

Năm Mậu Thân (1908) ông cùng với Phan Bội Châu và các đồng chí khác hoạt động cách mạng nhằm chống thực dân ở nước nhà. Suốt thời kỳ ở nước ngoài, ông đã qua Nhật và Xiêm, vận động và tổ chức phong trào cách mạng và vận động du học sinh sang Nhật, sang Trung Quốc để học tập và hoạt động Cách mạng cho nước nhà.

Là một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, ông đã viết rất nhiều bài nội dung chủ yếu nói về tình cảnh mất nước, căm thù giặc, kêu gọi đoàn kết chống giặc...

Năm Ất Sửu (1925), Phan Bội Châu bị mật thám địch bắt và đem về an trí tại Huế. Tin ấy làm cho Nguyễn Thượng Hiền đau xót vô cùng. Vốn đã yếu, ông ngã bệnh nặng và mất ngày 13-11 năm Ất Sửu (tính theo dương lịch là ngày 28-12-1925) tại một ngôi chùa ở Hàng Châu - Trung Quốc, khi ông 57 tuổi.

* Lương Định Của sinh năm 1921, quê ở Sóc Trăng, qua đời ngày 28-12-1975 tại Hà Nội.

Ông đỗ tiến sĩ nông học ở Nhật Bản. Năm 1954, ông cùng gia đình về miền Nam, rồi ra chiến khu và tập kết ra Bắc.

Ông đã làm việc ở Viện Khảo cứu nông lâm, Trường đại học Nông nghiệp. Viện Lương thực và cây thực phẩm. Là một nhà di truyền học, Lương Định Của đã lai tạo thành công nhiều giống lúa mới cho năng suất cao, ngắn ngày, chịu ngập nước và những cây ăn cây ăn quả. Bà con nông dân rất quý mến ông, lấy tên ông đặt cho các giống cây mới như: "Lúa ông Của", "Táo ông Của", "Cà chua ông Của"...

Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

* Ngày 28-12-1989, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khoá 8 đã thông qua Luật báo chí.

Nội dung chủ yếu của Luật quy định: Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí; tổ chức báo chí và nhà báo; quản lý Nhà nước về báo chí và xử lý các vi phạm.

Thế giới

* Kỹ sư Guxtavơ Épphen (Gustave Fiffel) mất ngày 28-12-1923, hưởng thọ 91 tuổi. Ông sinh năm 1832 ở Dijon (Pháp). Là kỹ sư cơ khí, Épphen thực hiện gian hàng triển lãm máy móc trong cuộc đấu xảo thế giới năm 1867 về xây cất cầu cống.

Năm 1886 ông đề nghị dựng một cái tháp bằng thép tại Pari. Khi hoàn thành, tháp cao nhất thế giới lúc đó - 300,65 mét đã mang tên ông: tháp Épphen.

Tháp Épphen là biểu tượng của nước Pháp.

* Xécgây Alếchxanđrơvich Êxênhin (Sergei Alexandrovitsh Esenin) - nhà thơ lớn Nga, sinh ngày 3-10-1895. Từ năm 1924 là mốc đánh dấu cao trào sáng tác của ông. Nội dung thơ ca của Êxênhin thấm nhuần tư tưởng xây dựng chủ nghĩa cộng sản.

Các tác phẩm lớn của ông gồm có: "Nước Nga Xô Viết", "Thơ tứ tuyệt", "Trường ca Anna Xênhêghina", "Bài ca về cuộc hành quân vĩ đại", "Giai điệu Ba Tư"...

Ông được coi là nhà thơ trữ tình tinh tế và thực sự trở thành tài sản quý giá của nước Nga. Ông tự sát ngày 28-12-1925.