BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 29 tháng 11:

Cập nhật ngày: 29/11/2017 - 23:08

Phạm Thận Duật sinh năm 1825 tại Ninh Bình và qua đời ngày 29-11-1885.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông được cử thay mặt triều đình đàm phán với Pháp. Ông là đại thần trong phe chủ chiến, cùng với Tôn Thất Thuyết tổ chức đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, lập căn cứ kháng chiến chống giặc Pháp. Phạm Thận Duật nhận nhiệm vụ ra Bắc bắt liên lạc và tổ chức lực lượng vũ trang. Đi đến đò Hà Trung, ông bị giặc bắt, giải về Huế, rồi đưa ra Côn Đảo. Ông bị ốm và chết ngay trên tàu biển.

Phạm Thận Duật là một nhà yêu nước và là nhà văn hoá của nước ta ở thế kỷ XIX.

* Nhà báo, nhà thơ Hoàng Lộc sinh năm 1922 tại Hải Dương, mất ngày 29-11-1949 tại Phú Thọ.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ (1946), ông vào quân đội và làm phóng viên mặt trận của các tờ báo "Xông pha", "Bắc Sơn", "Vệ quốc quân". Các bài phóng sự của ông được xuất bản năm 1948 trong tập sách nhan đề "Chặt gọng kìm đường số 4" phản ánh sinh động cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947.

Hoàng Lộc được nhiều người biết đến qua bài thơ "Viếng bạn" ngắn gọn chân thực, nói lên lòng căm thù giặc sâu sắc và tình yêu thương đồng đội thiết tha. Đây là một trong số những bài thơ hay của thơ ca thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

* Ngày 29-11-1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp ra quyết định về việc "giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyên vẹn và lâu dài, chống được các biến động có hại của khí hậu, thời tiết, có kế hoạch giữ gìn an toàn", và xây dựng lăng ở khu Ba Đình lịch sử với yêu cầu "Thể hiện được tính cách hiện đại mà vẫn giữ mầu sắc dân tộc, trang nghiêm nhưng giản dị".

* 29-11-1975, thiết lập mối quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ giữa Việt Nam và nước Cộng hoà Síp.

* Ngày 29-11-1977, Khai mạc Hội nghị Văn hoá thông tin vùng các dân tộc ít người. Đại biểu của hơn 60 dân tộc trong cả nước đã về Hà Nội tham dự. Đây là Hội nghị lần đầu tiên bàn về vấn đề văn hoá ở các vùng dân tộc ít người.

* Ngày 29-11-1986, tổ máy số 4, tổ máy cuối cùng của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại được lắp đặt hoàn chỉnh và hoà điện vào lưới điện quốc gia.

Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại được xây dựng từ tháng 10-1981, có sản lượng điện 2 tỷ KW giờ một năm.