BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 3 tháng 5:

Cập nhật ngày: 03/05/2017 - 10:01

Ngày này năm 1916, vụ mưu khởi nghĩa chống Pháp do hai phu sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo dưới danh nghĩa vua Duy Tân đã nổ ra ở Huế.

Cuộc khởi nghĩa có quan hệ mật thiết với Việt Nam Quang phục hội ở các tỉnh Nam Trung Kỳ. Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi có hàng ngàn người tham gia cuộc khởi nghĩa. Ở Huế có tới 2.500 người và ở Đà Nẵng 1.500 người.

Nhân dân Trung Kỳ đã lập nghĩa binh, rèn vũ khí, mua sắm quân nhu, quyên góp tiền, gạo, nhưng kế hoạch bị bại lộ - Thực dân Pháp bắt vua Duy Tân đi đày, các thủ lĩnh nghĩa quân như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phạm Hồng Cương, Phan Thành Tài đều hy sinh.

* Ngô Đức Kế sinh ngày 3-5-1878 ở Hà Tĩnh và qua đời ngày 10-12-1928. Ông là nhà thơ, nhà báo.

Ông đỗ tiến sĩ nhưng không làm quan mà ở nhà dạy học; vận động Duy Tân, liên hệ với nhà yêu nước Phan Bội Châu để tìm đường cứu nước. Ngô Đức Kế là chủ bút báo Hữu Thanh, ông xuất bản sách tiến bộ và sáng tác thơ văn nhằm thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân, Vì thế ông đã bị thực dân Pháp đầy ra Côn Đảo.

 * Ngày 3-5-1931, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã bị mật thám của Pháp bắt ở ga Hàng Cỏ. Ít lâu sau, chúng bí mật thủ tiêu đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc sinh năm 1902, tại phố Bạch Mai Hà Nội, đã tốt nghiệp trường bưởi rồi làm thư ký ở Sở Tài chính Đông Dương. Từ năm 1926, đồng chí tham gia Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Hà Nội. Đến tháng 9-1928 được bầu vào Kỳ bộ Bắc Kỳ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ ở Hà Nội. Tháng 3-1929, là một đảng viên trong chi bộ Cộng sản đầu tiên ra đời tại nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội.

Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930), đồng chí được bầu làm Uỷ viên Trung ương lâm thời, trực tiếp chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, sau đó được phân công làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ.

 * Trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Sài Gòn diễn ra ngày 3-5-1935, một lần nữa "Sở Lao động" lại ra tranh cử, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Văn Tạo. Mặc dù bọn thực dân tìm cách gây trở ngại, nhưng kết quả đã có 4 người của "Sở Lao động" trúng cử.

Đánh giá về sự kiện này, báo cáo của đồng chí Lê Hồng Phong đọc tại Đại hội 7 Quốc tế Cộng sản đã nêu rõ; "Ảnh hưởng của Đảng Cộng sản đã tăng lên trong quần chúng... đây là lần đầu tiên công nhân và nông dân thắng lợi trong việc đưa đại biểu của mình vào hội đồng thành phố Sài Gòn". 

* Ngày 3-5-1968, Bộ Ngoại giao nước ta ra tuyên bố về vấn đề cấp bậc đại biểu, địa điểm, thời gian của cuộc nói chuyện chính thức giữa Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Mỹ. Đồng chí Xuân Thuỷ được Chính phủ cử làm đại diện Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Pari là địa điểm của cuộc nói chuyện và ngày 10-5 hoặc vài ngày sau đó sẽ bắt đầu cuộc nói chuyện chính thức. 

* Ngày 3-5-1983 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về "Hoàn thành điều chỉnh ruộng đất đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ".Ban chỉ thị nêu rõ: Cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường để giải quyết vấn đề "ai thắng ai" giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Chỗ dựa vững chắc để tiến hành cuộc đấu tranh là khối đoàn kết của nông dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ thị còn nêu lên các nhiệm vụ cụ thể là: Hoàn thành dứt điểm điều chỉnh ruộng đất; hoàn thành việc xây dựng tổ đoàn kết sản xuất gắn liền với việc đẩy mạnh xây dựng hợp tác xã tín dụng và hợp tác xã mua bán; củng cố một bước các tập đoàn sản xuất mới ở những nơi có điều kiện; tích cực đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ kinh tế tập thể; tích cực xây dựng và tăng cường cấp huyện; thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh các chính sách của Nhà nước đối với cải tạo nông nghiệp.  

Thế giới

 * Pautốpxki, nhà văn Nga sinh ngày 3-5-1892 và mất ngày 14-7-1968 tại Mátxcơva. Sinh thời ông đã trải qua nhiều nghề để kiếm sống. Đầu những năm 20 khi làm biên tập viên của một tờ báo, tên tuổi ông mới trở nên quen thuộc với độc giả.

Ông cho ra mắt truyện dài "Kara-Buga" và "Côkhiđa". Thành công của hai tác phẩm đã gây tiếng vang, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Từ đây ông dành hết thời giờ để sáng tác. Ông cho ra đời một khối lượng tác phẩm khá phong phú và đa dạng về đề tài và thể loại.

Tác phẩm Số phận của Saclơ Lôngxêvin và Tiểu thuyết phương Bắc là hai tác phẩm về đề tài lịch sử. Tác phẩm ôrest Kipreski, Tarax Sevsencô, Tiểu thuyết về rừng viết về công việc sáng tạo của người nghệ sĩ, đặc biệt tác phẩm Bông hồng vàng gồm những ghi chép, suy nghĩ về công việc của người viết văn đã lập tức thu hút được độc giả trong và ngoài nước.Các tác phẩm của Pautốpxki mang nhiều chất thơ nên thấm vào hồn người một cách nhẹ nhàng tinh tế. 

* Ngày 3-5-1996, Đoàn đại biểu từ 55 nước họp tại Geneva đã đồng ý chấp nhận một số nguyên tắc mới trong việc sử dụng mìn nhưng không chấp nhận lệnh cấm sử dụng mìn hoàn toàn.