BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngày này năm xưa, ngày 9 tháng 2:

Cập nhật ngày: 10/02/2017 - 12:50

Đêm 9-2-1930, cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân đảng lãnh đạo nổ ra ở Yên Bái, tiếp theo là Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình. Ở Hà Nội cũng có đánh bom để phối hợp.

Tại tỉnh Yên Bái, quân khởi nghĩa đã chiếm được trại lính, giết và làm bị thương một số sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp, song không làm chủ được tỉnh lỵ nên hôm sau đã bị quân Pháp phản công và dập tắt. Còn ở các nơi khác, nghĩa quân chỉ tạm thời làm chủ vài huyện lỵ nhỏ nhưng đã bị địch nhanh chóng chiếm lại.

Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng tuy thất bại song đã cổ vũ lòng yêu nước và chí cǎm thù của nhân dân Việt Nam đối với thực dân Pháp và tay sai. Tấm gương hy sinh của các chiến sĩ Yên Bái là sự nối tiếp truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc ta.

* Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu sinh ngày 9-2-1907 tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, qua đời nǎm 1988 tại Hà Nội.

Đồng chí là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Cách mạng Việt Nam, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Đồng chí Trường Chinh có cống hiến to lớn về lý luận Cách mạng, có nhiều trước tác giá trị. Đồng chí còn là nhà báo sắc sảo và nhà thơ với bút danh Sóng Hồng.

* Ngày 9-2-1977, Trung tâm Nghiên cứu khoa học đặt tại Nghĩa Đô, Hà Nội được khánh thành.

Đây là một trung tâm nghiên cứu khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Trung tâm bao gồm các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại đủ sức hoàn thành công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Hiện nay trung tâm là cơ quan khoa học hàng đầu nước ta.

Thế giới

* Phêđo Mikhailôvích Đôxtôiépxki sinh nǎm 1821, qua đời ngày 9-2-1881.

Ông là một nhà vǎn lớn của nước Nga.

Tác phẩm chủ yếu của ông gồm các tiểu thuyết: Tội ác và trừng phạt, Thằng ngốc, Anh em nhà Caramadốp, đã được dịch ra tiếng Việt và được bạn đọc Việt Nam yêu thích.

Goócki đánh giá Đôxtôiépxki là "nhà vǎn thiên tài biết phân tích những bệnh trạng của xã hội thời ông", "là một thiên tài không thể phủ nhận được; với sức biểu hiện như vậy, chỉ có Sêcxpia mới có thể sánh ngang hàng".