BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghĩ suy và hành động trước ngưỡng cửa mùa xuân 

Cập nhật ngày: 29/01/2017 - 17:14

BTNO - Nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh PHẠM VĂN TÂN đã có cuộc trao đổi với Báo Tây Ninh về bước phát triển của tỉnh trong năm Bính Thân 2016, năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2016-2021, với những dấu ấn đáng nhớ trên đường phát triển kinh tế - xã hội của quê hương Tây Ninh, và những phác thảo, định hướng cho năm mới với những tín hiệu mới, lạc quan và hy vọng.

Đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

- Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, trên cương vị người đứng đầu chính quyền tỉnh, ông có nhận định gì về một năm điều hành, quản lý bộ máy Nhà nước tiến hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển tỉnh nhà?

- Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh uỷ, của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, trong năm qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất, tổ chức triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân trong sản xuất kinh doanh, kinh tế - xã hội đã có sự chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, hầu hết các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh giao, trong đó có một số chỉ tiêu tăng, vượt kế hoạch như thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư... Đây là kết quả tích cực trong điều kiện hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được về kinh tế - xã hội năm 2016 là tiền đề quan trọng cho sự phát triển toàn diện trong những năm tiếp theo.

- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua?

- Năm qua, tỉnh ta đã xây dựng và thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội có đổi mới, tạo bước đột phá, phát huy và làm sâu sắc hơn những giá trị, nền tảng phát triển trước đây. Các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư sản xuất phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, nhất là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đã góp phần gia tăng chỉ số GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của nền kinh tế. Tổng thu ngân sách Nhà nước đến 31.12.2016 đạt 111,19% so dự toán, tăng 14,9% so cùng kỳ. Nếu loại trừ ghi thu, ghi chi thì tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 101,4% so dự toán, tăng 4,7% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ 327 triệu USD, tăng 27,3% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 2 tỷ 224 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ (xuất siêu 1,1 tỷ USD); doanh nghiệp tăng cả về số lượng và tổng vốn đăng ký, nhiều dự án tiếp tục mở rộng, tăng vốn hàng trăm triệu đô la Mỹ, đã phản ánh giá trị gia tăng của nền kinh tế, đây là tín hiệu đáng mừng.

Để tạo động lực phát triển, tỉnh đã tích cực kêu gọi đầu tư. Có thể nói, năm 2016 là năm tạo bước đột phá về cải thiện môi trường đầu tư và xúc tiến kêu gọi đầu tư. Tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tổ chức 2 cuộc xúc tiến trong nước, 3 cuộc ở nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ). Đây cũng là năm khởi động việc ký kết hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh, nhất là vào các khu công nghiệp dần tăng cao, đặc biệt là thu hút được các dự án đầu tư về thương mại, du lịch.

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang trao giấy chứng nhận đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

- Thế còn về nông nghiệp, lĩnh vực mang tính truyền thống mà tỉnh ta được xem là có thế mạnh, đồng thời gắn bó với đa số người dân Tây Ninh, Chủ tịch có thể cho biết, năm qua tỉnh ta đã vượt khó và thu hoạch được kết quả ra sao?  

- Đúng là năm 2016, nông nghiệp tỉnh ta đã vấp phải rất nhiều khó khăn, nhất là về biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường. Đầu năm nắng hạn kéo dài, cuối năm mưa lũ gây ngập nặng trên diện rộng đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân và doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng không ít đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, cùng với sự năng động, nhạy bén tiếp thu kiến thức mới, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nông nghiệp tỉnh ta vẫn duy trì phát triển, tuy chỉ đạt xấp xỉ theo kế hoạch nhưng cũng có mức tăng trưởng đáng kể. Cụ thể là giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản đạt 97,7% so với kế hoạch, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 385.657 ha, tăng 2,5% so kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng tăng ở cây mía, đậu phộng, rau đậu các loại, giảm ở lúa, mì, bắp. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 888 ha, bằng 98,9% so với kế hoạch; tổng sản lượng đạt 15.312 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác đạt 3.233 tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Chăn nuôi heo, gia cầm theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, chăn nuôi khép kín tiếp tục phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị ngành chăn nuôi từ điểm xuất phát rất thấp, nay đã chiếm 12,7% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Điều đáng chú ý là lĩnh vực nông nghiệp năm vừa qua đã đánh dấu bước phát triển về tư duy và cách tiếp cận mới trong chỉ đạo, điều hành. Đó là sự tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, chú trọng phát triển nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm, các mô hình mới và kêu gọi đầu tư nông nghiệp hướng đến tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Coi trọng việc gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân và xây dựng, phát triển mô hình nông nghiệp hiệu quả; ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Đồng thời tập trung tiếp xúc với các nhà đầu tư, tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước để định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với thị trường tiêu thụ tạo điều kiện đầu ra sản phẩm cho nông dân. Tỉnh đã kêu gọi và kết nối để doanh nghiệp và nông dân hợp tác đầu tư trồng và bao tiêu sản phẩm chuối xuất khẩu; ký biên bản ghi nhớ với một công ty chuyên xuất khẩu trái cây đông lạnh xây dựng một nhà máy chế biến trái cây với công suất 30.000 tấn/năm và có hướng đưa một số sản phẩm nông nghiệp sang Nhật Bản. Về phía nông dân, chưa kể các mô hình sản xuất tiến bộ, hiệu quả kinh tế khá có mặt ở khắp nơi từ trước, thời gian qua tại một số huyện, thành phố thuộc tỉnh đã hình thành chuỗi cung ứng rau, thịt sạch, phát triển cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch ở 7 huyện, thành phố.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân tặng hoa, chào mừng Phó Chủ tịch Hội đồng thành phố Gimhae (Hàn Quốc) Cho Seong Yoon đến thăm Tây Ninh. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

- Trong năm qua, bạn đọc Báo Tây Ninh đã được biết lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thể hiện rõ nhất, như ông Chủ tịch vừa nói, là tỉnh đã “huy động” các cán bộ đầu ngành, cán bộ lãnh đạo địa phương có tâm huyết đi thâm nhập thực tế, học tập kinh nghiệm nhiều đợt tại các nông trại Organic, các cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch… Theo Chủ tịch, Tây Ninh còn có điều gì cản ngại nông nghiệp đi lên theo hướng công nghệ cao đó không?

- Vâng, đây là vấn đề tôi rất tâm đắc mà cũng rất băn khoăn, trăn trở. Tây Ninh vốn có khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp toàn diện, để công nghiệp hoá nông nghiệp. Chẳng hạn như ít bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, quanh năm ít có thiên tai, thuỷ lợi hoá, cơ giới hoá trên cánh đồng đã đi trước một bước, nhiều nhà nông tỉnh nhà rất nhạy bén với tiến bộ kỹ thuật, kể cả với biến động thị trường để chuyển đổi cách làm ăn cho phù hợp… Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta không thể phủ nhận, đó là sản xuất nông nghiệp của chúng ta “manh mún”, rất khó để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, chúng ta cũng vẫn còn “loay hoay” trong việc khắc phục “điểm yếu”, làm thế nào để từng bước xoá bỏ cách làm ăn “chạy theo thị trường” để rồi phải vất vả với điệp khúc “được mùa - mất giá, được giá - mất mùa” vốn làm khó nông dân từ lâu nay. Chính vì thế trong năm qua, tỉnh ta đã mời các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học trong và ngoài nước như Mỹ, Nhật, Đức đến để nghiên cứu, khảo sát giúp chúng ta tìm ra “lời giải của bài toán khó” ấy, giúp chúng ta xác định vị trí của mình để tìm ra hướng đi phù hợp, hy vọng sẽ tạo ra được bước đột phá, phát huy được thế mạnh “nông nghiệp toàn diện” đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và bước phát triển, tăng trưởng cao cho tỉnh nhà trong tương lai.

- Còn một ngành kinh tế nữa, ngành “kinh tế không khói”, từ lâu nay, nhiều người nói rằng Tây Ninh rất có “tiềm năng du lịch”, và dường như cũng đã qua nhiều năm chúng ta vẫn… rất khó “đánh thức” tiềm năng ấy. Trong năm vừa qua, ngành du lịch đã có chuyển biến gì đáng kể, thưa Chủ tịch?

- Đúng vậy. Điều đó chúng ta đã thấy rõ và suy nghĩ rất nhiều. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, cuối năm 2015 đã có đánh giá “Công tác xúc tiến thương mại - du lịch còn yếu. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu. Khu du lịch núi Bà Đen, du lịch sinh thái hồ Dầu Tiếng, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng” và đề ra định hướng trong Nghị quyết Đại hội là “Phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”; “Quy hoạch, định hướng phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch theo hướng gắn kết và phát huy thế mạnh của địa phương với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thực hiện tốt việc cơ cấu lại ngành du lịch; đầu tư, phát triển nhanh, đồng bộ Khu du lịch núi Bà Đen”. Năm đầu tiên thực hiện theo định hướng này, chúng ta đã từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khai thác tiềm năng du lịch, kêu gọi nhiều thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch. Kết quả bước đầu trong năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, ngành thương mại - dịch vụ - du lịch nói chung đã có mức tăng trưởng đáng kể, cụ thể là thương nghiệp tăng 9,3%, khách sạn nhà hàng tăng 6,6%, dịch vụ tăng 5,4%, ngành du lịch lữ hành tăng 4,9%. Riêng doanh thu du lịch đạt 770 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; khách lưu trú tăng 8,1%, khách lữ hành tăng 15,9% so với cùng kỳ, khách tham quan tại các khu, điểm du lịch hơn 2,68 triệu lượt, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Chúng ta cũng đã tổ chức thành công một loạt chuỗi sự kiện kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển, tạo được sức lan toả lớn về hình ảnh quê hương Tây Ninh với bạn bè trong và ngoài nước.

Trung tâm thành phố Tây Ninh. Ảnh: Đặng Hoàng Thái.

Hướng tới, để có thể tạo bước đột phá trên lĩnh vực kinh tế du lịch, chúng ta cần phải làm ngay việc xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch tỉnh Tây Ninh năm 2017. Đồng thời thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch Tây Ninh; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội. Đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh và quy hoạch Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đến năm 2020. Liên kết với các khu du lịch quốc gia của vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên.

- Nhân cuộc trao đổi trước ngưỡng cửa mùa xuân, mùa thu hút hàng triệu lượt du khách đến dự các lễ hội ở Tây Ninh như Hội xuân Núi Bà, Đại lễ Đức Chí tôn ở Toà thánh Cao Đài, Chủ tịch có thể nói thêm vài nét về quy hoạch Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, cũng như việc liên kết các tuyến điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh ta sắp tới như thế nào?

- Như chúng ta đã biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTg, phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia (DLQG) núi Bà Đen rộng 30km2, nằm ở các phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh, xã Thạnh Tân (thành phố Tây Ninh) và xã Phan (huyện Dương Minh Châu). Khu vực quy hoạch nằm trong các tuyến tỉnh lộ 784, 785, đường Bời Lời và đường Suối Đá – Khedol. Theo quy hoạch, Khu DLQG núi Bà Đen có các phân khu chức năng, gồm: khu tâm linh - lễ hội; khu trường bắn thể thao; khu công viên đô thị; khu tổ hợp du lịch Ma Thiên Lãnh; khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp; khu làng du lịch cộng đồng Khedol và khu trường đua xe mô tô, ô tô địa hình. Quan điểm phát triển Khu DLQG núi Bà Đen là tập trung phát triển nơi đây trở thành một điểm du lịch hấp dẫn và có khả năng cạnh tranh cao, trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về du lịch văn hoá - tâm linh, kết hợp đầu tư khai thác phát triển các loại hình du lịch vui chơi giải trí, khám phá, thể thao và nghỉ dưỡng; bảo tồn và phát huy hiệu quả hệ thống di tích, thắng cảnh và bảo vệ môi trường khu vực. Phát triển Khu DLQG núi Bà Đen trong không gian kết nối với thành phố Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng và các tiềm năng du lịch quan trọng khác của tỉnh như khu Nội ô Toà thánh Cao Đài, khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; đồng thời liên kết chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh và toàn vùng Đông Nam bộ. Tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen với quan điểm lấy Núi Bà làm trọng tâm để phát triển du lịch toàn tỉnh, trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hoá, tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao, du lịch sinh thái và đến năm 2020 cơ bản đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia. Tập trung khai thác thị trường khách du lịch tâm linh, lễ hội; mở rộng thị trường khách du lịch thể thao, vui chơi giải trí, tham quan, khám phá và du lịch sinh thái. Chú trọng thu hút thị trường khách quốc tế đến từ Campuchia, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác đi đường bộ qua các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát của Tây Ninh; đẩy mạnh thu hút khách từ các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, tập trung vào các phân khúc thị trường du lịch thể thao như đua xe, leo núi, nhảy dù lượn… vui chơi giải trí, khám phá và tìm hiểu văn hoá dân tộc. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch chính, gồm: văn hoá, tâm linh; tham quan, khám phá; vui chơi giải trí và thể thao. Đa dạng hoá sản phẩm du lịch với các sản phẩm du lịch bổ trợ như: sinh thái; nghỉ dưỡng, cắm trại; nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử - cách mạng, văn hoá dân tộc… Từng bước hình thành các sản phẩm du lịch liên kết trong tỉnh như: kết hợp tham quan Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, kết hợp với tham quan hồ Dầu Tiếng và căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Trước mắt ngay trong mùa xuân Đinh Dậu này, chúng tôi xây dựng đường Điện Biên Phủ, tức lộ Bình Dương cũ, thành tuyến đường du lịch kết nối hai lễ hội lớn ở núi Bà Đen và Toà thánh Tây Ninh, hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh, lễ hội của du khách gần xa.

Vùng ven TP. Tây Ninh nhìn từ núi Bà Đen. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

- Thưa Chủ tịch, có một chuyện mà những người làm báo chúng tôi cảm thấy hơi lạ, đó là khi tiếp xúc với khách du lịch đến Tây Ninh, họ thường nhận xét là tỉnh ta có hệ thống giao thông rất thuận tiện. Nhưng qua các cuộc tiếp xúc cử tri trong tỉnh, cử tri lại thường có nhiều ý kiến than phiền về đường sá. Chủ tịch có thể cho ý kiến về vấn đề này, vì đây cũng là một trong ba chương trình đột phá về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh?

- Tôi nghĩ rằng điều nhận xét của các nhà báo cũng có phần đúng, nhưng không lạ. Vì vấn đề đường sá, đi lại là nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, dân sinh, nhất là trong giai đoạn địa phương đang phát triển, ắt không tránh khỏi bất cập giữa hoạt động giao thông, phương tiện giao thông ngày càng tăng trong khi việc phát triển hạ tầng giao thông chưa đáp ứng theo kịp. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta đều biết cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong thu hút đầu tư, vì vậy Uỷ ban nhân dân tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông huyết mạch, có tính kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ cho tỉnh mà cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chúng ta đã huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp một số tuyến đường, cầu. Bộ Giao thông - Vận tải khởi động lại dự án đường Hồ Chí Minh, đang triển khai giải phóng mặt bằng và thi công nút giao với đường Xuyên Á; tỉnh đã phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai bước khảo sát lập dự án đầu tư đường tuần tra biên giới dài khoảng 198km từ huyện Tân Châu đi qua huyện Tân Biên, Châu Thành và điểm cuối là xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng và sẽ đầu tư trong kế hoạch 2017-2020; Bộ Giao thông - Vận tải Việt Nam, Bộ Giao thông Công chính Campuchia và UBND tỉnh Tây Ninh đã có cuộc họp xác định điểm đấu nối đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài với đường cao tốc Bavet – Phnom Penh, tỉnh đã có kiến nghị bổ sung quy hoạch kéo dài đường cao tốc từ Gò Dầu đến Xa Mát; trao đổi thống nhất với thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải phương án nâng cấp quốc lộ 22, tỉnh đã đệ trình Bộ này phương án nâng cấp quốc lộ 22B; nghiên cứu đầu tư phát triển tuyến đường kết nối từ tỉnh nhà đi Bình Dương, Đồng Nai (đã đưa vào vốn trung hạn)… Như vậy, nếu những dự án này được triển khai sẽ góp phần quan trọng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới. Tỉnh sẽ tập trung và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, các bộ, ngành để các dự án trên sớm trở thành hiện thực.

Đường hoa - ruộng mía ở Nông trường mía Thành Long. Ảnh: Nguyễn Tường

- Qua trao đổi với Chủ tịch, chúng tôi cảm nhận được hai vấn đề sẽ được tỉnh chú trọng đẩy mạnh trong thời gian tới, đó là tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tạo bước đột phá trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch. Đây cũng là những điều mà cuộc sống đòi hỏi và người dân Tây Ninh rất quan tâm đối với tiền đồ phát triển của quê hương. Trước thềm xuân mới, Chủ tịch có điều gì nói thêm với bạn đọc Báo Tây Ninh?

- Phong tục truyền thống của dân tộc ta bao giờ cũng là sự chia sẻ niềm vui trong cuộc sống và những lời chúc tốt lành trong những ngày đầu năm mới. Qua Báo Tây Ninh, tôi xin thay mặt Đảng bộ, chính quyền tỉnh gửi đến đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhà hạnh phúc và thành công, chúc những điều tốt đẹp nhất đến với mọi người, mọi nhà. Đồng thời cũng mong nhận được sự chia sẻ, đồng cảm, đồng thuận của đồng bào, đồng chí, để chúng ta cùng chung tay, chung sức xây dựng quê hương Tây Ninh ngày càng phát triển giàu đẹp.

- Xin cảm ơn Chủ tịch UBND tỉnh.

Nguyễn Tấn Hùng


Liên kết hữu ích