BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nghĩ về biển đảo quê hương

Cập nhật ngày: 31/05/2016 - 02:26

Thuở nhỏ học Sử ký và Địa lý, tôi đã được biết nước Việt Nam mình hình cong chữ S, nằm sát bên bờ biển Thái Bình Dương, có chiều dài bờ biển khoảng trên 3.200km và hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ là nguồn lợi kinh tế rất lớn của đất nước. Biển thì tôi biết, vì quê nội tôi là vùng biển, hằng ngày tôi vẫn thường đi dọc theo bờ biển, nhìn ngắm hoa muống biển tím biếc và ghe thuyền qua lại, thích thú với những chiếc thuyền thúng và những trưa hè nóng nực, được thoả sức bơi lội vẫy vùng trong làn nước biển trong xanh với những con sóng vỗ bờ tung nước trắng xoá... Còn đảo thì chỉ thấy trên tranh vẽ và trong trí tưởng tượng của tuổi thơ- là nơi hoang vu, có khi có cả cướp biển chiếm cứ làm doanh trại!

Tôi lớn lên, bài học về địa lý cũng lớn dần lên, đi đó đi đây nhiều, tiếp xúc với nhiều tài liệu. Đất nước hoà bình thống nhất, tôi có dịp hiểu sâu hơn về địa lý nước mình, tôi biết cụ thể về biển đảo quê hương. Về biển Việt Nam có bờ biển tiếp liền với biển Đông (tên gọi phân chia khu vực thuộc biển Thái Bình Dương). Biển Đông thuộc loại lớn nhất nhì trên thế giới về mặt diện tích. Quanh biển Đông có 9 quốc gia ven biển: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia.

Tôi đã đi và đến rất nhiều bãi biển của Việt Nam, từ Đồ Sơn, Sầm Sơn, đến Cửa Lò, Thuận Hoá, Nha Trang, Ninh Chữ, Lagi rồi Cần Giờ, Cà Mau... đâu đâu biển cũng đẹp, cũng màu xanh yêu thương, hoà bình, tình yêu biển cứ thấm đẫm, mặn mòi, cùng với những làng chài bình dị và những ngư dân thuần hậu, chất phát, in đậm vào tâm trí.

Tôi cũng đã đến với những hòn đảo hiền hoà xinh đẹp của quê hương như Phú Quý, Hòn Bà (Phan Thiết), xã đảo Thạnh An (Cần Giờ), Phú Quốc (Kiên Giang), còn quá ít oi so với mấy ngàn đảo của đất nước nhưng đều cảm nhận tình cảm hồn hậu, chân thành của những con người “ăn sóng, nói gió”, đối diện hằng ngày với những bất trắc, giận dữ của biển khơi và những công việc lặng thầm lênh đênh trên sóng biển cũng đầy bất trắc và hiểm nguy như ca dao xưa cảm nhận: “Lấy chồng nghề rẫy em theo/ Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm” hay “Khó như nghề ruộng em theo/ Giàu như nghề biển hết chèo hết ăn”, những người ngư dân đánh bắt cá trên biển ở ngoài khơi xa còn là những con người góp phần giữ biển đảo, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc cùng với những người lính biển và cảnh sát biển.

Bỗng yêu hơn những con người ngư dân gan dạ dũng cảm, nhớ những lần theo ghe chài ra đảo. Và mới đây trên chiếc tàu Super-dong ra đảo Phú Quốc, sóng yên bể lặng nhưng khi trời mới quần tụ mây đen, gió hây hây thổi, tàu mới nhồi lắc tí xíu đã nghe bụng dạ nôn nao, đầu óc choáng váng, mới hiểu chuyện đi biển hay ra đảo không hề dành cho người sức khoẻ kém, yếu đuối. Nhưng vẫn muốn được đi, được đến nhiều đảo hơn nữa của đất nước. Và như thế tình yêu biển đảo đã hình thành, gắn với niềm tự hào về biển đảo quê hương.

Đến xem triển lãm về biển đảo, yêu quý những con người giữ đảo, những nơi mà tự xa xưa đã truyền tụng: Chiều chiều ra ngóng biển xa/ Ngóng ai đi lính Trường Sa chưa về”… Và: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về”, xót xa, thương cảm với những ngôi mộ gió, nơi chỉ để tượng trưng cho người đi biển, ra đảo không về và không cả thi hài, thân xác?

Căm tức với những kẻ bá quyền, nước lớn, mưu tính chiếm đóng, xâm lược biển đảo Tổ quốc, nghĩ nhiều về trách nhiệm của những người con nước Việt, luôn hướng về biển đảo. Bỗng nhớ những câu thơ của Nguyễn Việt Chiến trong bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”: “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa”, mong muốn: “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát/ Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời/ Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.

Vâng, tất cả dân tộc vẫn luôn hướng về biển đảo quê hương.

TRẦN HOÀNG VY