BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngọn lửa cải cách đã được lan toả nhiều hơn tới các địa phương 

Cập nhật ngày: 23/03/2018 - 08:51

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 vừa được công bố nói lên nhiều điều về bức tranh môi trường kinh doanh ở nước ta. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra những đánh giá về việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm vừa qua.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Ảnh: VGP/Huy Thắng

Ông đánh giá thế nào về những bức tranh về việc cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2017 vừa qua?

TS. Vũ Tiến Lộc:  Theo tôi, chỉ số PCI 2017 cho thấy bức tranh môi trường kinh doanh có nhiều khởi sắc. Đây là lần đầu tiên điểm trung vị của PCI tăng mức kỷ lục kể từ năm 2005. Hầu hết các địa phương đều có tiến bộ so với chính mình, chỉ số PCI đều tăng và có sự rút ngắn khoảng cách giữ các địa phương ở cuối bảng và đầu bảng. Điều đó cho thấy, cải cách đã được lan tỏa và việc chuyển lửa cải cách về địa phương dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bước đầu thành công.

Điều quan trọng nhất là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được khơi dậy. Có đến 52% doanh nghiệp trong nước và 60% doanh nghiệp nước ngoài cho biết họ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin về môi trường kinh doanh cao nhất từ năm 2011 trở lại đây.

Đáng mừng là trong bức tranh PCI năm nay là cả 5 thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, TPHCM, Đà Nẵng - động lực tăng trưởng của cả nước, đầu tàu kinh tế lần đầu tiên có mặt đông đủ trong nhóm các địa phương dẫn đầu.

Điều đó cho thấy các trung tâm kinh tế lớn đã chuyển động và sự chuyển động của các trung tâm lớn có ý nghĩa rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam mặc dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa được như mục tiêu. Trước hết là tính minh bạch và các thiết chế pháp lý để giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp đang chuyển biến khá chậm trễ. Thứ hai, chi phí không chính thức mặc dù đã giảm trong năm qua nhưng còn đến 59% các doanh nghiệp nói rằng, họ vẫn phải trả các chi phí và vẫn còn 28% số doanh nghiệp cảm thấy chưa hài lòng đối với chất lượng thi hành công vụ của các cơ quan chính quyền.

Đáng lo ngại là gần đây, một số trở ngại mới nổi lên. Đó là, tiếp cận đất đai khó khăn hơn và sự an toàn trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất là vấn đề mà các doanh nghiệp lo ngại. Mặc dù an ninh vẫn được bảo đảm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lo ngại về vấn đề an ninh trật tự và an ninh của một số địa phương.

Điều này đòi hỏi phải có những đột phá tiếp tục về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính ở cấp Trung ương để tạo ra những dư địa mới. Vì vậy, chúng tôi và cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi và kỳ vọng vào quyết tâm đột phá tiếp theo của Chính phủ là yêu cầu tất cả các bộ, ngành phải đưa ra kế hoạch cắt giảm 30-50% các thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh của bộ, ngành mình để tiếp tục tạo ra bước đột phá cho các địa phương.

Một điểm mới là PCI năm nay dành một chương riêng đánh giá chất lượng quản lý của doanh nghiệp dân doanh trong nước. Điều này có ý nghĩa như thế nào thưa ông?

TS. Vũ Tiến Lộc: Qua nghiên cứu của PCI và các nghiên cứu quốc tế khác thì năng lực quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam thuộc loại thấp trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực, cho nên nâng cao quản trị doanh nghiệp đang là yêu cầu rất quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Có thể nói rằng, một trong những thách thức phát triển của Việt Nam trong thời gian tới là làm sao nâng cao được năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân để khu vực này có thể cạnh tranh thắng lợi trong quá trình hội nhập. Chính vì vậy, báo cáo PCI mới có 1 chương riêng này và chúng tôi đưa ra những phát hiện quan trọng.

Đáng chú ý, hiện nay bộ máy chính quyền đã có những chuyển biến nhất định về tư duy tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp dân doanh. Trong đó quan trọng nhất là quan điểm, cái gì doanh nghiệp và người dân làm được thì để họ làm, nhà nước không làm tranh, trả lại công việc cho thị trường, đồng thời thực hiện tinh giản bộ máy. Nhà nước tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Các cơ quan nhà nước đang dần thay đổi cách thức quản lý nặng về kiểm soát sang chú ý nhiều hơn đến sự hỗ trợ thúc đẩy.

Doanh nghiệp Việt cần làm gì để nâng cao quản trị, chính quyền địa phương nên hỗ trợ doanh nghiệp thế nào?

TS. Vũ Tiến Lộc: Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì điều quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp phải chung tay với Chính phủ để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. PCI là ví dụ điển hình của việc đề cao tiếng nói của doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải nâng cấp mình lên để đạt chuẩn quốc tế.

Trong thời gian tới, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp sẽ có những chương trình phối hợp với các bộ, ngành địa phương. Bên cạnh, tham gia xây dựng thể chế để cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn thì có những chương trình đào tạo, hỗ trợ để nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ.

Trong bối cảnh hiện nay, chủ nhân của nền kinh tế Việt Nam cũng như chủ nhân của nền kinh tế thế giới trong thời đại cách mạng công nghệ kỹ thuật số chính là các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, cho nên nâng cao năng lực khu vực này là yêu cầu bức thiết nhất.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn chinhphu