BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người dân muốn công khai, minh bạch về giá điện 

Cập nhật ngày: 30/05/2019 - 18:43

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc về việc tăng giá điện, có ý kiến đề nghị kiểm toán đối với hoạt động kinh doanh của ngành điện.

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, ngày 30/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Phiên thảo luận kéo dài 1,5 ngày. Một số thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề mà đại biểu nêu.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường. (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, năm 2018 đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ thừa nhận những mặt còn tồn tại, hạn chế, trong đó kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường. Còn những hành vi, vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng… gây bức xúc xã hội.

Kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; phối hợp công tác hiệu quả chưa cao; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được ngăn chặn hiệu quả...

Niềm tin bị lung lay

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết rất mừng vì các con số đã đạt được. Đáng ra nhân dân rất hồ hởi nhưng theo ông Hiếu, nhiều cử tri lại tỏ ra hồ nghi, bởi niềm tin bị lung lay nên cái tốt không còn được tiếp nhận theo một cách thông thường nữa. Và niềm tin ấy bị mất đi vì những thực tế hàng ngày diễn ra xung quanh họ, chúng ta có thể có nhiều chính sách vĩ mô tốt để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng những bức xúc hàng ngày của người dân không được giải quyết nên cố gắng của cả một hệ thống bị vài bộ phận nhỏ làm ảnh hưởng.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang). Ảnh: ĐT

Đề cập vấn đề dư luận về giá điện, xăng dầu vừa qua, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, dù Bộ Công Thương có báo cáo việc điều chỉnh giá gần 20 trang với những con số, lập luận để khẳng định Bộ làm đúng, song dẫn chứng bản thân là bác sĩ, ông Hiếu cho rằng nếu đưa ra một phác đồ đúng mà bệnh nhân không tốt lên thì phải xem xét lại, nhiều khi lý thuyết là đúng nhưng khi triển khai lại sai ở mắt xích nào đấy, vì vậy cần dừng lại xem xét, không bảo thủ, che giấu sai lầm.

“Vậy nên khi rất nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công Thương phải xem xét, rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát”, ông Hiếu nói và đặt vấn đề phải chăng tình trạng trên là do sự độc quyền. 

Nêu bức xúc của cử tri về gian lận thi cử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, vị đại biểu đoàn An Giang đề nghị Bộ GD&ĐT xử lý nghiêm, chỉ ra thiếu sót trong kỳ thi và chỉ rõ trách nhiệm cụ thể vì không thể nói lỗi hoàn toàn thuộc địa phương khi gian lận xảy ra ở nhiều tỉnh.

“Nếu phúc tra trên cả nước, tôi tin còn nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua” – ông Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ và nhấn mạnh trong giáo dục, việc đánh giá kết quả hết sức quan trọng nên vừa qua có nhiều cải cách, nhưng phương pháp chưa đúng.

“Đúng sao được khi mà một lớp gần có 100% học sinh đạt loại giỏi. Trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục, chúng ta bàn nhiều về triết lý giáo dục, nhưng trước mắt cần đưa ra nguyên tắc giáo dục đơn giản là nền giáo dục không nói dối. Không thể tạo nên một sản phẩm hoàn hảo khi chấp nhận nói dối ngay từ những năm các con cắp sách đến trường” – ông Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm.

Cần có giải pháp để giữ lạm phát dưới 4%

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn với giải pháp thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% mà Quốc hội đã đề ra. Theo thống kê của Chính phủ, CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, thấp nhất trong 3 năm qua, lạm phát tăng 1,84% so với cùng kỳ. Tỷ lệ lạm phát đầu năm chưa đáng lo ngại nhưng giá điện, xăng dầu (chi phí đầu vào) tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng, tác động mạnh những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng như sản xuất thép, xi măng, thủy sản.

Đề cập đến việc giá điện tăng 8,36%, thuế môi trường, xăng cũng tăng từ đầu năm, đại biểu Yến chỉ ra tác động khi tăng các loại thuế, phí này sẽ làm mặt hàng này, dự kiến tăng 5% so với năm 2018. Ngoài ra, ẩn số giá thực phẩm trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi tràn lan khiến vị đại biểu này quan tâm. “Giá điện tăng từ cuối tháng 3 nhưng tháng 4 đã thấy ảnh hưởng rồi”, bà Yến nhấn mạnh.

Đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mong rằng Chính phủ quan tâm có những giải pháp hữu hiệu để giữ lạm phát dưới 4% như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Bà kiến nghị cần quyết định thời điểm tăng giá và theo lộ trình, điều chỉnh giá dịch vụ công phù hợp, tránh tác động đến CPI.

“Cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vi mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế, hạn chế lạm phát như Quốc hội đã đề ra”, bà Yến nói.

Tránh tình trạng tăng giá "té nước theo mưa"

Cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới việc giá điện tăng, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho biết, vấn đề này đang được nhiều cử tri quan tâm.

Bà Phúc nhấn mạnh: "Theo cử tri, việc tăng giá điện thời điểm này là không phù hợp. Mặc dù việc điều chỉnh tăng giá điện lần này đã được tính toán nằm trong lộ trình nhưng đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra về tăng giá điện vừa qua như thế nào, có đúng quy định hay không, nếu sai thì xử lý như thế nào để cử tri và nhà nước biết".

Bên cạnh đó, việc tăng giá điện sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng khác. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp phòng ngừa, tránh tình trạng tăng giá "té nước theo mưa", cần theo dõi sát biến động thị trường kết hợp với kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp, bà Phúc kiến nghị.

Người dân muốn công khai, minh bạch về giá điện

Khẳng định giá điện cứ "tăng rồi, tăng nữa, tăng mãi", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thẳng thắn chỉ rõ: Người dân muốn công khai, minh bạch về giá điện, và họ có lý do để nghi ngờ mức tăng 0,83% là không chuẩn xác khi số tiền điện mà họ phải trả cho "nhà đèn" trong tháng đầu tiên tăng lên nhiều, thậm chí gấp 2-3 lần so với tháng trước đó.

Ông Cương cho rằng, cần phải lấy giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ làm gốc dù có phân 6 bậc hay bao nhiêu bậc đi nữa.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng nêu ý kiến của cử tri cho rằng, lẽ ra khi kinh tế đất nước phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao thì mức tiêu thụ điện cũng phải tăng. Song thực tế, mức tiêu thụ điện của người dân hiện vẫn đang duy trì ở mức thấp, chỉ phù hợp với gia đình nghèo ở vùng khó khăn.

"Ngành điện thì cứ tăng giá và đổ cho thời tiết để đỡ phải giải thích nhiều", ông Cương nói. Đại biểu này cũng đề nghị công bố công khai kết luận của Thanh tra Chính phủ về hoạt động của ENV.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận). Ảnh: ĐT

Thu hồi triệt để tài sản tham nhũng

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) tham gia ý kiến về lộ trình điều chỉnh giá điện, vấn đề gây bức xúc cử tri thời gian qua. Ghi nhận việc đã có báo cáo về lộ trình điều chỉnh giá, Chính phủ khẳng định đã xem xét điều chỉnh theo đúng quy định, nhưng theo ông, vấn đề cử tri quan tâm không phải đúng quy định hay không. Ông nói cử tri muốn phải đánh giá cụ thể hơn và có dự báo thời gian tới, việc tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.

Vì việc tăng giá điện, giá xăng sẽ làm tăng kinh phí đầu vào của các đơn vị sản xuất kinh doanh, đương nhiên chi phí này được tính vào giá thành sản phẩm, qua đó là tăng giá, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và giảm sức mua của người dân.

Ở khía cạnh khác, ông Hận cho rằng trong khi lương không tăng mà hàng loạt các chi phí thiết yếu như điện, xăng, học phí đều tăng sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

“Để công khai, minh bạch trong điều hành giá điện, kiến nghị Quốc hội đưa vào kiểm toán Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của ngành điện”, ông Hận nói.

Một vấn đề khác được ông đề cập là thu hồi triệt để tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng. Trong điều kiện kinh tế - xã hội của ta còn khó khăn, nhiều công trình hạng mục cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của nhân dân không đủ vốn đầu tư thì các vụ án kinh tế, tham nhũng được phanh phui làm thất thoát hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.

“Các cá nhân gây ra sự bức xúc này là tội đồ, đáng bị lên án và đáng bị pháp luật xử lý nghiêm minh”, đại biểu Cà Mau nói. Song theo ông, với hành vi gây thất thoát ấy, dù có dành bản án cao nhất là tử hình cũng chưa đảm bảo tính răn đe, chưa bảo đảm công bằng cho xã hội. Với số tiền ấy nếu không bị thất thoát, tham nhũng thì chúng ta sẽ có thêm vốn đầu tư cho các kè sạt lở bờ sông, xây dựng các công trình phòng chống lũ quét, lũ ống, góp phần làm giảm đáng kể số người thiệt mạng vì thiên tai trong thời gian qua.

Vì thế, ngoài chế tài nặng thì nội dung thu hồi tài sản thất thoát cũng rất quan trọng và có tính răn đe cao, tránh tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, bố chấp nhận ngồi tù vài chục năm nhưng vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời.

Sức ép trả nợ đang tăng

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, ghi nhận những kết quả nổi bật như 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; tổng thu ngân sách vượt dự toán, Trung ương vượt thu sau 3 năm liên tiếp hụt thu; bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép. “Kinh tế, ngân sách 2018 là một bức tranh đẹp, toàn diện”, ông Hàm nói.

Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng dẫn báo cáo của Chính phủ thẳng thắn nhận định mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ, tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững. Vì mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững, nên theo ông Hàm, quý I/2019, tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ và thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra...

Ngoài ra, ông chỉ ra sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Theo đó, nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ mỗi tháng. Từ đó, ông Hàm đề nghị ưu tiên, dồn nguồn lực vào các giải pháp quan trọng và chú tâm đến việc tổ chức thực hiện.

Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) ghi nhận năm 2018, chúng ta đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kinh tế và tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đạt 7,08%, thu ngân sách vượt dự toán, các khu vực kinh tế phát triển tương đối đồng đều. Sang quý I/2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Tuy nhiên, theo ông Thế, dù thu ngân sách tăng nhưng chủ yếu do khai thác tài nguyên và giá dầu tăng, không phải thu từ sản xuất kinh doanh, bởi vậy, đây là những con số không bền vững.

Vị đại biểu này cũng cho biết năm 2020 chúng ta phải trả nợ đến hạn. Theo tính toán mỗi tháng phải tiết kiệm 21-27 tỷ đồng để trả nợ. “Với tình hình này, chúng ta có thể phải vay để trả nợ”, ông Thế nói.

Chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới

Nhận xét về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đại biểu Dương Xuân Hoà (Lạng Sơn) cho biết, chương trình đang có nhưng chuyển biến tích cực, được nhân dân ủng hộ, tích cực hưởng ứng tham gia. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chương trình vẫn còn tồn tại một số có khó khăn về năng lực hạn chế về năng lực điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, về nguồn lực đầu tư…

Đặc biệt là khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới còn khá lớn. Các địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng có 75,33% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, con số này ở vùng miền Đông Nam Bộ là 67,04%, vùng duyên hải Nam Trung Bộ là 39,03%, vùng đồng bằng sông Cửu Long có 35,98%, trong khi đó các địa phương khu vực miền núi phía Bắc chỉ đạt 21,54%.

“Nhiều địa phương trên cả nước đã cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng nông thôn kiểu mẫu, một số địa phương lại có số xã đạt chuẩn nông thôn mới rất thấp” - ông phân tích. Cùng với đó, chương trình cũng đang gặp phải những khó khăn khách quan như thiên tai, biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến các tiêu chí về duy trì về hạ tầng kinh tế xã hội.

Từ đó, đại biểu này đưa ra đề xuất cần tập trung rà soát các tiêu chí cụ thể theo đơn vị từng xã, phân loại và đánh giá chính xác đâu là tiêu chí cần vận động thực hiện. Đồng thời tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình, đặc biệt là khâu phẩn bổ, sử dụng nguồn vốn, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ công cho người dân./.

Nguồn cpv