BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người hiến đất, dựng bia Giồng Nần 

Cập nhật ngày: 30/04/2018 - 08:09

BTN - “Thực ra việc gì nên làm thì mình làm, hiến đất, xây dựng khu di tích để cho con cháu đời sau học tập và noi theo là nên, là ý nghĩa”- ông Tám nói.

Ông Tám Quang trò chuyện với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân chuyến thăm Tây Ninh, tháng 12.2009 (ảnh do gia đình cung cấp).

9 tuổi tham gia cách mạng

Ở tuổi 80, dù đôi chân yếu, đi đứng phải nhờ người đỡ, hay vịn vào những cạnh tường, thanh chắn nhưng ông Tám Quang vẫn còn giữ được sự minh mẫn khi kể về những sự kiện lịch sử ở Tây Ninh qua hai thời kỳ kháng chiến.

Câu chuyện của ông, dù không liền mạch, nhưng qua cách ông diễn tả, dẫn chứng những hình ảnh, kỷ vật lưu giữ về khoảng thời gian tham gia hoạt động cách mạng, chúng tôi vẫn có thể mường tượng được những năm tháng đầy gian lao, và rất đỗi tự hào ấy.

Ông Tám kể, ngoài tên thật là Trương Văn Dân, ông còn có tên gọi khác là Trương Ðình Quang. Ông sinh năm 1938, lớn lên bên rạch Giồng Nần (thôn Long Vĩnh, nay là xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành). 

Năm 1942, hai đảng viên đầu tiên của cơ sở Ðảng Giồng Nần là Trương Văn Chẩn- cha ruột ông Quang và ông Trương Văn Phú bị Pháp bắt giam ở nhà tù Côn Ðảo, chỉ sau hơn 1 năm, cha ông đã hy sinh.

Trước khi mất, ông Chẩn có lời trăng trối với đồng chí Lê Duẩn (cố Tổng Bí thư) trở lại Giồng Nần tìm và cưu mang con trai là Trương Ðình Quang để tiếp nối sự nghiệp cách mạng.

Ðến năm 1947, vì tuổi còn nhỏ, ông Quang được đồng chí Lê Duẩn đưa vào cơ quan thuỷ lâm Châu Thành làm công tác đưa thư, liên lạc. Cũng từ đây, năm 12 tuổi, ông đã tham gia hoạt động các phong trào thiếu nhi cứu quốc, làm chiến sĩ biệt động hoạt động bí mật ở địa bàn thị xã Tây Ninh.

Khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết, ông được tổ chức đưa về Phước Vinh (huyện Châu Thành) làm cán bộ tuyên huấn, hoạt động bí mật trên địa bàn huyện Châu Thành.

“Thời đó, nếu tôi không được gặp cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, tôi không thể hiểu lý tưởng cách mạng cha ông chúng tôi đã làm đâu” - ông Tám Quang kể.

Sau Hiệp định Genève, ông được Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh là đồng chí Hoàng Lê Kha điều động về Trảng Bàng làm cán bộ xây dựng căn cứ Thường vụ Tỉnh uỷ ở xã Lộc Hưng.

Ðây là căn cứ để các lãnh đạo tỉnh về dự họp thường kỳ. Trong thời gian này, ông được kết nạp vào hàng ngũ của Ðảng tại căn cứ Ðôn Thuận. Tại đây, cuộc khởi nghĩa ngày 3.8.1958 kết hợp giữa chính trị và vũ trang do ông và nhóm thanh niên 20 người phát động đã gây tiếng vang khắp Tây Ninh.

Tuy nhiên, do lực lượng chưa bảo đảm, nên những người tham gia khởi nghĩa bị Mỹ bắt vào trại giam Chí Hoà ở Sài Gòn suốt 2 năm liền. “Trong trại giam, chúng dùng nhiều cách tra tấn, đánh đập dã man để khai thác tôi và đồng đội, nhưng cuối cùng, trước toà án quân sự, chúng phải chịu thua, vì không có đủ lý buộc tội nên kêu án tù treo 2 năm”- ông Tám cười nói.

Ông Tám Quang và người con gái lớn (Trương Thị Xuân Hương) chụp ảnh lưu niệm với Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái, Bí thư Huyện uỷ Châu Thành Nguyễn Thị Yến Mai tại Khu di tích LSVH Giồng Nần.

Sau khi được tự do, tổ chức liền rút ông vào làm việc tại nhà in Hoàng Lê Kha. Ðược một thời gian ngắn, ông đắc cử Thường vụ Tỉnh đoàn Tây Ninh và tham gia lực lượng Thanh niên xung phong khu vực miền Ðông.

Ðến năm 1972, ông được đưa về Trung ương Cục miền Nam phụ trách Trường đoàn Trung ương, làm cán bộ tuyên huấn, đồng thời là cán bộ thuộc Trung đoàn 16- một trong những đơn vị chủ lực đầu tiên của miền Bắc vào miền Nam chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên và miền Ðông Nam bộ, trực tiếp tác chiến ở vùng “Tam giác sắt” (Trảng Bàng - Bến Cát - Củ Chi).

Năm 1972, Trung đoàn 16 được giao nhiệm vụ ngăn chặn quân địch chi viện từ Sài Gòn vào Tây Ninh, cũng như không cho quân lực của địch rút về Sài Gòn.

Khi ấy, do lực lượng cán bộ xuống đường “đứng chân, cắm cờ” còn mỏng, Trung ương Cục miền Nam ra lệnh mỗi cơ quan phải cử một số cán bộ tham gia, bản thân ông Tám cũng được giao nhiệm vụ xuống Trảng Bàng tham gia lãnh đạo lực lượng Thanh niên xung phong.

Ông Tám cười hiền: “Sau trận càn của địch ở Trảng Bàng, tôi bị thương ở mắt trái, dù vậy tôi vẫn không nản lòng. Qua 3 lần xuống đường, lực lượng ta đã góp phần giải phóng Tây Ninh, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử, thống nhất đất nước”.

Hiến đất gia tộc xây di tích

Ông Quang mở tập album hình ảnh và kể về thời gian công tác của mình, kể về những đồng đội đã từng cùng ông đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có ông Sáu Phong (nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết), là bạn thân của ông thời còn là thanh niên xung phong.

Chỉ vào bức ảnh chụp chung với nguyên Chủ tịch nước, ông Tám nói: “Ðây là Sáu Phong, hồi đó là Chủ tịch nước. Ảnh này được chụp khi ông ấy tới thăm gia đình tôi hồi năm 2009”. Ông tiếp: “Cũng nhờ ông bạn này mà di tích Giồng Nần mới khang trang như hôm nay!”.

Nhắc tới chuyện hiến đất để xây dựng khu di tích, ông Tám Quang giải thích, ý định để xây dựng di tích Giồng Nần xuất hiện sau Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi đó, ông được phân công làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành.

Nhất là khoảng thời gian 1976-1977, ông đang học ở Hà Nội, được gặp lại Tổng Bí thư Lê Duẩn,  những ký ức về Giồng Nần, về nơi ông được sinh ra, nơi lần đầu tiên ông được cưu mang bởi một người đã từng “sống chết” với cha mình trong nhà tù Côn Ðảo.

“Lúc đó, tôi nghĩ đến chuyện phải xây dựng di tích lịch sử Giồng Nần, nơi những đảng viên đầu tiên có mặt trên đất Tây Ninh, trong đó có cha và chú của tôi. Ðây cũng là nơi tổ chức Nông hội đỏ đầu tiên được hình thành”- ông Tám xúc động kể lại. Nhưng, phải đến năm 2001, khi về hưu, tôi mới thực hiện được.

Ông Tám kể, năm 2001, để xây dựng khu di tích, trước tiên phải có đất, có mặt bằng xây dựng. Nghĩ, bên rạch Giồng Nần là đất do ông nội (ông Trương Văn Tàu) để lại, không cần tính toán, ông liền chủ động họp mặt con cháu bàn việc hiến mảnh đất bên bến Ðường Xuồng, điểm cuối của rạch Giồng Nần để làm khu di tích. Ai cũng đồng lòng.

Vậy là công việc được tiến hành ngay. Trên nền diện tích 1.200m2, nhà bia tưởng niệm được xây dựng bằng cột gỗ, mái lợp tôn, phía trước đặt một tấm bảng với tên gọi “Bia tưởng niệm nhóm đảng viên Ðảng CSVN đầu tiên của tỉnh Tây Ninh (1930 - Giồng Nần).

Ông Tám Quang và vợ- bà Trần Thị Lan tại nhà riêng ở ấp Thanh Thuận, xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành.

Ðến năm 2005, cũng trên nền đất cũ của cơ sở này, nhà bia được xây dựng lại với vật liệu bền vững, chắc chắn hơn. Sau hai lần tôn tạo, năm 2013, nhà bia được trùng tu, mở rộng thêm một số hạng mục như: bia tưởng niệm Nông hội đỏ, nhà khách, sân nền, khu vệ sinh, nhà kho…

Ðiểm đặc biệt là, trong khu di tích được xây thêm bia giới thiệu và danh sách 8 đảng viên đầu tiên của tỉnh Tây Ninh gồm: Võ Văn Lợi, Trương Văn Chẩn, Ðặng Văn Son, Trương Văn Phú, Trần Văn Luông, Nguyễn Văn Ðộ, Văn Văn Giáp và Nguyễn Văn Viết.

Quá trình xây dựng, trùng tu tôn tạo lại di tích không thể không kể đến công lao đóng góp của gia đình ông Tám.

Ngoài 1.200m2 đất, gia đình ông còn đóng góp hơn 70 triệu đồng để xây dựng khu di tích, phần còn lại do thân nhân các tiền nhân đã tham gia hiến đất đóng góp về vật chất, tinh thần, trông coi, gìn giữ, góp phần cho di tích ngày càng khang trang hơn.

“Thực ra việc gì nên làm thì mình làm, hiến đất, xây dựng khu di tích để cho con cháu đời sau học tập và noi theo là nên, là ý nghĩa”- ông Tám nói.

Vùng đất Giồng Nần xưa là khu rừng rậm, với nhiều tầng cây đan xen và dây leo chằng chịt, bao quát một vùng rộng lớn. Tên gọi Giồng Nần vì quanh khu vực này đều có dây nần (một loại dây có củ, có thể được dùng làm thức ăn).

Ngày nay, Khu di tích Giồng Nần đã xây dựng, trở thành di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, con đường dẫn vào cũng được san ủi, trải sỏi phún bằng phẳng; xung quanh được bao phủ bởi màu xanh của đồng lúa và cao su.

Giồng Nần còn là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của những người con trung dũng, kiên cường trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp - Mỹ. Nơi đây, giờ đã là nơi nhiều người tìm đến để hiểu hơn về lịch sử Ðảng bộ Tây Ninh.

TÂM GIANG


Liên kết hữu ích