BAOTAYNINH.VN trên Google News

Theo gương Bác

Người lính già dựng lại đình, xây bia liệt sĩ 

Cập nhật ngày: 15/08/2018 - 16:51

BTN - Dân Lộc Hưng xưa giờ quen gọi theo thứ- nhất là đối với những bậc cao niên, đáng kính, thế nên về đó tìm ông Lê Khoăn- sinh năm 1945, Phó Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến huyện Trảng Bàng, có khi lại khó, mà phải hỏi nhà chú Sáu, bác Sáu hay ông Sáu- người dựng lại đình, xây bia liệt sĩ.

Ông Lê Khoăn dò kiểm tra từng tên liệt sĩ được khắc trên bia.

Người chiến sĩ Giải phóng quân thấm nhuần lời dạy của Bác

Thời đánh Mỹ, Lộc Hưng là vùng ác liệt, trai tráng miệt này, hơi trộng trộng một chút là đã tìm đường thoát ly theo mấy chú, mấy bác “bên mình”, vô được “chủ lực” cỡ “dê mười bốn” (D14- Tiểu đoàn 14, Tỉnh đội Tây Ninh) thì càng ngon.

Ông Sáu Khoăn cũng vậy, mới 13 tuổi đã làm giao liên, vừa được 18 ông nhảy qua “chủ lực”, đánh trận liên miên. Từ lúc mới vào giải phóng quân, ông đã được giáo dục, học tập những lời dạy của Bác Hồ đối với quân đội. Thấm nhuần những lời dạy đó, ông liên tục phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Ðảng.

Dân xứ Trảng, nổi tiếng lì, trận nào cũng phải xung kích đi đầu. Xuân Mậu Thân 1968, cả miền Nam nổi dậy, tổng tấn công, trong một trận đánh không cân sức, ông bị thương. Ðiều trị xong, ông tiếp tục xin được cầm súng đánh giặc.

Năm 1969, ông bị địch bắt và bị đày ra Phú Quốc. Không cam chịu cảnh ngục tù, lúc nào ông cũng nghĩ cách trốn về đất liền để tiếp tục chiến đấu. Nhớ lời của Bác, không coi nhẹ vũ khí, tuy “vũ khí là cần, nhưng quan trọng hơn là người vác súng”, vì thế, “không sợ thiếu vũ khí, chỉ sợ khi thời cơ đến lại thiếu người cầm vũ khí”, ngày 21.9.1970, trong lúc xe của địch chở ông và đồng đội ra ngoài lao động, ngang qua miễu Cô Sáu nằm trên triền dốc, ông và đồng đội mưu trí cướp súng, tiêu diệt binh lính áp tải để trốn.

Không may quân địch báo động bao vây, 2 đồng chí hy sinh, một số đồng chí bị bắt lại, riêng ông và một số người khác trốn được vào rừng. Vượt núi, băng rừng suốt 3 ngày trời mới gặp được du kích trên đảo, ông tiếp tục tập hợp, thành lập lực lượng tham gia chiến đấu trên đảo với cương vị phân đội phó.

Dù vậy, khát khao được trở về đất liền, về với quê hương vẫn đau đáu trong ông. Năm 1971, ông cùng 26 bạn tù vượt ngục, trốn trên đảo vượt biển về đất liền bằng xuồng ba lá. Ròng rã nhiều ngày, xuồng mới cập bến bên đất Campuchia. Từ đây, ông lại băng rừng, đi bộ, đến tháng 1.1972 mới về đến Phước Chỉ. Trở lại đơn vị cũ, ông được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng, rồi làm Chính trị viên phó Ðại đội.

Là cán bộ chính trị, ông luôn lấy lời dạy của Bác Hồ để giáo dục, động viên chiến sĩ: “Chúng ta biết trước rằng kháng chiến ắt phải gay go, phải trường kỳ, nhưng chắc chắn sẽ thắng lợi. Vì vậy, mặc dầu gian nan cực khổ, nhân dân ta ngày càng đoàn kết, càng hăng hái, càng kiên quyết kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng…”.

Tháng 4.1975, quê hương được giải phóng. Không lâu sau, bọn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary lại xâm lấn biên giới. Tháng 2.1979 với cương vị Chính trị viên Ðại đội 2 - Trảng Bàng, ông tiếp tục lên đường sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Ghi dấu trong tim lời Bác dạy năm xưa

Năm 1989, rời quân ngũ ở tuổi 44, ông mới bắt đầu cuộc sống cho riêng mình. Gia tài chưa được 10 công ruộng làm lúa, nhưng tới 5, 6 miệng ăn. Sợ cảnh nghèo, con cái thiếu thốn nên ông không nề hà bất cứ việc gì, ai thuê cũng làm, làm không dám nghỉ, làm không kể giờ giấc, có khi đi làm xa cả tháng mới về thăm nhà. Cứ thế tích luỹ dần, mua vàng, rồi bán vàng mua đất, mua máy cày, máy kéo, máy phóng...

Ông tâm sự: “Trong chiến đấu, mình mưu trí, dũng cảm thắng địch, về sản xuất rồi mình cũng phải năng động, nhạy bén chứ!”. Vậy là ông chuyển sang kinh doanh vật tư nông nghiệp, rồi làm cây xăng.

Khi cuộc sống ổn định, các con trưởng thành, ông mới có thời gian thực hiện ước nguyện “tìm và trả ơn đồng đội”. Ông bùi ngùi nói mà hai mắt rưng rưng: “Tôi luôn day dứt mỗi khi nghĩ đến những người lính đã hy sinh, họ cũng như tôi, ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, quyết hiến dâng không tiếc máu xương. Giờ tôi có ngày hôm nay, hạnh phúc êm ấm bên gia đình, đồng đội của tôi mãi mãi ra đi, không có ngày trở về”.

Với suy nghĩ đó, ông trích nguồn lợi nhuận trong kinh doanh, vận động thêm người thân, bạn bè, doanh nghiệp để làm từ thiện, đền ơn đáp nghĩa… không chỉ ở Lộc Hưng, mà còn ở các xã khác trong và ngoài huyện.

Việc gì có lợi cho dân, khó khăn đến mấy ông cũng cương quyết làm bằng được. Thấy các cháu mẫu giáo ở Hưng Thuận đi học trong ngôi trường xập xệ, xót lòng, ông đi gõ cửa từng công ty xin được 2 tỷ đồng xây dựng trường mới. Thấy bà con, các cháu vui, là ông mừng. Ðường quê lầy lội, đi lại khó khăn, ông trăn trở, tìm cách làm mới…

Hơn 10 năm thực hiện ước nguyện, ông đã đóng góp và vận động gần 8 tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ thân nhân liệt sĩ, thương binh, hội viên Người tù kháng chiến… xây dựng 16 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho Mẹ VNAH, thương binh, gia đình liệt sĩ và những người nghèo khó.

Ông đi tìm, giúp cho con đồng đội nghèo ở tận Củ Chi, Bến Tre... tổ chức cho đồng đội về thăm chiến trường xưa; khám bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho CCB…

Ước nguyện lớn nhất của ông là xây dựng lại đình Lộc Hưng, nơi ghi dấu những chiến tích lịch sử của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, hai lần được phong danh hiệu Anh hùng LLVT.

Năm 1845, làng Lộc Hưng được hình thành, đình cũng được xây dựng. Năm 1862, khi triều đình Huế ký hiệp ước đầu hàng Pháp, có hai ông đại thần là Phạm Văn Chữ và Huỳnh Văn Yên chống lệnh bãi binh, về đất Lộc Hưng xây dựng căn cứ, chiêu mộ nghĩa quân rèn luyên võ nghệ.

Ðình cũng là cơ sở hoạt động cách mạng, là trạm liên lạc của Uỷ ban Kháng chiến hành chánh xã, là nơi từng diễn ra hội nghị để bầu Chủ tịch UB hành chính đầu tiên của huyện Trảng Bàng. Tháng 4.2012, đình Lộc Hưng được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Không chỉ xây dựng lại đình, ông còn muốn xây thêm 2 nhà bia, ghi danh 141 Mẹ Việt Nam anh hùng cùng 789 liệt sĩ xã Lộc Hưng và hơn 700 liệt sĩ của Trung đoàn 16 đã hy sinh trên vùng đất Trảng Bàng. Những đồng đội không phải là bộ đội địa phương, mà là những người lính vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu trên đất này từ năm 1967 và mãi mãi nằm lại.

Nói là làm, được sự đồng ý của lãnh đạo địa phương, bằng uy tín của mình, ông lại lặn lội đến các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, vận động bạn bè, những đồng đội cũ nay làm ăn kinh tế phát triển được trên 3 tỷ đồng.

Ngày 27.7.2017, ông bắt tay khởi công xây dựng lại đình Lộc Hưng và hai nhà bia. “Hơn một năm qua, tôi không lúc nào ngủ yên giấc, cứ nhắm mắt lại là nghĩ đến nhà bia, thiếu cái này, bổ sung cái kia… cứ mong đến sáng để chạy ra công trình, mong sao công nhân thi công chất lượng, bảo đảm tiến độ để kịp thắp hương tưởng niệm vào dịp 27.7”- ông Sáu tâm sự.

Dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2018), đình và nhà bia đã cơ bản hoàn thành, ông tổ chức lễ cầu siêu và dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Mẹ VNAH, anh hùng, liệt sĩ với sự có mặt đông đủ các cán bộ lão thành và người dân, thân nhân các gia đình liệt sĩ xã Lộc Hưng, có cả những đồng đội cũ của Trung đoàn 16.

Thắp 3 nén nhang, nước mắt ông Lê Khoăn chảy trên những nếp nhăn, ông xúc động không chỉ vì nhớ đồng đội, mà còn vì tâm nguyện của ông đã hoàn thành. Ông nói: “Không phải xây lên là xong, tôi đã có kế hoạch, chi phí để có người bảo dưỡng, chăm sóc, quét dọn hương khói, để nơi đây trở thành một địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, quê hương, đất nước cho các thế hệ sau”.

Những việc làm của ông đã được Chủ tịch UBND tỉnh, Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng nhiều bằng khen. Ông còn được Hội Người cao tuổi tỉnh chọn đi dự hội nghị người cao tuổi xuất sắc toàn quốc tại Hà Nội.

Hỏi: Chú lớn tuổi rồi, sao không nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già?

Ông trả lời: Còn sống ngày nào tôi còn làm ngày đó, làm những điều mà Bác Hồ đã dạy bộ đội.

Nguyễn Thế Lực


 
Liên kết hữu ích