Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông sản sạch:

Người sản xuất chưa “gặp” người tiêu dùng 

Cập nhật ngày: 07/09/2019 - 00:18

BTN - Đến nay, nhiều doanh nghiệp, HTX, THT, cá nhân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thế nhưng, khâu tiêu thụ chưa hiệu quả, chưa “kích thích” người sản xuất mạnh dạn đầu tư. Qua đó cho thấy việc thay đổi nhận thức - chỉ từ phía người sản xuất - vẫn chưa đủ để nông nghiệp sạch phát triển.

Rau củ dù sản xuất theo quy trình VietGAP nhưng phần lớn vẫn phải đưa ra chợ tiêu thụ như sản phẩm truyền thống (ảnh minh hoạ).

Những năm qua, Tây Ninh chú trọng việc chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị. Đến nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), cá nhân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thế nhưng, khâu tiêu thụ chưa hiệu quả, chưa “kích thích” người sản xuất mạnh dạn đầu tư. Qua đó cho thấy việc thay đổi nhận thức - chỉ từ phía người sản xuất - vẫn chưa đủ để nông nghiệp sạch phát triển.

Nông nghiệp sạch là định hướng lâu dài

HTX  mãng cầu Thạnh Tân (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) ra đời từ năm 2005 từng là tâm huyết của những nông dân. Họ mong muốn có một tổ chức, đồng tâm hiệp lực, đưa cây mãng cầu phát triển bền vững. Ngay từ ngày đầu thành lập, Ban quản trị HTX đã cố gắng hết sức vừa làm vừa học, vừa tích luỹ kinh nghiệm để hiệu quả năm sau cao hơn năm trước. 

Lúc mới đi vào hoạt động, mô hình HTX mãng cầu Thạnh Tân phải đối mặt với nhiều khó khăn: người dân vẫn còn định kiến với mô hình HTX kiểu cũ; xã viên và người lao động chưa thích ứng với môi trường làm việc tập thể; thiếu vốn để phục vụ cho đầu tư sản xuất và kinh doanh. Điều quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ, giá bán sản phẩm không ổn định, nên hiệu quả hoạt động sản xuất và thu nhập của HTX cũng như của người lao động chưa tương xứng.

Ông Hà Chí Mãng- Giám đốc HTX mãng cầu xã Thạnh Tân cho biết, để tồn tại và từng bước tháo gỡ khó khăn, HTX đã chủ động thuê 2 ha mãng cầu trồng thí điểm theo đúng quy trình kỹ thuật VietGAP, kết quả mang về rất khả quan, bước đầu đem lại niềm tin cho người dân, nhiều người đồng ý vào HTX. Hiện nay HTX có 18 xã viên chính thức và 190 hộ liên kết với diện tích canh tác là 90 ha.  

Theo một số xã viên, quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm bắt đầu phát triển, giá bán sản phẩm tại các chợ lên tới 40 - 50.000 đồng/kg, nên hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập của HTX cũng như của người lao động ổn định. Bình quân một ha mãng cầu đạt lợi nhuận từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.

Một doanh nghiệp trên địa bàn xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu cũng đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cho biết, hiện công ty đang triển khai trồng 10 ha nhãn Ido, sản lượng đạt 4,5 tấn/ha; 100 ha lúa mùa, sản lượng 3,5 tấn gạo/ha. Toàn bộ diện tích canh tác được ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hoá vào sản xuất, sản phẩm được chứng nhận VietGAP và công ty cũng đã đăng ký cung cấp cho Việt Nam Airlines. Do đó, Công ty luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng bền vững trên thị trường, hướng đến xuất khẩu.

Rau an toàn ngang giá rau thường (!?)

Không được như HTX mãng cầu, các HTX, THT sản xuất rau an toàn, rau VietGAP vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Anh Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc HTX rau an toàn Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành cho biết, HTX hiện có hơn 20 thành viên với diện tích khoảng 8 ha. Những năm qua, ngành chức năng tỉnh, huyện có nhiều chính sách giúp HTX phát triển. HTX cũng mở 2 cửa hàng buôn bán, cung cấp rau sạch, tự đến các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính quyền huyện cũng hỗ trợ giới thiệu rau của HTX đến các trường học trong huyện để tiêu thụ.

Tuy nhiên, HTX vẫn chưa ký kết được với doanh nghiệp nào bao tiêu sản phẩm. Cũng có doanh nghiệp uy tín đến đặt vấn đề tiêu thụ sản phẩm, nhưng HTX không thể đáp ứng được những điều kiện mà doanh nghiệp này đưa ra. Hiện các sản phẩm rau sạch của HTX cũng chỉ bán được khoảng 20% cho các doanh nghiệp, các đơn vị. Còn lại khoảng 80% sản phẩm phải bán cho thương lái với giá cả ngang bằng với giá các sản phẩm được sản xuất thông thường.

Chính vì vậy, có thành viên HTX  “bất mãn” vì đã bỏ ra nhiều công sức để sản xuất, chăm sóc rau an toàn. Ban lãnh đạo HTX phải tuyên truyền, vận động để các thành viên tin tưởng vào hướng lựa chọn của mình là đúng.

Đưa sản phẩm nông nghiệp sạch vào các siêu thị, cửa hàng uy tín vẫn là bài toán khó cho các HTX, THT.

Ông Nguyễn Văn Hình- Tổ trưởng THT sản xuất rau an toàn Núi Bà (khu phố Ninh Phú, phường Ninh Sơn) chia sẻ, khi thành lập THT, nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của việc thay đổi sản xuất từ truyền thống qua sản xuất nông nghiệp sạch nên đã hăng hái tham gia. Thế nhưng qua thời gian triển khai, do không có nơi tiêu thụ ổn định nên nhiều người không còn “mặn mà”. 

Theo ông Hình, đến nay, giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm của THT cũng đã hết thời hạn nhưng nếu vận động các thành viên bỏ tiền để tái đăng ký thì rất khó bởi hiệu quả chưa như mong muốn. 

Một tổ trưởng THT sản xuất rau an toàn vừa mới thành lập ở thành phố Tây Ninh cho biết, THT vừa đi học về quy trình sản xuất VietGAP và đang triển khai. Thế nhưng, khi áp dụng, nhiều thành viên đặt câu hỏi về đầu ra sản phẩm, có được doanh nghiệp bao tiêu hay không, hay cũng chỉ bán cho thương lái như những sản phẩm cùng loại được sản xuất theo quy trình cũ, ông không thể trả lời được, vì chính ông cũng không biết được sản phẩm sẽ được tiêu thụ như thế nào!

Tấn Hưng - Thanh Nhi