Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người Việt mua gạo giá cao hơn xuất khẩu 

Cập nhật ngày: 31/03/2017 - 10:29

Được đánh giá là cường quốc trên bản đồ xuất khẩu gạo nhưng nhiều nghịch lý đang diễn ra ở vựa lúa ĐBSCL, nơi được mệnh danh là “bát cơm châu Á”. Đó là chuyện người Việt đang ăn gạo với mức giá cao hơn giá gạo xuất khẩu; gạo Việt Nam cũng chưa có thương hiệu trên thương trường…

Lấy giống “tình thế” làm giống chủ lực?

Từ sau Tết Nguyên đán 2017 đến nay, giá lúa ở ĐBSCL vẫn duy trì ở ngưỡng cao, từ 5.000 - 6.000 đồng/kg (tùy theo loại). Nguyên nhân nằm ở thị trường Trung Quốc. Hiện nay, thị trường này chiếm gần 40% số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc có nhiều thuận lợi khi doanh nghiệp dễ vận chuyển. Tuy nhiên, các chuyên gia lúa gạo cũng cảnh báo, thị trường Trung Quốc vẫn tiềm ẩn những rủi ro và các “sát hạch” về chất lượng cũng ngày một gia tăng.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: CAO PHONG

Nghề trồng lúa ở Việt Nam, mà cụ thể là vựa lúa ĐBSCL, những năm qua đã có những bước tiến vượt bậc. Nhiều chuyên giá lúa gạo Việt Nam đã xuất ngoại hỗ trợ nghề trồng lúa ở một số quốc gia, trong đó có Campuchia. Thế nhưng gần đây, nhiều ý kiến đánh giá chất lượng lúa, gạo ở Campuchia đang qua mặt Việt Nam. Câu chuyện này cần nhìn nhận cho đúng.

Thực tế, nông dân ở Campuchia vẫn còn trồng lúa mùa (thời gian sinh trưởng dài), chất lượng gạo ngon là điều bình thường. Còn ở ĐBSCL hiện nay gần như sản xuất các giống lúa ngắn ngày (thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 90 ngày) để tranh thủ làm 3 vụ/năm.

Trong đó, giống lúa OMCS (Ô Môn cực sớm) do Viện lúa ĐBSCL lai tạo và phóng thích được nhân dân sử dụng rộng rãi. Giống lúa ngắn ngày từ ý nghĩa giải quyết tình thế né lũ nay lại trở thành giống chủ lực cho toàn vùng. Những vùng có đê bao lại “quên mất” chuyện xả lũ, mà tận dụng tối đa làm lúa 3 vụ/năm.

Sản lượng lúa, gạo xuất khẩu liên tục gia tăng nhanh chóng nhưng cùng song hành với nó là chất lượng lúa giảm dần, khi các giống lúa mùa có mùi thơm đặc trưng dần xa vắng.

Sản lượng nhiều không đồng nghĩa với gia tăng giá trị

Mới đây, khi dự và chỉ đạo Hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở nhiều vấn đề như: Đầu tiên phải thay đổi quy mô từng nông hộ bằng cách mở rộng hạn điền một cách phù hợp; giữ đất lúa nhưng xem xét lại mùa vụ, xen canh cùng với đất lúa trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học; cần tổ chức lại sản xuất ngành lúa gạo…

Sau một thời gian tổ chức lại sản xuất, mô hình cánh đồng lớn đã đạt được những kết quả nhất định như: nông dân sản xuất cùng chủng loại giống, thu hoạch bằng cơ giới hóa, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến… Bước đầu, doanh nghiệp và nông dân liên kết qua hợp đồng bao tiêu.

Tuy nhiên, mô hình này đang có dấu hiệu “bão hòa” khi không cơi nới được diện tích sản xuất. Một số doanh nghiệp không còn mặn mà tham gia. Trong bối cảnh đó, câu chuyện xem xét lại mùa vụ sản xuất ở ĐBSCL là thật sự cần thiết. Vì hiện nay sản xuất 3 vụ/năm, lợi nhuận gộp lại cả 3 vụ cũng chưa đến 30 triệu đồng/ha.

Thực tế, đất trồng lúa ĐBSCL đang dần manh mún, khi bình quân một nông hộ sản xuất chỉ khoảng 0,6 - 0,7ha. Điều này cũng lý giải vì sao nông dân ĐBSCL chưa thể vươn lên khá giàu từ nghề trồng lúa.

Mới đây tại Đồng Tháp, một nông dân sản xuất lúa hữu cơ trên 2ha đang đạt lợi nhuận “khủng”, khi giá gạo từ mô hình này được bán trên thị trường với giá 32.000 đồng/kg, cao gấp đôi với mức giá nhiều gạo cùng loại. Mô hình này không sử dụng hóa chất, chỉ trồng lúa 2 vụ/năm, dành thời gian đất nghỉ ngơi… Đây là mô hình lý tưởng lâu nay các nhà khoa học ở ĐBSCL mơ ước. Đồng Tháp dự định mở rộng ra 40ha trong năm nay khi mời một số doanh nghiệp liên kết trồng theo phương pháp hữu cơ.

Thực tế, nhiều loại gạo ở ĐBSCL mang đến giá trị rất cao như các giống lúa ST ở Sóc Trăng, Một Bụi Đỏ (Hồng Dân - Bạc Liêu)… Đó là minh chứng cho câu chuyện sản lượng nhiều không đồng nghĩa với gia tăng giá trị. Ngay người tiêu dùng ở Việt Nam cũng có xu hướng ngày càng khắt khe hơn khi chọn lựa mua gạo cho gia đình.

Trong đó, các tiêu chí thơm ngon, an toàn ngày càng gia tăng nhanh. Vì thế, người Việt đang mua gạo để ăn có giá bình quân cao hơn giá gạo xuất khẩu. Hiện số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ có khoảng 5% có thương hiệu, số lượng gạo ở phân khúc gạo thơm, gạo chất lượng cao vẫn có giá thấp. Câu chuyện nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam giờ không phải nặng về số lượng xuất khẩu mà nghiêng về chất lượng hạt gạo để hàng triệu người chọn lựa trong mỗi bữa ăn.

Nguồn SGGP


Liên kết hữu ích