BAOTAYNINH.VN trên Google News

Câu chuyện pháp luật

Nguy cơ mất tài sản vì hợp đồng giả cách

Cập nhật ngày: 16/07/2018 - 14:37

BTN - Những người chủ tài sản thực sự nên hiểu rằng, hợp đồng giả cách đối với sự thoả thuận giữa hai bên đương sự là giả, nhưng một khi cùng nhau ra cơ quan có thẩm quyền công chứng lại là thật. Một khi xảy ra tranh chấp, bên bất lợi thường là người chủ sở hữu thật của tài sản.

Hợp đồng giả cách được hiểu đại ý là loại hợp đồng nội dung không đúng như bản chất sự việc, mục đích là che đậy cho một giao dịch khác. Loại hợp đồng này thường được giới “tín dụng đen” áp dụng trong việc cho vay nặng lãi. Thế nhưng, hiện nay, vẫn còn nhiều người dân có nguy cơ bị mất tài sản thật khi trót ký “hợp đồng giả”. 

 

Gia đình anh Trần Văn Ngọc (ngụ xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) thế chấp hai thửa đất để vay vốn tại ngân hàng. Trong quá trình vay và trả lãi sau đó, ngân hàng cho rằng trường hợp của hộ anh Ngọc thuộc nợ xấu nên không tiếp tục tái cho vay.

Theo “hiến kế” của một người quen, vợ chồng anh Ngọc muốn tiếp tục vay tiền chỉ còn cách nhờ người khác đứng tên “giùm” đối với hai thửa đất nêu trên. Vì đang cần có vốn để làm ăn nên anh Ngọc đồng ý.

Theo đó, anh cùng vợ đã thực hiện hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng hai thửa đất với giá cả tượng trưng để hợp thức hoá cho một người tên Lê Thanh Tú ngụ tại quận Thủ Ðức, TP.HCM.

Tất nhiên, vợ chồng anh Ngọc có thoả thuận với bên nhận chuyển nhượng rằng đây chỉ là hình thức nhờ đứng tên tài sản “giùm” (có thù lao) để vay vốn, khi nào không còn vay vốn nữa, anh Tú phải trả đất lại.

Anh Tú đã đồng ý với thoả thuận “ngầm” này, cùng với vợ chồng anh Ngọc ra cơ quan chức năng thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng hai thửa đất bằng hình thức chuyển nhượng. Sau đó, anh Tú thế chấp số tài sản này tại ngân hàng để vay vốn được 600 triệu đồng về đưa cho vợ chồng anh Ngọc.

Trong suốt thời hạn vay 3 năm, gia đình anh Ngọc đều đưa tiền cho anh Tú đóng lãi ngân hàng đầy đủ. Gần đây, anh Ngọc phát hiện anh Tú đã nhận tiền cọc và đang thực hiện thủ tục sang nhượng hai thửa đất trên cho người khác.

Vợ chồng anh Ngọc yêu cầu anh Tú ngưng giao dịch và phải trả lại đất như đã thoả thuận “ngầm” trước đó. Anh Ngọc đồng ý thanh toán hết nợ cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng. Tuy nhiên, anh Tú chẳng những không ngưng việc mua bán đất cho bên thứ ba mà còn buộc vợ chồng anh Tú phải giao mặt bằng đất. Vì vậy, anh Ngọc nộp đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp.

Trong vụ việc này, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng anh Ngọc và anh Tú được công chứng hẳn hoi, các điều khoản trong hợp đồng thể hiện sự tự nguyện giữa đôi bên, người thật, tài sản giao dịch thật. Nhiều người cho rằng, trong trường hợp này, nếu vợ chồng anh Ngọc không đủ cơ sở chứng minh được việc sang nhượng đất cho anh Tú chỉ là hợp đồng giả cách, nguy cơ bị mất tài sản rất cao.

Ðiều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan”.

Như vậy, trong trường hợp này, vợ chồng anh Ngọc cần cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền những bằng chứng liên quan đến việc “nhờ anh Tú đứng tên tài sản” để vay tiền. Cụ thể như chứng từ thoả thuận giữa hai bên, việc đưa tiền cho anh Tú đóng lãi ngân hàng, giá trị thực của tài sản so với giá trị tượng trưng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

Những người chủ tài sản thực sự nên hiểu rằng, hợp đồng giả cách đối với sự thoả thuận giữa hai bên đương sự là giả, nhưng một khi cùng nhau ra cơ quan có thẩm quyền công chứng lại là thật. Một khi xảy ra tranh chấp, bên bất lợi thường là người chủ sở hữu thật của tài sản.

Thậm chí, trong một số trường hợp, Toà án và Cơ quan Cảnh sát điều tra khó có thể giúp người trót lỡ nhờ người khác đứng tên sở hữu tài sản.

MINH QUỐC

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi