BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã An Tịnh:

Nguy cơ ô nhiễm môi trường 

Cập nhật ngày: 10/06/2019 - 06:33

BTN - Bên cạnh việc đốt rác gây ô nhiễm không khí, tình trạng rác thải tràn lan trên nhiều tuyến đường đang là nỗi ám ảnh của nhiều người.

Nước ngầm bơm lên dù vẫn trong nhưng sủi bọt trắng, có mùi hôi tanh.

Trong các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (NTM) có tiêu chí số 17 về vệ sinh môi trường. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng và phát triển bền vững NTM.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, một số địa phương chỉ chú trọng đến việc xây dựng kết cấu hạ tầng như nhà văn hoá, đường sá, trường học, kênh mương thuỷ lợi… mà chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, nhất là vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, rác thải... Đây là một trong những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân.

Nước ngầm bị ô nhiễm

Nhiều năm qua, nhiều hộ dân ở các ấp An Bình, An Khương, An Phú, Suối Sâu xã An Tịnh (huyện Trảng Bàng) hằng tháng phải tốn thêm mỗi hộ gần 200.000 đồng để mua nước phục vụ nhu cầu ăn uống.

Ông Nguyễn Văn Cu, ngụ tổ 1, ấp An Khương cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, gia đình ông và nhiều hộ khác trong vùng đã chuyển sang mua nước lọc để nấu ăn bởi nguồn nước giếng của nhà ông đã bị ô nhiễm. Theo ông Cu, nước giếng bơm lên vẫn trong nhưng sủi bọt trắng, một lúc sau mới hết, nếu uống vào thì vị hơi tanh nên gia đình ông chỉ dùng để tắm giặt và tưới cây, còn ăn uống thì đều sử dụng nước mua.

“Trước đây có một doanh nghiệp kinh doanh máy lọc nước đến để đo thử nguồn nước ngầm và so sánh với nước lọc mà người dân mua sẵn, kết quả là nước ngầm tại đây bị ô nhiễm rất nặng”, ông Cu kể.

Còn theo ông Cảnh, nhà ở tổ 3, ấp An Khương, nguồn nước ngầm ở nhà ông gần như không sử dụng được bởi có mùi hôi rất khó chịu. Ông Nguyễn Văn Đa, người dân cùng ngụ tổ 3, ấp An Khương cho biết, trước đây nguồn nước ngầm ở đây rất tốt, rất ngọt nhưng vài năm trở lại đây không ai dám sử dụng nữa.

Ông cũng thắc mắc là có 2 KCN trên địa bàn xã An Tịnh, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đã xảy ra nhiều năm và người dân cũng có ý kiến, nhưng đến nay chưa thấy xây dựng nhà máy xử lý nước để cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho người dân.

Không khí nặng mùi, rác thải tràn lan

Nhiều người dân ở ấp An Khương và An Tịnh còn phản ánh, việc nhà máy xử lý rác của Công ty cổ phần Môi trường Xanh Việt Nam thường xuyên đốt rác vào buổi tối khiến không khí quanh khu vực này ô nhiễm trầm trọng.

Bà Cao Thị Sáu, ngụ tổ 3, ấp An Khương cho biết, nhà bà cách ống khói nhà máy đốt rác hơn 500m. Chiều tối nào nhà máy cũng đốt rác khiến bà và nhiều hộ khác trong xóm phải đóng kín cửa nhà vì mùi khét trộn lẫn mùi hôi hết sức khó chịu.

“Nhiều lúc trời quang, có trăng có sao rất mát mẻ nhưng chẳng ai dám mở cửa bước ra bên ngoài vì không chịu nổi mùi nồng nặc khó chịu”- bà Sáu bức xúc nói. Một hộ dân khác tại ấp An Bình cho biết thêm, nhiều hôm sáng dậy bụi tro từ nhà máy bay sang phủ đầy sân, người nhà phải dùng nước xịt cho trôi hết chứ quét thì bụi lại bay vào nhà, rất nguy hiểm cho sức khoẻ.

Bên cạnh việc đốt rác gây ô nhiễm không khí, tình trạng rác thải tràn lan trên nhiều tuyến đường đang là nỗi ám ảnh của nhiều người. Theo người dân địa phương, rác thải ở đây được người dân hợp đồng với một hộ dân tại ấp An Khương để thu gom, nhưng thời gian gần đây, phải “rất nhiều ngày” mới thấy người đi thu gom, khiến rác bốc mùi hôi thối nực nồng.

Dù đã cẩn thận cho rác vào thùng phi nhựa loại 1.000 lít để bảo đảm vệ sinh nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Đa không khỏi bức xúc vì cả tháng mới thấy người thu gom rác đi một lần, trong khi tiền rác vẫn đóng đều đều 30.000 đồng/hộ/tháng. “Tôi bỏ trong thùng thì còn đỡ bởi nước và mùi hôi thối không thoát ra ngoài làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Tuy nhiên, mỗi lần mở nắp cho thêm rác vào thì… ôi thôi, thối kinh khủng”, ông Đa kể.

Chủ một nhà trọ tại ấp An Khương cho biết, đống rác để trước nhà trọ của ông là do nhiều người ở trọ và các hộ dân xung quanh tập kết để những người thu gom rác mang đi. “Nhiều khi rác tồn tại cả tháng trời, chất thành đống, nước chảy lênh láng, tanh hôi kinh khủng nhưng không thấy ai đến thu gom. Trong khi mỗi tháng tôi đóng hơn 300.000 đồng tiền thu gom rác cho các phòng trọ nhưng đơn vị thu gom cứ để ỳ ra đó, gây ô nhiễm môi trường, khiến nhiều người khổ sở”- ông nói.

Ông Nguyễn Văn Sự - Phó Chủ tịch UBND xã An Tịnh cho biết, hầu hết nguồn nước của các ấp xung quanh KCN Trảng Bàng và Linh Trung III đều bị ô nhiễm. KCN Trảng Bàng đã có hệ thống nước sạch phục vụ cho các doanh nghiệp trong khu và một số hộ dân tại ấp Suối Sâu.

Trong khi chờ tỉnh xây dựng nhà máy nước sạch tại địa phương, xã đang triển khai lập danh sách các hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ theo Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 23.2.2017 quy định mức hỗ trợ đầu tư công trình nước sạch nông thôn của UBND tỉnh để hỗ trợ kinh phí mua máy lọc nước đạt chuẩn.

Rác thải khắp nơi trong khu dân cư do một tháng chỉ được thu gom 1 lần.

Chưa có đất xây dựng nhà máy nước sạch

Trao đổi về vấn đề nước sạch tại KCN Trảng Bàng, ông Nguyễn Thế Bảo- Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh cho biết, trước tình trạng nguồn nước ngầm quanh KCN Trảng Bàng ngày càng ô nhiễm, năm 2017, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, dự định lắp hệ thống nước sạch tại tuyến đường từ ngã tư An Bình đến ngã ba An Khương.

Tuy nhiên, do vướng mắc về vị trí đi đường ống (do nhiều hộ xây dựng lấn chiếm lòng đường nên khi đào đi đường ống sẽ đi vào những vị trí mà người dân không cho đào), nên đến nay không thể thực hiện việc cấp nước sạch cho khu vực này.

Ông Bảo cho biết thêm, năm 2016, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy cung cấp nước sạch của Công ty tại ấp Lộc Khê, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng với diện tích được quy hoạch 4,5 ha giai đoạn 1 và thêm 4 ha trong giai đoạn 2 (năm 2030). Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 246 tỷ 230 triệu đồng.

Công suất giai đoạn 1 khoảng 30.000m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho khu vực huyện Trảng Bàng (bao gồm cả KCN Trảng Bàng, Khu công nghiệp - chế xuất Linh Trung III, KCN Thành Thành Công, khu vực ấp An Thới, xã An Hoà và xã Gia Bình). Giai đoạn 2 ước tính công suất khoảng 100.000m3/ngày đêm, qua đó mở rộng diện tích cung cấp nước sạch cho huyện Gò Dầu, Bến Cầu đến ngã ba Đất Sét (huyện Dương Minh Châu).

Để sớm triển khai dự án xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch tại đây, Công ty đã ứng trước cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Tây Ninh - chi nhánh huyện Trảng Bàng hơn 16 tỷ đồng nhằm chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. Thế nhưng đến nay, không hiểu vì lý do gì mà phía Trung tâm Phát triển quỹ đất Tây Ninh- chi nhánh huyện Trảng Bàng chỉ mới thực hiện bồi thường được 10/14 hộ tại khu vực quy hoạch xây dựng nhà máy nước sạch.

Do đó, ông Bảo rất mong chính quyền huyện Trảng Bàng sớm giải quyết dứt điểm bồi thường cho các hộ còn lại để bàn giao mặt bằng cho Công ty triển khai xây dựng nhà máy nước sạch. Theo ông Bảo, phía Công ty đã lên phương án thiết kế xây dựng, chỉ cần có mặt bằng thì đơn vị sẽ thi công trong vòng 8 đến 10 tháng là hoàn thành, bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân khu vực huyện Trảng Bàng.

Minh Dương