BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhà bán lẻ Việt được dân Việt ưu ái hơn 

Cập nhật ngày: 25/06/2017 - 23:24

Cùng với sự xuất hiện của các đại gia bán lẻ nước ngoài, nhiều nhà bán lẻ trong nước đang tăng tốc để giữ thị phần, mở rộng vùng phủ sóng và người tiêu dùng Việt được hưởng lợi.

Khách chọn mua hàng hóa tại cửa hàng VinMart+ trên đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM chiều 24-6 - Ảnh: Quang Định

Sau khi VN bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mở cơ sở bán lẻ dưới 500m2 theo cam kết WTO, nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài bắt đầu đổ bộ vào VN, cuộc chiến tranh giành miếng bánh bán lẻ VN đang hết sức khốc liệt.

ENT được hiểu là yêu cầu về xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm dựa vào các tiêu chí về số lượng cơ sở bán lẻ, sự ổn định thị trường, mật độ dân cư của địa bàn cấp quận, huyện nơi dự kiến đặt cơ sở bán lẻ... là quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp bán lẻ ngoại khi tiến hành mở siêu thị thứ hai tại một địa phương.

Tuy nhiên, việc bỏ quy định ENT cho cửa hàng có diện tích dưới 500m2/điểm bán vào cuối năm 2016 đã tạo thuận lợi cho các nhà bán lẻ nước ngoài hoạt động theo mô hình cửa hàng tiện lợi (mở cửa 24/24 giờ) đang phát triển nhanh ở thị trường trong nước hiện nay.

Chạy đua phủ sóng

Thời gian gần đây, những khu vực trung tâm của TP.HCM như quận 1, quận 3... đã chứng kiến sự xuất hiện của những chuỗi cửa hàng tiện lợi mọc lên “như nấm sau mưa”, trong đó có cả những nhà bán lẻ tên tuổi trong nước lẫn nước ngoài.

Trên tuyến đường tập trung đông người qua lại như Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn..., người đi đường dễ dàng ghé vào cửa hàng tiện lợi để mua một chai nước, cái bánh bao hay ăn một tô mì gói nóng hổi với giá chưa tới 20.000 đồng.

Thậm chí tại những hẻm dân cư nhỏ ở vùng xa như Q.Gò Vấp, Q.Bình Tân..., các bà nội trợ cũng dễ dàng mua những bó rau, gói gia vị ở các cửa hàng tiện lợi để hoàn tất bữa cơm của mình, những món đồ trước kia họ thường ra tiệm tạp hóa gần nhà.

Với các nhà bán lẻ VN, phân khúc cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm đang chia nhau cho các thương hiệu như VinMart+, Mini Stop, FamilyMart, Co.op Food, Circle K, SatraFoods, B’s mart, Shop&Go...

Trong đó xét về quy mô, VinMart+ đang chiếm ưu thế với khoảng 900 cửa hàng, dẫn đầu thị trường bán lẻ.

Theo kế hoạch đến năm 2018, tập đoàn mẹ là Vingroup sẽ mở thêm khoảng 1.000 cửa hàng VinMart+, con số này đã đạt gần bằng dự kiến tương lai 10 năm tới của 7-Eleven, một đại gia bán lẻ nước ngoài vừa đặt chân vào VN với cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM được khai trương cách nay một tuần.

Các thương hiệu nước ngoài có tốc độ tăng trưởng nhanh như Circle K khoảng 200 cửa hàng, Shop&Go 145 điểm, B’s mart 153 điểm...

Sức ép đến từ doanh nghiệp FDI khiến cả Vingroup lẫn Saigon Co.op và Satra không thể chậm chân mãi.

Đại diện VinMart+ cho biết không chỉ tăng tốc về quy mô số lượng, các cửa hàng VinMart+ đều là các cửa hàng mặt phố hoặc chân các khu chung cư đông đúc, rất tiện lợi cho khách vào mua sắm.

Việc mở rộng nhanh chóng đã đón đầu sự phát triển của thị trường, giúp VinMart+ giành được những vị trí đẹp, một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc kinh doanh bán lẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó tổng giám đốc Satra, cũng cho biết trong năm 2017, SatraFoods sẽ có 155 cửa hàng so với 118 cửa hàng hiện nay.

Ngoài các mặt hàng thực phẩm tươi sống đến thực phẩm chế biến, Satra cũng bắt đầu chú trọng cung cấp nhiều mặt hàng khác như trái cây ngoại, các đặc sản địa phương.

Co.op Food cũng kịp có 135 cửa hàng len lỏi trong khu dân cư, và có thêm sự trợ giúp của mô hình mới Co.op Smile tạo mạng lưới chân rết phân phối theo chiều sâu, trong đó Co.op Smile chuyên bán hàng thực phẩm công nghệ, hàng khô được nâng cấp dịch vụ, chuyên nghiệp hơn.

Bán lẻ nội có lợi thế riêng

Theo chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, nhìn toàn thị trường, sự xuất hiện những chuỗi bán lẻ lớn vào VN sẽ đem lại sức sống cho thị trường.

Người tiêu dùng được đáp ứng nhu cầu ở một chất lượng cao hơn do các chuỗi lớn vào VN đều có nền tảng vận hành tốt, cập nhật mô hình, xu hướng trên thế giới nhanh.

Ngay cả 7-Eleven cũng không chỉ thuần túy là chuỗi cửa hàng tiện lợi nữa mà dần chuyển qua công ty thức ăn nhanh, chuyên cung cấp những bữa ăn tiện lợi.

Do đó, theo bà Phi Vân, để cạnh tranh, các doanh nghiệp VN phải chủ động cập nhật xu hướng thế giới, tăng cường đưa các ứng dụng công nghệ vào, dần dần phá vỡ mô hình truyền thống.

Trên thực tế, một số nhà bán lẻ trong nước đang đi theo con đường này. VinMart+ đã đón đầu nhu cầu cung cấp thực phẩm và đồ ăn nhanh từ trước đó.

Với mô hình “2 trong 1”, kết hợp giữa minimart và cửa hàng tiện lợi cung cấp thực phẩm sạch và những hàng hóa thiết yếu cho các bà nội trợ bận rộn, các gia đình trẻ, đồng thời cung cấp thực phẩm ăn nhanh và các hàng hóa tiện ích khác cho các khách hàng trẻ tuổi.

Hệ thống này vừa cho ra mắt dịch vụ VinMart Cook do các đầu bếp tại bếp trung tâm VinMart chế biến với nguồn thực phẩm được kiểm soát theo quy trình chặt chẽ, thực đơn đa dạng, giá cả hợp lý, giúp chuẩn bị bữa ăn gia đình với những món ngon bổ dưỡng trong thời gian ngắn nhất.

Là nhà cung ứng thực phẩm cho các chuỗi cửa hàng, siêu thị, bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Saigon Food, nói xu hướng phát triển danh mục sản phẩm đa dạng, đồ ăn tươi ngon và trải nghiệm mua sắm tiện lợi cho người tiêu dùng đang phát triển mạnh ở các cửa hàng tiện lợi.

“Thực tế người tiêu dùng có nhu cầu rất lớn về thực phẩm sạch trong khi cửa hàng tiện lợi có nhiều lợi thế kinh doanh mặt hàng này” - bà Lâm nhận định.

Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ VN cho rằng, những nguy cơ của thị trường bán lẻ VN trước làn sóng đầu tư nước ngoài đang được nói quá, dẫn đến nhiều doanh nghiệp VN đang có ý định đầu tư vào ngành bán lẻ không dám làm nữa.

“Đúng là có sự thâm nhập của nhà bán lẻ FDI vào thị trường, nhưng nếu cuộc đua này diễn ra cách đây 10 năm, chúng ta có thể lo lắng. Nhưng bây giờ nội lực bán lẻ nội đã trưởng thành rất nhiều, các doanh nghiệp trong nước đang biết cách tận dụng lợi thế cạnh tranh riêng” - bà Loan nhận xét.

Ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng mạnh

Theo báo cáo của Kantar Worldpanel, doanh thu tăng trưởng kênh siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi trong năm 2016 tại VN đã đạt những con số ấn tượng.

Thị phần của siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi tại 4 thành phố lớn (gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ) tăng từ 2% lên 3%.

Tuy nhiên, giá trị (doanh thu) ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng đến 36%, chỉ tính đối với khách hàng mua về tiêu dùng tại nhà so với năm 2015.

Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường này, mô hình bán lẻ nhỏ và thuận tiện đang là nguồn tăng trưởng chính của thị trường bán lẻ vào năm 2016.

Ông Ishige Hiroyuki - chủ tịch JETRO Nhật Bản cho biết, việc phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi ở thị trường VN của các ông chủ Nhật đã tạo nền tảng để doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa hàng hóa vào khai thác, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh của người Việt.

Nguồn TTO