BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhà kính trồng rau- muốn, mà không dám 

Cập nhật ngày: 10/01/2017 - 19:56

BTNO - Nhà kính trồng rau là một mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cả về năng suất lẫn chất lượng sản phẩm, tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình này để số đông nông dân có thể tiếp cận được là vấn đề không dễ.

Vườn rau của anh Phú được trồng trong nhà kính.

Tổ hợp tác rau Ninh Bình (xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu)- gọi tắt là Tổ hợp tác, được thành lập từ tháng 9.2016 với 12 thành viên, tổng diện tích sản xuất các loại rau ăn lá đạt 8 ha.

Sau khi Tổ hợp tác được thành lập, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trạm Bảo vệ thực vật huyện phối hợp hỗ trợ mô hình nhà kính trồng rau cho Tổ. Hộ anh Liêu Tỷ Phú- Tổ trưởng Tổ hợp tác được chọn thí điểm trình diễn mô hình. Anh Phú cho biết, trên diện tích đất xây dựng 600m2, nhà kính được xây dựng theo mẫu nhà kính tại Đà Lạt với nguyên vật liệu (lưới, màng ni-lông) nhập khẩu từ Israel, có gắn thiết bị tưới phun sương. Tổng chi phí xây dựng khoảng 500 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30%. Nhà được xây dựng khung sắt kiên cố, có thiết kế thông gió thoáng mát.

Anh Phú là hộ trồng rau (ấp Ninh Bình 9) đã được 10 năm nay, mỗi vụ anh trồng các loại rau ăn lá ngắn ngày. Mỗi năm anh có thể sản xuất 9 đến 10 vụ rau. Tham gia Tổ hợp tác, anh Phú và các thành viên trong Tổ đã được Hội Nông dân xã và các đơn vị chức năng tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sau 3 tháng được hỗ trợ nhà kính, anh Phú đã sản xuất 2 vụ rau và đang thực hiện vụ thứ 3. Anh cho biết, rau trồng trong nhà kính bảo đảm độ an toàn vì không phải sử dụng nhiều thuốc trừ sâu bệnh. Trồng rau trong nhà kính không phải tốn nhiều công chăm sóc như trước, vì đã có hệ thống tưới tự động. Nhìn chung, mô hình nhà kính trồng rau giúp nông dân tiếp cận được kỹ thuật sản xuất tiên tiến, cho hiệu quả cao hơn cách làm cũ. Trước đây, khi trồng rau bên ngoài, anh Phú cũng có lắp hệ thống tưới tự động cho cả vườn rau, nhưng so ra, hiệu quả vẫn thấp hơn nhiều so với trồng rau trong nhà kính.

Mô hình trồng rau trong nhà kính là mô hình đầu tiên được triển khai cho nông dân huyện Dương Minh Châu. Điểm trình diễn này đang được nhiều nông dân trong và ngoài địa phương quan tâm, thường xuyên đến tham quan, học hỏi. Anh Nguyễn Huy Cường, cùng ngụ ấp Ninh Bình và cũng là thành viên Tổ hợp tác rau Ninh Bình hào hứng nói: “Tôi rất thích mô hình này, vì có thể sản xuất được sản phẩm an toàn lại tiết kiệm được công lao động”.

Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn còn khá e ngại bởi giá thành đầu tư làm nhà kính khá cao, chỉ những người có điều kiện kinh tế khá mới đủ khả năng tiếp cận. Trong khi đó, đầu ra cho rau củ chủ yếu vẫn trông vào các chợ. Ngay bản thân anh Phú hiện vẫn chưa có được một đầu ra chắc chắn cho sản phẩm rau từ nhà kính của mình, nên vẫn phải phụ thuộc thương lái ở chợ đầu mối.

Được biết, hiện nay, giữa nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa thật sự gắn kết, giá hợp đồng nhiều khi còn thấp hơn so với giá thị trường bên ngoài, số lượng lấy hàng lại không ổn định... nên người nông dân vẫn chưa thật mặn mà với chuyện hợp tác cùng các doanh nghiệp, chủ yếu vẫn dựa vào thương lái để tiêu thụ sản phẩm.

Về lý thuyết, việc đầu tư nhà kính sản xuất rau theo hướng an toàn, tiên tiến đã được số đông bà con nông dân hưởng ứng, tuy nhiên với tình hình giá cả sản phẩm bấp bênh như đã và đang diễn ra, cùng những khó khăn khác, nhiều người trồng rau chưa dám mạnh dạn “xông” vào mô hình kỹ thuật tiên tiến này. Anh Phú thừa nhận: cũng nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước anh mới dám bỏ vốn ra đầu tư nhà kính, nếu không thì chưa chắc dám làm.

Với thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/tháng từ nghề trồng rau quả, anh Cường chia sẻ: “Mô hình trồng rau trong nhà kính tôi rất mê, nhưng phải bỏ ra vài trăm triệu đồng để làm trong khi khả năng thu hồi bấp bênh, thật sự là tôi không dám. Nông dân chúng tôi chỉ mong các ngành, các cấp có thể giới thiệu những mô hình sản xuất có giá thành rẻ hơn”. 

Anh Phú cũng đồng tình với ý kiến trên: “Mô hình trồng rau trong nhà kính mang lại hiệu quả đã rõ. Tuy nhiên, giá thành đầu tư cao mà rau, quả lại không có đầu ra ổn định nên nông dân vẫn còn tâm lý e ngại. Nếu có sự hỗ trợ từ chính quyền để đầu ra ổn định, nông dân sẽ không ngại đầu tư, tiếp cận những kỹ thuật sản xuất tiên tiến để tạo ra sản phẩm thật sự an toàn cung cấp cho thị trường”.

ĐÀO NAM