Xã hội   An toàn giao thông

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Nhanh một phút, chậm cả đời” 

Cập nhật ngày: 17/10/2018 - 04:05

BTN - Khi tham gia giao thông, nhiều người cố chạy thật nhanh dẫn đến quá tốc độ quy định. Ðây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến va chạm, tai nạn, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Lực lượng CSGT sử dụng thiết bị nghiệp vụ kiểm tra tốc độ các phương tiện tham gia giao thông (ảnh minh hoạ)

Trên các tuyến đường ở địa bàn tỉnh, có rất nhiều bảng tuyên truyền, băng-rôn, khẩu hiệu kêu gọi người dân chấp hành quy định về trật tự an toàn giao thông. Ðặc biệt, có nhiều tấm bảng với nội dung yêu cầu người điều khiển xe chạy đúng tốc độ quy định, không phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu… Mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã cảnh báo và tập trung xử lý lỗi vi phạm chạy quá tốc độ, nhưng tình trạng này vẫn cứ diễn ra.   

Chỉ trong 9 tháng năm 2018, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử lý 3.853 trường hợp vi phạm tốc độ, xử phạt vi phạm số tiền trên 5 tỷ đồng. Lỗi vi phạm xảy ra phổ biến ở người điều khiển xe mô tô, xe ô tô con, ô tô khách, tập trung ở độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi.

Chị N.N, ngụ xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành phản ánh: “Tôi thấy nhiều người có thói quen chạy xe rất nhanh lại hay vượt ẩu. Nếu chạy quá nhanh, xảy ra tình huống bất ngờ, người lái xe sẽ không thể xử lý kịp. Chạy quá tốc độ chưa chắc tiết kiệm thời gian, còn gây nguy hiểm cho bản thân và người khác”.  

Cùng quan điểm, anh N.T.D, ngụ trên tuyến đường Ðiện Biên Phủ, TP.Tây Ninh than thở, thời gian qua, tuyến đường này vừa được nâng cấp, mở rộng, việc lưu thông dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều. Nhiều thanh niên thích "thể hiện", thấy đường lớn nên cứ rồ hết ga mà chạy hoặc tụ tập cùng bạn bè lạng lách, đánh võng.

Không chỉ trên các tuyến đường nội thị hay quốc lộ, ngay cả tuyến đường nông thôn, đường liên ấp, liên xã, tình trạng chạy xe quá tốc độ cũng xảy ra. Ông N.A.T, ngụ huyện Dương Minh Châu cho biết, do các tuyến đường nông thôn thường vắng người, ít lực lượng CSGT tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nên mọi người chủ quan chạy nhanh. Sau này, khi đường sá được bê tông hoá, nhựa hoá, tình trạng chạy quá tốc độ càng gia tăng. 

Ðối với các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là chạy quá tốc độ quy định, Nghị định số 46/2016/NÐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính, tuỳ từng trường hợp từ 100.000 đồng đến 8 triệu đồng. 

Một cán bộ Phòng CSGT- Công an tỉnh cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm tốc độ vẫn còn tiếp diễn là do "tâm lý" của người tham gia giao thông. Nhiều người vì muốn đi nhanh, giảm thời gian đi lại, vận chuyển hàng hoá, hành khách nên không tuân thủ nghiêm quy định về tốc độ, nhất là khi lưu thông trong khu vực đông dân cư. Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia chạy quá tốc độ quy định.

Thời gian qua, thông qua việc sử dụng thiết bị nghiệp vụ (máy kiểm tra tốc độ), lực lượng CSGT xây dựng kế hoạch chuyên đề kiểm tra tốc độ phương tiện trên các tuyến giao thông, nhất là các tuyến đường thường xảy ra tai nạn, đường qua khu vực đông dân cư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Ðối với các trường hợp bị xử lý, người vi phạm được xem lại hình ảnh chạy quá tốc độ tại nơi kiểm tra hoặc nơi xử lý vi phạm khi có yêu cầu.

Theo Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới khi tham gia giao thông, đối với đường đôi có dải phân cách giữa trong khu vực đông dân cư, các phương tiện được chạy với tốc độ tối đa 60km/h (trừ xe máy chuyên dùng, xe gắn máy). Khi lượng phương tiện lưu thông nhiều, xe chạy quá tốc độ 60km/h, việc yêu cầu dừng, kiểm tra phương tiện thường không kịp. Vì thế, lực lượng phải bố trí thêm tổ công tác cách nơi kiểm tra một khoảng cách nhất định để ra tín hiệu dừng phương tiện. Ngoài ra, cũng có trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ có liên quan đến rượu, bia có hành vi lăng mạ, chống lại lực lượng thực thi nhiệm vụ... gây khó khăn cho công tác xử lý.

Ðược biết, trong thời gian tới, lực lượng CSGT toàn tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý hành vi vi phạm tốc độ đối với các phương tiện tham gia giao thông, tập trung kiểm tra tại khu vực đông dân cư, nơi thường xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, CSGT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phân tích nguyên nhân TNGT cũng như hậu quả của hành vi chạy quá tốc độ, nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông.

PHƯƠNG THẢO