BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhập nhằng sang nhượng đất lâm nghiệp 

Cập nhật ngày: 30/07/2018 - 06:08

BTN - “Thủ phạm” và “nạn nhân” của việc mua bán này đều là những người dân nghèo thiếu đất “cắm dùi”, thiếu kiến thức pháp luật. Họ đang mong chờ cơ quan chức năng có hướng giải quyết hợp tình hợp lý.

Mặc dù Ban quản lý khu rừng phòng hộ đã cắm bảng thông báo “nghiêm cấm các hành vi cất nhà, chòi trái phép trong khu vực rừng phòng hộ”, nhưng người dân vẫn sang nhượng đất và cất nhà ở.

Trưởng ấp làm chứng việc mua bán(!?)

Từ trung tâm xã Tân Thành đi theo một con đường đất đỏ rộng rãi vào khoảng 5km sẽ thấy phía bên phải là hồ Dầu Tiếng. Ven hồ là khu tập trung tạm thời đành cho hơn 100 hộ di dân tự do từ Campuchia về đây sinh sống. Phía bên trái là khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Hiện nay, ở ven rừng này có hàng chục hộ dân làm ăn sinh sống. Có những hộ cất nhà kiên cố, sinh sống lâu đời; cũng có nhiều gia đình mới về cư ngụ, nhà cửa tạm bợ, lụp xụp. Ðất đai để cất nhà  được người dân sang nhượng cho nhau bằng giấy tay.

Ðến khi đi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDÐ), họ mới “tá hoả” vì đất mình đang ở là đất lâm nghiệp; đã vậy, họ còn bị Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu xử phạt hành chính.

Ông Trần Văn Quới, sinh năm 1954, hiện ngụ tổ 1, ấp Tà Dơ là một trong những  “nạn nhân”  của vụ sang nhượng đất rừng nêu trên. Ông Q. kể, nhiều năm trước, gia đình ông làm ăn sinh sống trên Biển Hồ, nước bạn Campuchia.

Năm 2016, ông đưa gia đình về ấp Tà Dơ sinh sống. Những ngày đầu mới về đây, cả nhà ông sinh sống trên 2 chiếc ghe và hằng ngày kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá ở hồ Dầu Tiếng. Thấy trên mép đường giao thông có đặt bảng rao bán đất cất nhà, dưới bảng có ghi số điện thoại của người bán.

Bảng rao bán đất cắm ở đó cả tháng mà không thấy cơ quan, đơn vị nào dẹp bỏ, ông cho rằng đó là đất hợp pháp. Thế là ông Q. bàn với vợ con bán bớt 1 chiếc ghe, lấy tiền mua đất lên bờ ở. Gọi theo số điện thoại ghi dưới bảng rao bán đất, ông gặp được chủ đất là ông Nguyễn Văn Xững, sinh năm 1962- cũng là một người di dân tự do từ Campuchia về sinh sống nhiều năm trước.

Ngày 8.6.2016, ông Quới và ông Xững rủ nhau đến nhà Trưởng Ban quản lý ấp Tà Dơ- ông Nguyễn Văn Tha để làm giấy sang nhượng đất. Ông Xững cam kết: “Nếu ai tranh chấp phần đất trên tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Ông Quới chia sẻ: “Không những trưởng ấp không ngăn cản mà còn đứng ra viết giấy tay mua bán đất, nên tôi yên tâm. Chứ nếu lúc đó, ông Tha nói đây là đất lâm nghiệp, không được sang nhượng thì tôi đâu dám mua”.

Mọi chuyện vỡ lở khi ông Quới đem hồ sơ lên UBND xã xin cấp giấy CNQSDÐ. Ở đó, cán bộ địa chính cho biết, phần đất đã mua của ông Xững là đất lâm nghiệp, nghiêm cấm sang nhượng, cầm cố. Ông Quới tá hoả khi biết mình mua nhầm đất rừng.

Ðã vậy, ngày 30.8.2017, ông Q. còn nhận được quyết định xử phạt hành chính của Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu với mức phạt từ 3-5 triệu đồng. Ðến nay, gia đình ông Quới vẫn chưa nộp phạt. “Tôi già rồi, hằng ngày đánh bắt cá kiếm tiền mua gạo còn không đủ, lấy tiền đâu mà nộp phạt?”- ông than thở. Từ đó đến nay, ông Quới lặn lội đi kiếm ông Xững để hỏi cho ra lẽ, nhưng “ông Xững làm nghề mua bán cá ở Campuchia, không biết đâu mà tìm”, ông lão nói.

Tương tự như thế, anh Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1978 cũng trở thành “nạn nhân” của vụ mua bán đất lâm nghiệp trái phép. Gia đình anh Hải từ Campuchia về ấp Tà Dơ sinh sống. Ngày 4.3.2017, anh đã mua một phần đất có chiều ngang 7m, chiều dài 50m, toạ lạc ven bìa rừng, của ông Nguyễn Văn Xuân, với số tiền hơn 52 triệu đồng. Anh cũng cùng ông Xuân đến nhà Trưởng Ban quản lý ấp Tà Dơ nhờ viết giấy sang nhượng đất.

Sau khi sang nhượng phần đất này, anh Hải dựng căn nhà gỗ tạp để ở. Ðến nay, căn nhà của anh xuống cấp, sắp sập, anh đến UBND xã Tân Thành xin cấp giấy CNQSDÐ để yên tâm mua trụ xi măng về sửa chữa lại căn nhà cũ. Ðến đây, ông mới “té ngửa” khi biết mình mua nhằm đất lâm nghiệp.

Tìm hiểu kỹ lại anh Hải mới biết, ông Xuân cũng từ Campuchia về đây sinh sống, trước đó, ông Xuân sang nhượng lại phần đất này của người khác. Anh Hải cũng bị Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu gửi quyết định xử phạt hành chính từ 4-6 triệu đồng. Ðến nay, anh vẫn chưa có tiền nộp phạt. Hiện giờ, anh Hải chỉ còn biết “vái trời cho làm giấy đỏ được để cất lại căn nhà khác”.

Ngoài hai trường hợp kể trên, chúng tôi còn gặp một số “nạn nhân” khác, như ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1948, ông Trần Văn Ni, sinh năm 1967, đều mua nhầm đất lâm nghiệp ở khoảnh 6, tiểu khu 61, khu rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng và đều bị Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu gửi quyết định xử phạt hành chính.

NỖI NIỀM TRƯỞNG ẤP

Ðể hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Tha- Trưởng Ban quản lý ấp Tà Dơ. Ông Tha cho biết, năm 1991, ông và một vài hộ dân khác từ miền Tây lên đây lập nghiệp. Những cư dân miền Tây này sang nhượng lại một số đất bán ngập của người dân địa phương và cất nhà, làm ăn sinh sống đến nay.

Bản thân ông Tha cũng sang nhượng lại được gần 4 ha đất để trồng cây nông nghiệp. Từ khi lấy đường đất đỏ làm ranh giới, “vô tình” phần đất của ông và của một số người khác bị “lọt” vào đất lâm nghiệp.

Theo lời ông Tha, để hợp thức hoá đất bán ngập phía bên trái đường đất đỏ thành đất lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng đã “tự ý” sửa nội dung một số bản hợp đồng trồng rừng của bà con trong khu vực này. Cụ thể, trước đây, khi Ban quản lý hợp đồng trồng rừng với dân, nội dung trong bản hợp đồng ghi rõ bên B (bên người dân) có nhiệm vụ trồng rừng, nhưng những năm gần đây, tự nhiên trong bản hợp đồng Ban quản lý sửa lại với nội dung bên B là người nhận khoán trồng rừng.

Phát hiện điều này, ông Tha không chấp nhận. “Vì theo cách người dân ở đây hiểu, “nhận khoán” có nghĩa là đất rừng thuộc Ban quản lý, người dân có trách nhiệm trồng rừng, sau 50 năm, khi hết hợp đồng, thanh lý rừng xong, phần đất này vẫn thuộc Ban quản lý rừng.

Còn “hợp đồng” trồng rừng có nghĩa là giữa người dân và Ban quản lý rừng là đối tác của nhau. 50 năm sau, khi hết hợp đồng, thanh lý rừng xong, phần đất này vẫn thuộc về bên B, chứ không phải của Ban quản lý rừng”, ông Tha phân tích.

Bản thân Trưởng Ban quản lý ấp Tà Dơ cũng hợp đồng trồng rừng 2,4 ha, còn 1,2 ha đất khác, không hợp đồng trồng rừng, ông đã “cắt lô” sang nhượng cho nhiều người khác cất nhà ở. Ông Tha cho hay, mặc dù toàn bộ diện tích đất của ông cũng như của những người khác ở đây chưa được cấp giấy CNQSDÐ, nhưng không phải là đất lâm nghiệp nên có thể sang nhượng được.

Về việc “đứng ra” viết giấy tay cho những người dân địa phương, Trưởng Ban quản lý ấp Tà Dơ cho rằng: “Ða số bà con ở đây đều không biết viết chữ, nên tôi viết giùm bà con. Nếu mình không viết họ cũng nhờ người khác viết và vẫn mua bán đất với nhau thôi. Vì bà con quan niệm rằng ở đây là đất lòng hồ chứ không phải là đất lâm nghiệp”.

Ông Huỳnh Tân Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Thời gian qua, có 43 hộ dân di cư tự do từ Campuchia về sinh sống ở trong đất lâm nghiệp. Mới đây, chúng tôi đã di dời 9 hộ về Khu tái định cư Ðồng Kèn II, số hộ dân còn lại tạm thời vẫn còn ở trong đất lâm nghiệp. Họ sang nhượng đất qua lại bằng hình thức mua bán viết giấy tay với nhau, chính quyền địa phương không chứng thực”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Ðinh Ngọc Thạnh- Phó Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết: “Thời gian qua, ở ấp Tà Dơ có 4 hộ dân hợp đồng nhận khoán chăm sóc rừng, nhưng họ lại lấy đất rừng bán. Những hộ này đã vi phạm hợp đồng, sắp tới, Ban quản lý rừng sẽ thu hồi hợp đồng và đề xuất lên UBND huyện xử lý.

Có những căn nhà tường kiên cố ở khu vực tiểu khu 61.

Thay lời kết

Trưởng Ban quản lý ấp Tà Dơ cho rằng, khu vực gia đình ông và một số hộ dân khác đang ở là đất bán ngập của công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, chứ không phải là đất lâm nghiệp. Chính quyền địa phương và ngành chức năng lại khẳng định rằng đó là đất lâm nghiệp và đã ra quyết định xử phạt hành chính.

Thiết nghĩ, để giải quyết tình trạng này, các ngành có liên quan, chính quyền địa phương cần “ngồi lại” với nhau để tìm giải pháp hợp lý và tình. Qua đó, nâng cao ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” của người dân, đồng thời, chấn chỉnh được tình trạng sang nhượng đất đai trái phép. Nếu chậm giải quyết, e rằng trong tương lai, việc sang nhượng đất đai ở đây còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ðại Dương